Theo Công ty Đông Đô, trước Tết Nguyên đán 2012, cán bộ văn phòng nhà thầu này về quê ăn tết và có nhờ ông Đặng Lợi Bình - chủ nhà H33 đường số 55, P. Phú Thứ mà công ty thuê làm trụ sở văn phòng - trông coi. Đến ngày 15-2, ông Bình báo với nhà thầu là Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ đã tự ý đến văn phòng lấy vật tư thiết bị theo chỉ đạo của bà Phan Thị Thiên - phó giám đốc công ty. Ngày 24-2, nhà thầu đã mời các bên liên quan lập biên bản vụ việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-3, bà Phan Thị Thiên cho biết sau khi đấu thầu, Công ty Đông Đô được chủ đầu tư ký hợp đồng thực hiện gói thầu cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước nam sông Cần Thơ (Q.Cái Răng) thuộc dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ từ năm 2007. Đến cuối năm 2010 nhà thầu đã thi công đạt 76% khối lượng và “giậm chân tại chỗ” đến nay. Cũng theo bà Thiên, từ tháng 12-2011 chủ đầu tư đã có văn bản chấm dứt hợp đồng nhưng nhà thầu không chấp nhận việc chậm trễ là do lỗi nhà thầu mà do lỗi bất khả kháng. Sau đó nhà thầu đưa ra một số đề nghị như giảm hạn mức thanh toán, điều chỉnh giá của phần chưa giải phóng mặt bằng... Đến nay “họ không chấp nhận chấm dứt hợp đồng, cũng không chịu triển khai thi công”.
Về vụ lấy thiết bị vật tư, bà Thiên giải thích là do gấp rút về tiến độ dự án nên chủ đầu tư mới lấy để tiếp tục thi công vì những thứ này không có trong nước. Vì vậy chủ đầu tư đã đưa ra hai phương án: hoặc phối hợp với nhà thầu để lấy vật tư thi công hoặc mời đại diện địa phương, chủ nhà cho thuê và tư vấn giám sát để mở cửa lấy thiết bị. Sở dĩ chủ đầu tư phải chọn phương án thứ hai vì đã hai lần thông báo với nhà thầu nhưng không được hợp tác. Bà Thiên cho biết thêm việc lấy tài sản trong trường hợp tranh chấp như trên không có trong điều khoản hợp đồng với nhà thầu và do chủ đầu tư đã thanh toán 80% giá trị thiết bị vật tư nên đó là tài sản của chủ đầu tư.
Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng nếu hợp đồng không quy định việc lấy tài sản trong trường hợp như trên mà chủ đầu tư đơn phương đến lấy của nhà thầu là không đúng. Theo luật sư, nếu nhà thầu vi phạm về hợp đồng thì chủ đầu tư phải xử lý theo hợp đồng, không thể đến lấy để trừ như trên. Ông cũng cho rằng cách giải thích “đó là tài sản của chủ đầu tư” cũng không được vì khi đã giao cho nhà thầu thì tài sản đó thuộc quyền quản lý của nhà thầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận