Hà Nội tổng rà soát nhu cầu bãi đỗ, điểm đỗ xeHà Nội “đói” bãi đậu xe; TP.HCM dự án bất động
Phóng to |
Xe máy để tràn xuống lòng đường tại một quán cà phê trên đường Trần Kế Xương, đoạn giao với đường Hoa Hồng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ảnh chụp lúc 18g30 ngày 22-2) - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Theo đó, điều đáng lo ngại nhất là người dân không biết rồi đây sẽ ra sao trong khi chưa có các điểm đậu xe hoặc giữ xe thay thế những khu vực bị cấm.
TP.HCM: cần có lộ trình
Tại Q.1, 9/33 tuyến đường đậu xe thu phí bị bãi bỏ gồm Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Anh, Thi Sách, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trung Trực, Alexandre De Rhodes, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Siêu và Trần Cao Vân. Tại Q.5 là các tuyến đường Phạm Hữu Chí, Trần Bình Trọng, Mạc Thiên Tích... UBND Q.11 chủ động đề xuất đưa các tuyến đường Minh Phụng, Lê Đại Hành và Vĩnh Viễn... ra khỏi danh mục cho phép đậu và giữ xe vì mật độ lưu thông cao trên các tuyến đường này.
Theo một cán bộ Sở GTVT TP, việc thu hồi giấy phép các điểm đậu, giữ xe tại TP sẽ được tiến hành từng bước. Trước mắt xóa bỏ ngay các điểm đậu, giữ xe không còn phù hợp, nhưng về lâu dài cần có lộ trình để không làm xáo trộn đời sống của người dân. Trên vỉa hè, chỉ cho phép giữ xe nếu phần vỉa hè còn lại đủ rộng sau khi đã chừa 2m cho người đi bộ.
Theo danh mục được UBND TP ban hành, hiện TP.HCM còn gần 200 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để phục vụ kinh doanh buôn bán hoặc đậu ôtô dưới lòng đường có thu phí.
Lo lắng là tâm trạng của nhiều tài xế ôtô và các hộ kinh doanh khi được biết chủ trương xóa bỏ các điểm đậu, giữ xe trên lòng, lề đường của UBND TP. Loay hoay tìm chỗ đậu xe trên đường Sương Nguyệt Anh chiều 22-2, anh Minh - tài xế Hãng taxi Vinasun - cho biết việc cấm đậu xe trên tuyến đường này gây khó khăn rất lớn cho các tài xế. “Taxi không có đất làm bãi giữ xe, chúng tôi phải chạy lòng vòng, vừa hao tốn xăng vừa sợ bị công an phạt” - anh Minh nói.
Một nhân viên Công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong giữ xe hai bánh trên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt (Q.5) cho biết ngày thường rất đông người dân gửi xe để vào Bệnh viện Hùng Vương, nếu thu hồi giấy phép giữ xe thì không biết người dân sẽ phải gửi xe ở đâu. Chị Hoa, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Phạm Hữu Chí (Q.5), tỏ ra bối rối trước việc TP không cho giữ xe trên vỉa hè.
Ngày 22-2, ông Phan Trọng Hùng - chánh thanh tra xây dựng Q.1 - nói tất cả giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè đều được cấp với mục đích giữ xe không thu phí hoặc cấp cho các công trình xây dựng. Quận vẫn tiếp tục cấp loại giấy phép này, còn giấy phép giữ xe có thu phí đã ngưng cấp.
Theo ông Hùng, thanh tra xây dựng quận đang phối hợp với 10 phường rà soát các điểm được cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè, nơi nào không phù hợp sẽ rút phép. Tinh thần chung là quận tạo điều kiện để người dân có nơi để xe khi đến giao dịch, làm việc tại các cơ quan, cửa hàng buôn bán nhưng phải đảm bảo trật tự, mỹ quan.
UBND Q.5 cho biết vừa rà soát xong các điểm giữ xe hai bánh, bốn bánh ở quận. Theo đó, có 106 điểm được cấp phép tạm thời sử dụng một phần vỉa hè để trông giữ xe hai bánh và có 12 đoạn, tuyến đường đậu ôtô có thu phí. Kết quả cho thấy quận đề xuất xử lý 25 điểm giữ xe không cần thiết và có ảnh hưởng trật tự giao thông. Đồng thời đề xuất Sở GTVT danh sách 11 đoạn, tuyến đường tiếp tục duy trì đậu ôtô có thu phí (giảm một tuyến). Quận vẫn đang tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, khảo sát việc sử dụng vỉa hè, lòng đường nhằm đánh giá, đề xuất nơi nào có thể giải quyết nhu cầu giữ xe cho người dân, vì thực tế nhu cầu này rất lớn, không thể không quan tâm.
Chủ tịch UBND Q.1 Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh quan điểm của quận là việc cho sử dụng tạm thời vỉa hè nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt, còn về lâu dài phải trả lại sự thông thoáng cho không gian công cộng này. Nếu ngay lập tức không giải quyết nhu cầu này sẽ gây xáo trộn trong sinh hoạt, giao dịch của người dân. Theo ông Tuyến, TP cần sớm có chính sách cụ thể xây dựng các điểm trông giữ xe, đồng thời siết chặt yêu cầu những công trình mới phải có đủ chỗ trông giữ xe.
Ông Phan Hồng Đức - chánh thanh tra xây dựng Q.5 - cho rằng cần có lộ trình, trước mắt rà soát, đánh giá thật kỹ những nơi sử dụng một phần vỉa hè làm nơi giữ xe hai bánh, nơi nào ảnh hưởng đến trật tự giao thông và không phù hợp thì không cấp phép (hoặc xóa bỏ). Còn nếu làm ngay trong khi chưa có chỗ giữ xe thay thế sẽ gây bất tiện cho người dân.
Hà Nội: kiến nghị cho phép giữ xe trên một số tuyến phố
Chiều tối 22-2, liên ngành Sở GTVT - Công an Hà Nội đã ký tờ trình số 151 gửi UBND TP Hà Nội đề nghị ban hành danh mục các tuyến phố đủ điều kiện cấp phép, tổ chức giữ xe trên vỉa hè, lòng đường.
Tờ trình này được đưa ra sau cuộc họp cùng ngày của liên ngành Sở GTVT - Công an TP Hà Nội nhằm đánh giá việc thực hiện quy định cấm tổ chức giữ xe trên 262 tuyến phố. Tại cuộc họp, đại diện các quận huyện đều xác nhận hơn một tuần qua đường phố, vỉa hè thông thoáng hơn.
Tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều khó khăn cho người dân vì thiếu chỗ để xe, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc kinh doanh buôn bán.
Trong tờ trình, liên ngành nêu quan điểm không cấp phép với các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tại các trục giao thông chính yếu, các tuyến hướng tâm, đường vành đai, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn; không cấp phép giữ xe trên các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m, các phố có vỉa hè bề rộng nhỏ hơn 5m. Đồng thời tiếp tục cấm để ôtô, xe máy, xe đạp trên vỉa hè, lòng đường ở 54/56 tuyến phố thuộc quyết định mới đây của UBND TP Hà Nội về việc không để phương tiện, kinh doanh buôn bán ở lòng đường.
Liên ngành đề xuất UBND TP Hà Nội thống nhất giao một doanh nghiệp nhà nước có chức năng để quản lý khai thác các điểm giữ xe trên cả vỉa hè và lòng đường đô thị. Trước mắt, nên cấp phép cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để tập trung quản lý.
Trước đó chiều cùng ngày, tại cuộc họp liên ngành Sở GTVT và Công an TP Hà Nội, thượng tá Phạm Văn Thời - phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm - cho rằng trong quyết định của UBND TP Hà Nội về việc cấm tổ chức trông giữ xe trên 262 tuyến phố vẫn có những điểm cần làm rõ. “Quyết định ghi là cấm trông giữ xe nhưng người dân có nhà mặt phố để xe trên vỉa hè có được không?” - ông Thời băn khoăn.
Ông Thời cũng cho rằng việc chưa tổ chức được các điểm trông giữ xe cho người dân làm ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh buôn bán của người dân.
Còn thượng tá Nguyễn Việt Cường - phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng - cho biết khi có quy định cấm trông giữ xe, một số hộ dân cạnh Bệnh viện Mắt trung ương đã chuyển cửa hàng buôn bán sang giữ xe trong nhà thu giá cao.
Còn ùn tắc trong giờ tan trường Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội vừa báo cáo UBND TP việc triển khai chỉ đạo của TP về điều chỉnh giờ tan trường buổi chiều của khối các trường trung học phổ thông từ 19g xuống 18g từ ngày 13-2. Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội, trong quá trình thực hiện việc điều chỉnh giờ học với tất cả các khối, dù còn có những xáo trộn nhưng các trường đã cơ bản khắc phục khó khăn, giữ vững kỷ cương, nề nếp tổ chức dạy và học. Ông Thống cho hay thực hiện chỉ đạo của TP, sở đã yêu cầu tất cả các trường tuyệt đối không được thu thêm bất cứ khoản tiền nào của phụ huynh học sinh khi thực hiện điều chỉnh giờ học. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, sau khi điều chỉnh giờ học, các điểm trường vẫn còn xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ tan trường. Nguyên nhân gây ùn tắc tại các điểm trường do phụ huynh học sinh đón con em đậu xe tràn lan dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Trước thực tế này, ông Khôi yêu cầu Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo các trường trung học phổ thông trên địa bàn thực hiện việc tổ chức đưa đón học sinh tại khu vực cổng trường theo đúng khu vực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận