18/02/2012 07:53 GMT+7

Hà Nội "đói" bãi đậu xe; TP.HCM dự án bất động

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
XUÂN LONG - LÂM HOÀI

TT - Hà Nội chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đậu xe của dân, nhưng nơi quy hoạch bãi giữ xe lại biến thành văn phòng, trung tâm thương mại. Tại TP.HCM, theo quy hoạch, nhiều quận nội thành có bãi xe nhưng chưa dự án nào khởi động, có dự án động thổ xong... để đó.

IaNOWDxl.jpgPhóng to
Trụ sở của Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội trước đây được thiết kế làm bãi đậu ôtô nhưng sau đó chuyển đổi công năng sử dụng. Ảnh nhỏ: Trung tâm thương mại Savico MegaMall trước đây từng được quy hoạch làm bãi đậu xe - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hà Nội hiện chỉ có khoảng 1.200 điểm, bãi đậu xe được cấp phép. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội khẳng định số này chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đậu xe của tổng số phương tiện hiện có.

Trong khi đang thiếu nghiêm trọng bãi đậu xe, UBND TP Hà Nội lại đột ngột quyết định cấm tổ chức giữ xe tại 262 tuyến phố mà không có giải pháp thay thế.

Thừa bãi đậu xe trên... giấy

Ông Nguyễn Hoàng Linh, phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết số điểm, bãi đậu xe được cấp phép không thấm vào đâu so với nhu cầu. Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội xác định 90-92% số xe đang đậu tại các điểm đậu xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện và tại khu đất trống của các dự án. Đây là các vị trí không được cấp phép và vi phạm về trật tự, an ninh - xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

Thực tế là vậy nhưng trên giấy lại dư thừa hàng loạt dự án điểm, bãi đậu xe. Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, quy hoạch mạng lưới các điểm, bãi đậu xe công cộng do Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) lập năm 2003 xác định Hà Nội có 35 điểm, bãi đậu xe với tổng sức chứa khoảng 14.000 xe. Nhưng đến nay, kiểm chứng lại toàn bộ 35 dự án này thì chưa có dự án nào được triển khai.

Chỗ dở dang, chỗ “biến tướng”

Ngoài 35 điểm, bãi đậu xe đang “treo” trên giấy, ông Phạm Văn Đức - trưởng ban quản lý dự án Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội - cho biết công ty được giao làm chủ đầu tư 25 điểm đậu và bãi đậu xe, có tám dự án đi vào sử dụng, chín dự án được chuyển giao cho UBND Q.Long Biên, Công ty cổ phần Hoàng Mai Xanh, HTX Thống Nhất và Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro làm chủ đầu tư. Với tám dự án còn lại, có bốn dự án công ty đầu tư thí điểm theo mô hình điểm, bãi đậu xe lắp ghép, tức là dựng các dàn thép cho xe đậu. Trong số này có hai điểm đã phê duyệt đầu tư, đến tháng 6-2012 bắt đầu nhập khẩu thiết bị để lắp đặt, tháng 9-2012 sẽ đưa vào sử dụng.

Trong khi hàng loạt dự án điểm, bãi đậu chậm được đầu tư, có không ít nơi dù được quy hoạch làm bãi đậu xe nhưng nay đã bị chuyển công năng sử dụng. Cụ thể, khu đất dự kiến làm bãi đậu xe tại P.Gia Thụy (Q.Long Biên) hiện một phần được “biến đổi” thành Trung tâm thương mại Savico MegaMall. Khu đất rộng gần 2ha tại bến xe tải Sang Mạn (Q.Hoàng Mai) theo quy hoạch sẽ trở thành bãi đậu xe, nay đang là đại lý buôn bán vật liệu xây dựng và trạm trung chuyển nông sản. Còn dự án nhà đậu ôtô bên cạnh sân vận động Hàng Đẫy (phố Cát Linh, Q.Đống Đa) giờ trở thành trụ sở của Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội. Dự án bãi đậu xe hồ Bụng Cá diện tích hơn 2ha tại P.Tứ Liên (Q.Tây Hồ) dù đã được phê duyệt từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang.

Cấm vội vàng...

Liên quan việc cấm giữ xe trên 262 tuyến phố, theo ý kiến của một số quận, có sự vội vàng trong quá trình triển khai. Ông Bùi Đăng Thắng, giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho biết với thực tế 44.000 ôtô, hàng triệu môtô, xe máy và hàng chục nghìn xe của các cơ quan chức năng, số điểm đậu và bãi đậu xe hiện tại chỉ như muối bỏ biển. Theo ông Thắng, trong điều kiện như vậy, đặc biệt là khi chưa bố trí được các điểm thay thế, việc cấm giữ xe tại 262 tuyến phố đã tạo ra nhiều bất cập.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, sở dĩ hiện chưa bố trí được các điểm đậu mới là do ngày 28-12-2011, liên ngành Công an TP và Sở GTVT trình danh mục các tuyến phố không được giữ xe và danh mục các tuyến phố đủ điều kiện trông giữ xe, nhưng đến ngày 6-2-2012 UBND TP mới chỉ có văn bản yêu cầu thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố, chưa phê duyệt danh mục các tuyến phố được phép trông giữ.

Một cán bộ phòng giao thông - quản lý hạ tầng của UBND TP Hà Nội cho biết sau khi nhận được tờ trình về danh mục các tuyến phố đủ điều kiện trông giữ xe, Văn phòng UBND TP có văn bản yêu cầu làm rõ và đề xuất cụ thể các điểm đủ điều kiện giữ xe. Đến nay, Sở GTVT vẫn chưa trình lại các điểm giữ xe cụ thể nên UBND TP chưa có cơ sở phê duyệt. Tuy nhiên chiều 17-2, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết chưa nhận được văn bản này nên không rõ về việc phải bổ sung, đề xuất các địa điểm được phép giữ.

Theo UBND một số quận, việc triển khai thu hồi, cấm giữ xe trong điều kiện chưa có điểm đậu, nơi gửi xe mới đã khiến nhiều người dân bị động, tâm tư về chủ trương này. “Người dân mong muốn có nơi gửi xe là nguyện vọng chính đáng. Cả người dân và ý chí của chính quyền đều mong muốn đô thị gọn gàng, trật tự. Được như vậy là rất quý nhưng cần xét nhu cầu thực tế” - một cán bộ (xin không nêu tên) thuộc một quận trung tâm của Hà Nội kiến nghị.

TP.HCM: tất cả dự án bãi đậu xe đều... bất động

Mo064GnQ.jpgPhóng to
Lễ động thổ hầm đậu ôtô ở công viên Lê Văn Tám.

Ông Lê Trung Tính, trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay ở khu vực trung tâm TP còn rất thiếu bãi đậu xe, nhất là taxi. Năm 2005, Viện Quy hoạch xây dựng TP đã lập dự án đầu tư mạng lưới các bãi chứa xe, gara nhiều tầng để đậu ôtô ở khu vực nội ô TP gồm các quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận nhưng chưa có công trình nào trong dự án này được khởi động. Thời gian qua, có chín doanh nghiệp trong và ngoài nước đề nghị đầu tư 10 địa điểm xây dựng bãi đậu ôtô và xe gắn máy, trong đó xây dựng tám hầm đậu xe. Đến nay, duy nhất có một doanh nghiệp đầu tư hầm đậu ôtô ở công viên Lê Văn Tám mới làm lễ động thổ rồi... để đó.

Dự án hầm đậu ôtô ở công viên Lê Văn Tám do Công ty Đầu tư phát triển không gian ngầm (gọi tắt là IUS) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đầu tư tháng 4-2005, đến nay gần bảy năm dự án vẫn chưa đâu vào đâu. Do công trình thi công chậm, vốn đầu tư tăng lên khoảng 4.000 tỉ đồng. Ông Lê Tuấn, tổng giám đốc IUS, cho biết đến nay vẫn còn vướng thủ tục nên cũng chưa biết đến bao giờ mới khởi công xây dựng.

Theo các doanh nghiệp, việc đầu tư hầm đậu xe ở TP.HCM bị chậm trễ do vướng nhiều thủ tục hành chính. Chẳng hạn như chậm ban hành quy chuẩn về công trình xây dựng dưới lòng đất hoặc chậm có cơ chế, chính sách thuế đối với nhà đầu tư xây dựng công trình trong lòng đất... Đó là chưa kể ngành này đẩy cho ngành khác, khiến nhà đầu tư mất nhiều tháng, thậm chí cả năm, chạy vòng vo trình thủ tục.

HoodI7gY.jpgPhóng to
Đến nay dự án này vẫn... để đó.

Theo Sở GTVT TP.HCM, mấy năm trước đây, do các quận trung tâm TP như quận 1, 3, 5, 10... phát triển mạnh nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng... kéo theo lưu lượng xe tăng cao ở khu vực này, khiến chỗ đậu xe không đáp ứng nổi. Do đó, UBND TP đã cho phép 77 tuyến đường ở khu vực trung tâm TP được giữ ôtô có thu phí dưới lòng đường. Đồng thời các quận cho lập hàng trăm bãi giữ xe hai bánh trên vỉa hè.

Từ năm 2011 đến nay, trước tình hình ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng, UBND TP chủ trương dẹp bỏ dần các bãi giữ ôtô dưới lòng đường. Theo đề nghị của Sở GTVT TP và Phòng cảnh sát giao thông Công an TP cũng như UBND các quận, UBND TP.HCM chấp thuận dẹp bỏ khoảng 20 bãi giữ xe dưới lòng đường.

Do TP.HCM dẹp bỏ bãi giữ xe dưới lòng đường một cách từ từ, làm từng đợt, không dẹp bỏ đồng loạt nên không gây ra “cú sốc”.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, nhiều cao ốc ở TP đã và đang xây dựng đều có xây dựng tầng hầm giữ xe, đáp ứng nhu cầu chỗ đậu xe. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát để dẹp bỏ bãi giữ ôtô dưới lòng đường.

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên