06/01/2012 14:55 GMT+7

Khó xác định nguyên nhân tàu Vinalines Queen chìm

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TTO - Ông Lương Quang Trung - trưởng phòng đào tạo Trường cao đẳng Hàng hải I - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về giả thiết những bí ẩn trong vụ chìm tàu Vinalines Queen vừa qua.

Xem hồ sơ tàu Vinalines Queen mất tích trên TTOThủy thủ Đậu Ngọc Hùng kể lại tai nạn chìm tàu

qz7GkAmQ.jpgPhóng to
Tàu Vinalines Queen

- Tôi rất buồn đau khi nghe tin này. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện của tàu Vinalines Queen là giáo viên tại khoa điều khiển tàu biển cùng tôi trước khi tôi chuyển sang phòng đào tạo. Anh Thiện đi tàu theo hợp đồng của nhà trường. Để trả lời thấu đáo vì sao tàu chìm nhanh và mất liên lạc hoàn toàn là rất khó. Tuy nhiên cũng có những khả năng để dẫn tới tình trạng đó.

* Thưa ông, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng cho biết khi tàu bị nghiêng, thuyền trưởng đã thông báo cho các thuyền viên có mặt trên boong và yêu cầu mặc áo phao, tháo dây buộc phao bè và xuồng cứu sinh để chuẩn bị rời tàu. Tuy nhiên khi tàu chìm chỉ có thủy thủ Đậu Ngọc Hùng ngoi lên được. Điều này có thể hiểu là tàu chìm quá đột ngột nên ngoài anh Hùng không ai thoát được?

- Đương nhiên là đột ngột. Vì nếu nikel chở trên tàu đã hút ẩm và hóa lỏng thì chỉ cần tác động nhỏ bên ngoài như sóng cũng bị nghiêng do nikel lỏng dồn rất nhanh. Khi tàu nghiêng thì thuyền trưởng nghĩ đến việc điều chuyển hướng để dồn hàng về phía ngược lại, lấy lại độ cân bằng cho tàu. Nhưng có thể cùng với sóng gió và độ cộng hưởng của cơn sóng nào đó gây nghiêng một chút nữa làm hàng dồn và lật tàu rất nhanh.

Tôi nghĩ anh Đậu Ngọc Hùng bị văng ra khỏi tàu khi bị lật chứ không nhảy được. Còn những người khác trong trạng thái khủng hoảng không biết nhảy thế nào và tàu lộn như thế thì theo phản xạ tự nhiên của con người là bám chặt vào cái gì đó chờ tàu trả lại hoặc không bị nghiêng. Như vậy khi tàu chìm với lượng giãn nước khổng lồ thì người bị văng ra gần đó cũng bị hút xuống.

* Các tổ chức vận tải biển khuyến cáo nguồn quặng nikel từ Indonesia không đảm bảo an toàn vì độ ẩm không đảm bảo. Nhưng tàu Vinalines Queen vẫn chở quặng này từ Indonesia sang Trung Quốc trên tuyến biển thường bị tác động gió mùa đông bắc mạnh vào cuối năm thì có mạo hiểm?

- Loại hàng này không phải lần đầu tiên tàu Vinalines Queen chở mà tàu Việt Nam đã chở nhiều chuyến rồi. Trước đây tôi từng đi tàu và từng chở quặng này. Còn về thời tiết đúng là dịp Noel có gió mùa đông bắc tràn về mạnh nhất. Có đợt tôi đi gió từng giật đến cấp 10 chứ không phải cấp 8-9 như hôm tàu Vinalines Queen bị chìm. Thứ hai, các phương án xử lý thì thuyền trưởng đã nắm rõ kèm theo dụng cụ xử lý sẵn có như phương án thu hút nước mà quặng đã hút vào, hướng dẫn thuyền viên làm điều đó.

Chạy trong mùa này ai cũng biết là sóng gió lớn. Tuy nhiên tàu Vinalines Queen mới và các hầm hàng rất kín theo tiêu chuẩn, kể cả dùng vòi cứu hỏa phun mạnh cũng không lọt nước vào trong. Việc độ ẩm chui vào hầm hàng làm quặng hóa lỏng chắc thuyền trưởng cũng tính đến và nghĩ rằng với khối lượng như thế thì quặng không hóa lỏng được. Những cái đó có thể ngoài mức tiên lượng của thuyền trưởng.

* Nhận định nikel hóa lỏng gây tai nạn có thể tin cậy được không?

- Về mặt chuyên môn, nếu trường hợp tàu bị nạn do va chạm thì phải có tàu thứ 2, mắc cạn gây lật cũng không có vì vùng biển đó rất sâu. Loại trừ dần thì nhiều khả năng nikel hóa lỏng là nguyên nhân chính.

* Thông báo của thuyền trưởng lúc tàu nghiêng 20 độ là đang chạy phía Indonesia về Trung Quốc. Sau đó thuyền trưởng xin quay lại hướng 240 độ về phía đảo Luzon (Philippines). Khi tàu đã bị nghiêng và có sóng lớn, gió mùa đông bắc tác động ngược hướng tàu chạy mà thuyền trưởng quay lại phía Philippines nghĩa là chạy xuôi với hướng gió và bị sóng gió đẩy vào mạn không nghiêng thì có hợp lý?

- Khi đã quay lại theo hướng 240 độ thẳng về hướng Philippines thì thuyền trưởng đã quay tàu lại rồi tính đến phương án quay để giảm nghiêng hoặc chạy xuôi để giảm bớt nguy hiểm. Nhưng khó lý giải là tàu đã chạy xuôi rồi tại sao lại có thể bị đánh ngang được. Tôi đang nghĩ đến phương án khi chạy xuôi tàu vẫn nghiêng ở mức 18 độ (giảm 2 độ) nhưng sóng không phải thẳng tăm tắp như đường chỉ kẻ mà có thể hơi vát một chút gây lắc cộng hưởng với quặng hóa lỏng nên xảy ra tai nạn.

* Điều tra nguyên nhân để có một kết luận tin cậy có khó không, thưa ông?

- Cái này vô cùng khó. Hộp đen của tàu không thể lấy lên được. Còn anh Đậu Ngọc Hùng là thủy thủ, chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn trên tàu theo lệnh thuyền trưởng chứ không có được tầm nhìn, nắm được hướng và cách xử lý của thuyền trưởng lúc đó. Anh Hùng chỉ nghe lệnh và nhảy. Góc độ anh chỉ nhìn nhận vậy thôi còn tìm ra nguyên nhân, bản chất vụ việc là rất khó.

Về góc độ chuyên môn cũng chỉ đưa ra những phán đoán khi loại trừ các trường hợp khác thì tàu chở nikel hóa lỏng bị nghiêng và chỉ cần cộng hưởng của sóng nữa và làm hàng dồn sang một bên và lật là khá rõ. Nguyên nhân nikel hóa lỏng chưa ai xác nhận nhưng có thông tin tàu bị nghiêng không rõ lý do có thể chứng minh cho việc quặng bị hóa lỏng. Không có hóa lỏng hay va chạm, thủng thì tàu không thể tự nghiêng được.

* Tàu tải trọng 56.000 tấn, khi bị nạn chở 54.000 tấn quặng nikel. Như thế với khả năng quặng này hút ẩm tới 40% và làm tàu quá tải trọng nên chìm nhanh?

- Nói thế không có cơ sở. Tải trọng của tàu 56.000 tấn, vẫn dư 2.000 tấn. Lượng nước ngọt, nhiên liệu trên tàu cũng không quá lớn như vậy, vẫn đảm bảo khả năng nổi của tàu. Trong quá trình chạy trên biển chỉ có bơm nước vào quặng mới có lượng hút ẩm lớn làm nặng thêm mấy trăm tấn. Nikel có đặc tính là dù hút ẩm ít cũng hóa lỏng rất nhanh. Chỉ cần hút ẩm lượng ít trên bề mặt cũng hóa lỏng rất nhanh chứ không phải toàn bộ quặng hút ẩm mới hóa lỏng. Nếu tính hút ẩm 10% thì 54.000 tấn nikel nặng thêm 5.400 tấn rồi, nếu hút một chút làm hóa lỏng bề mặt làm vài ngàn tấn quặng nghiêng dồn bên này sang bên kia thôi đã khủng khiếp lắm rồi. Khi nghiêng thì toàn bộ khối lượng quặng trên tàu chạy theo chứ không chỉ lượng hóa lỏng trên bề mặt.

* Thưa ông, một bí ẩn lớn chưa ai có thể giải thích được là tàu Vinalines Queen được trang bị hệ thống liên lạc hiện đại nhưng hoàn toàn không phát tín hiệu cấp cứu khi bị chìm. Điều này có thể do nguyên nhân nào?

- Tàu có hai hệ thống phát tín hiệu cấp cứu. Hệ thống hoàn toàn tự động là phao IPIRB (1 cái) được gắn bên cánh gà. Phao chìm xuống 4 m nước thì tự nổi lên và phát tín hiệu qua vệ tinh. Và không quá 2 tiếng, vệ tinh thu được tín hiệu báo ngay về các trung tâm cứu nạn toàn cầu. Trường hợp tàu Vinalines Queen không phát được tín hiệu từ phao này thì có thể khi tàu chìm phao bị quấn luôn vào trong tàu nên không nổi để phát tín hiệu được.

Hệ thống tín hiệu báo nạn thứ hai là các máy thu phát qua vệ tinh Inmarsat, thiết bị phát sóng MF/HF (phát xa hàng trăm hải lý) và hệ thống phát sóng gần VHF (phát xa vài chục hải lý). Tất cả thiết bị này phải kích hoạt bằng tay ( ấn giữ khoảng 2 giây) mới phát tín hiệu đi. Theo nguyên tắc, các thiết bị này để trên buồng lái để luôn nạp điện. Khi rời tàu thuyền trưởng phân bố cho thuyền trưởng 1 cái và sỹ quan ở 2 xuồng cứu sinh quản lý hai cái.

Có thể khi tàu nghiêng 18, thuyền trưởng và sỹ quan chỉ có thể đứng bám vào lan can mà chỉ huy tàu thôi chứ không di chuyển tới thiết bị để đưa thiết bị lên xuồng cứu sinh, phao bè. Hoặc thuyền trưởng không tiên lượng được tàu có thể bị lật nên không phát các thiết bị trên và khi lật quá nhanh nên không phát kịp. Cũng có trường hợp thiết bị đã được đưa vào xuồng và phao bè nhưng khi tàu chìm do xuồng cứu sinh va đập với chính tàu hoặc sóng gió lớn gây ra hư hỏng, rơi thiết bị khỏi xuồng

* Nhiều người cho rằng chủ tàu đã chủ quan khi chỉ phát thông báo tìm kiếm tàu mất liên lạc mà không phát đề nghị cứu nạn sau khi tàu Vinalines Queen mất liên lạc trong tình huống chở quặng Nikel lại bị nghiêng 18 độ khi gió to sóng lớn. Ông đánh giá điều này thế nào?

- Phản ứng của chủ tàu hoàn toàn phụ thuộc vào thuyền trưởng vì thuyền trưởng nắm được tình hình thực tế trên tàu. Thuyền trưởng chỉ báo tàu nghiêng 20 độ sau đó chuyển hướng còn nghiêng 18 độ nên chủ tàu có thể định lượng tín hiệu tốt đang đến và thuyền chờ đến chu kỳ phát liên lạc với chủ tàu theo quy ước sẽ phát thông tin tiếp. Đến chu kỳ liên lạc lại không liên lạc được với tàu thì chủ tàu mới biết tàu mất liên lạc hoàn toàn.

Ngoài ra, vì phao IPIRB không phát tín hiệu cứu nạn về cho hệ thống cứu nạn toàn cầu nên chủ tàu có thể đoán hệ thống thông tin của tàu bị trục trặc hay lý do nào đó chứ không phải chìm tàu. Vì vậy, việc chủ tàu chỉ nhờ tìm kiếm tàu mất liên lạc thông thường chứ chưa phải là cứu nạn là đúng.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên