04/02/2012 07:32 GMT+7

Sẽ tăng viện phí

LAN ANH - NGỌC HÀ
LAN ANH - NGỌC HÀ

TT - Theo dự kiến, ba bộ Y tế, Tài chính, Lao động - thương binh và xã hội sẽ ký thông tư liên tịch điều chỉnh giá 220 dịch vụ y tế. Mức tăng viện phí lần này có phần “nhẹ tay” hơn so với đề xuất vào tháng 7-2010.

qJHpcMxc.jpgPhóng to
Một bệnh nhi phải nằm truyền dịch ở hành lang khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra trong một cuộc trả lời trực tuyến mới đây.

Viện phí tăng tối đa 5 lần

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thay vì tăng 355 dịch vụ như đề nghị vào năm 2010, lần này chỉ điều chỉnh giá 220 dịch vụ, trong số đó có 70% tăng tối đa năm lần so với hiện hành. Chẳng hạn, công khám bệnh viện trung ương tối đa 10.000 đồng/lượt, nay được đề nghị tăng lên 20.000 đồng.

So với lần đề xuất năm 2010, mức đề xuất mới đã giảm trên 30%. Công khám tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực được điều chỉnh lên 5.000 đồng/lượt, trong khi hiện hành chỉ 1.000 đồng/lượt.

Theo bà Tiến, mức đề xuất tăng viện phí lần này là dựa vào trượt giá và mức lương cơ bản tính từ năm 1995, năm ban hành quy định mức viện phí của nhiều dịch vụ hiện hành, trong đó mức lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, thu nhập bình quân đầu người cũng lên trên 1.000 USD/người/năm, tăng hơn hai lần so với năm 1995.

Chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc, tư vấn, sự tận tụy với bệnh nhân và điều kiện cơ sở vật chất kém cỏi khiến trong khoảng tám năm qua, Bộ Y tế đã nhiều lần có đề nghị tăng viện phí gửi Chính phủ và đều chưa được chấp nhận. Theo bà Tiến, giá giường điều trị chỉ 10.000-18.000 đồng/ngày là “không thể chấp nhận được”.

Sẽ nâng mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế

Nếu viện phí tăng như mức Bộ Y tế đề xuất, chi khám chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ tăng 6.000-7.000 tỉ đồng/năm. Với tình hình như hiện tại, ông Phạm Lương Sơn cho rằng quỹ bảo hiểm đủ bù đắp, nhưng bảo hiểm sẽ đề xuất nâng mệnh giá thẻ bảo hiểm lên 5% lương cơ bản (tăng 10% so với hiện hành).

Rút kinh nghiệm những lần đề nghị tăng giá nhưng không được chấp thuận, lần này có sự đồng thuận của Bảo hiểm xã hội VN - cơ quan chi trả phí điều trị cho khoảng 60% bệnh nhân.

Theo ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), mức đề xuất mới lần này có cơ sở từ tuyến xã đến trung ương, thay cho trước đây do bệnh viện trung ương xây dựng và đề xuất, không phù hợp với mức chi từng vùng miền đặc thù.

Mức viện phí mới cũng hướng tới chi phí thực, để cho bệnh nhân bảo hiểm không phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh. Với các dịch vụ hay bị lạm dụng được tách riêng từng dịch vụ cụ thể như siêu âm mạch máu, siêu âm tim... thay vì siêu âm màu chung chung như trước đây.

Theo Bộ trưởng Tiến, chất lượng điều trị chắc chắn tăng, trước đây không có quy định về giá giường nằm ghép, nay tăng viện phí, nếu bệnh nhân nằm ghép đôi chỉ phải trả 50% giá, nằm ghép ba giá giường giảm còn 30%.

“Có ý kiến đề nghị giường nằm đôi thu 70% nhưng tôi không đồng ý. Bệnh viện muốn thu đủ thì không có giường ghép bệnh nhân. Khi xếp hạng, kiểm tra bệnh viện sẽ tính đến tiêu chí bệnh nhân không phải nằm ghép”- bà Tiến nói.

Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn lo ngại viện phí và nằm ghép là hai câu chuyện khác nhau, do nằm ghép là câu chuyện của quá tải, không liên quan đến viện phí cao hay thấp. Đó là chưa kể sự tận tâm - yêu cầu quan trọng khi cung cấp dịch vụ y tế, hoàn toàn không liên quan đến viện phí mà phụ thuộc vào y đức. Với tình hình cầu vượt cung như hiện tại, rõ ràng khó cải thiện được chất lượng dịch vụ y tế bằng biện pháp... tăng giá.

wLUBIhB9.jpgPhóng to
Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Ảnh: Minh Đức, Đồ họa: V.Cường

Viện phí chưa minh bạch

“Báo giá” của Bộ Y tế là mỗi lượt khám cho bệnh nhân, bảo hiểm y tế chỉ trả 3.000 đồng. Tuy nhiên, theo các bệnh nhân khám tại các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai (Hà Nội) thì con số này không hề “khớp” với thực tế. Tại Bệnh viện Bạch Mai, giá khám bệnh thông thường là 30.000 đồng/lượt.

Chị Nguyễn Thị H. (Nam Định) chia sẻ: “Không lấy đâu ra giá khám bệnh vài nghìn. Chỉ riêng sổ khám tôi vừa mua đã 3.000 đồng. Định mua phiếu khám, nhưng bác sĩ lại chỉ cứ lên phòng khám sẽ có hóa đơn riêng. Ở đó tôi phải trả 30.000 đồng/lượt khám”. Trong gói giá “bình dân” nhất tại Bệnh viện Bạch Mai, siêu âm ổ bụng là 50.000 đồng, trong khi giá hiện hành Bộ Y tế quy định là 20.000 đồng/lượt.

Chị Đỗ Thị Hải (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) đăng ký bảo hiểm ở Bệnh viện Y học cổ truyền, đi khám cơ xương khớp ở Bệnh viện Bạch Mai theo diện trái tuyến vẫn phải đóng đủ tiền khám bệnh 30.000 đồng. “Tổng cộng tiền khám, xét nghiệm, đo xương là gần 1 triệu đồng, tôi trả 700.000 đồng theo diện trái tuyến, bảo hiểm trả 30% viện phí. Riêng tiền khám thì không giảm, hóa đơn ghi chẵn 30.000 đồng”.

Thậm chí với những người đăng ký “khám tự nguyện” mong được khám nhanh, khám sớm tại Bệnh viện Bạch Mai thì nguyên chi phí tiền khám ban đầu là 120.000 đồng/lượt.

Anh Nguyễn Trường Sinh (Bình Lục, Hà Nam) chìa tập hóa đơn dài kín trang giấy khổ A4 than: “Tôi đưa bố đi khám gan. Nghe giới thiệu khám tự nguyện nhanh nên gia đình quyết định chọn gói khám này, thay cho phiếu khám 30.000 đồng bình thường. Riêng các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, nước tiểu, vi sinh đã phải trả ngót nghét 800.000 đồng”.

LAN ANH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên