Đầu tư vào các lĩnh vực viễn thông, bất động sản... thiếu hiệu quả.
Read this on Tuoitrenews.vnLại tăng giá điện: Thêm 5%
Phóng to |
EVN đầu tư trái ngành không hiệu quả, có đơn vị thua lỗ như EVN Telecom. Trong ảnh: một buổi quảng bá của EVN Telecom ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: DUY ANH |
Báo cáo của EVN cho thấy năm 2010, tập đoàn này lỗ trong sản xuất kinh doanh 662,7 tỉ đồng nhưng thực tế KTNN xác định con số lỗ cao hơn gấp nhiều lần con số báo cáo. KTNN xác định lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN lên đến trên 8.400 tỉ đồng. Cộng với khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá hơn 17.000 tỉ đồng, tính đến hết năm 2010 EVN lỗ trên 25.000 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm 31-12-2011, nợ phải trả của EVN lên đến gần 240.000 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán xác định tập đoàn này hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng, vay nợ dài hạn là chủ yếu, tỉ lệ nợ phải trả cao gấp 4,22 lần vốn chủ sở hữu, vượt quá mức giới hạn theo quy định của Chính phủ (không quá 3 lần).
Nhiều dự án chậm tiến độ
Năm 2007, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (quy hoạch điện VI), EVN được giao làm chủ đầu tư 42 dự án với tổng mức đầu tư hơn 370.000 tỉ đồng. Quá trình thực hiện quy hoạch điện VI, EVN để xảy ra nhiều tồn tại như phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Có tới 18 dự án nguồn điện phải tăng gần 83.000 tỉ đồng và 13 dự án truyền tải điện phải tăng gần 1.150 tỉ đồng. Trong việc lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, nhiều dự án chậm tiến độ chưa bị xử phạt, nhiều gói thầu thực hiện chưa đúng Luật đấu thầu.
KTNN chỉ rõ nhiều gói thầu trong các dự án do EVN làm chủ đầu tư chưa xác định rõ chi tiết từng nguồn vốn khi phê duyệt tự án; chậm phê duyệt tổng dự toán xây dựng công trình; lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế - tổng dự toán và dự toán xây dựng còn sai sót; chưa chiết giảm 5% dự toán khi ký hợp đồng chỉ định thầu dẫn đến tạm ứng vượt...
KTNN đánh giá Nhà nước đã có nhiều cơ chế đặc thù cho ngành điện để đẩy nhanh các dự án điện như được chỉ định thầu, vừa thiết kế vừa thi công, ưu đãi vay vốn... song tiến độ thực hiện vẫn chậm, làm giảm hiệu quả của dự án, tăng lãi vay, chậm đưa công trình hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh thiếu điện làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế...
Viễn thông điện lực lỗ nặng
Theo KTNN, tính đến ngày 31-12-2010, EVN đã đầu tư tài chính dài hạn gần 50.000 tỉ đồng, trong đó vào lĩnh vực viễn thông trên 2.442 tỉ đồng và vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng hơn 2.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ các khoản đầu tư rất thấp, chỉ đạt hơn 1% với số lợi nhuận hơn 540 tỉ đồng. Trong khi đó có những lĩnh vực đầu tư, khoản lỗ lên cả nghìn tỉ đồng như viễn thông.
Cụ thể, EVN đầu tư vào Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom) đến 4,88% vốn đầu tư, trong đó chưa tính khoản đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại các tổng công ty điện lực. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của EVN Telecom năm 2010 lỗ hơn 1.057 tỉ đồng. Đó là chưa kể toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006-2008 đã được EVN điều chuyển cho các tổng công ty điện lực phân bổ với số tiền 1.026 tỉ đồng nhằm giảm khó khăn về tài chính cho EVN Telecom.
Tổn thất điện năng 10,15%
Tại kết luận kiểm toán, KTNN chỉ ra một số yếu tố có thể làm giảm lỗ kinh doanh điện. Cụ thể, tỉ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới nên giảm tỉ lệ này sẽ giảm được giá thành điện. Tổn thất điện năng năm 2010 của EVN lên tới hơn 9.681 triệu kWh, tỉ lệ tổn thất là 10,15%, tăng 0,58% so với năm 2009.
Kết thúc cuộc kiểm toán, KTNN đã đề nghị EVN xử lý tài chính gần 127 tỉ đồng và làm việc với các nhà thầu để xác định, thu lại khoản tiền bồi thường chậm tiến độ hợp đồng, rà soát và chiết giảm 5% giá trị dự toán theo quy định đối với các công trình chỉ định thầu. Bên cạnh đó, KTNN kiến nghị chấn chỉ hàng loạt công tác liên quan đến việc quản lý của EVN như công tác quản lý tài chính kế toán; cải tiến, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ; hoàn thiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản.
Lương ngất ngưởng: 13,7 triệu đồng/người/tháng Mặc dù kinh doanh thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng lương của cán bộ EVN khá cao, hơn xa mức tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã công bố là 7,3 triệu đồng/người/tháng. Cụ thể, kết quả kiểm toán của KTNN xác định thu nhập bình quân toàn công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng, khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng. Đáng chú ý, thu nhập bình quân cơ quan văn phòng (công ty mẹ) cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung tại công ty mẹ. Điều này cho thấy việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc công ty mẹ tập đoàn chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận