16/12/2011 08:19 GMT+7

Còn trường gà, giám đốc công an tỉnh sẽ tự "xử"

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Ngày 15-12, kỳ họp lần thứ ba HĐND tỉnh Tiền Giang đã kết thúc với phần dành cho lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn của đại biểu HĐND và kiến nghị của cử tri.

Lz0C6Y5W.jpgPhóng to
Công an phá trường gà tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang (ảnh chụp ngày 26-8-2011) - Ảnh: Th.Tú

Nghị trường thật sự “nóng” với nhiều chất vấn thẳng vào những chuyện mà người dân bức xúc nhất.

Khó bắt hết tội phạm

Trước những bức xúc của cử tri về tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng nhức nhối và công khai, thiếu tướng Nguyễn Chí Phi - giám đốc Công an Tiền Giang - nói: “Một mình công an thì làm sao xuể. Công an lấy đâu ra người canh bắt từng người vi phạm pháp luật!”.

Giải thích vì sao tội phạm, tệ nạn nhan nhản mà công an không bắt, ông Phi nói: “Quy định bắt số đề thì phải có chứng cứ đàng hoàng. Bây giờ con bạc chuyển sang chơi số đề bằng miệng thì muốn bắt đâu có dễ. Còn muốn bắt đánh bài, đá gà thì phải bắt quả tang tiền trên chiếu bạc. Tiền để trong túi, họ giải thích tiền đi mua thuốc sâu chứ không phải để đá gà thì khó”.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Danh đặt câu hỏi: “Mấy ngày qua báo Pháp Luật TP.HCM nêu tỉnh Tiền Giang có nhiều trường gà, có trường quy tụ tới 500 người/ngày. Giám đốc công an tỉnh giải thích thế nào?”. Ông Phi phản ứng khá gay gắt: “Trường gà tụ tập 500 người thì giống như cái chợ, phải mấy hecta đất mới chứa nổi. Vậy cấp ủy, chính quyền, công an cơ sở ở đâu? Tôi phản đối báo nói điều này. Trường gà vài chục người thì có, còn vài trăm người thì không thể có”.

Tuy nhiên, ông Phi cũng thừa nhận khuyết điểm đã để một số trường gà tồn tại khá lâu gây bức xúc trong người dân. Ông Phi cam kết: “Tôi hứa các trường gà và các đối tượng mà báo chí nêu tới đây sẽ không còn nữa. Nếu còn thì tôi sẽ xử lãnh đạo công an địa phương. Còn xử không được họ thì tôi sẽ xử tôi”. Ông Phi còn cho biết sẽ đề xuất ban thường vụ tỉnh ủy ban hành quy chế nếu ở đâu để tội phạm lộng hành thì bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện và công an huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Ngành tài nguyên - môi trường bị phản ứng

Đại biểu Lê Dũng chất vấn: “Tỉnh đã quy định thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai nhưng nhiều địa phương “đẻ” thêm nhiều thủ tục khác để hành dân. Chẳng hạn như hồ sơ làm sổ đỏ đòi phải có xác nhận đất không tranh chấp, bản chính giấy nộp thuế thu nhập cá nhân, trích lục biên bản đo đạc, xác định tài sản riêng... Giám đốc sở có biết không?”. Ông Trần Xuân Thành, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nói nơi nào đặt ra các thủ tục ngoài quy định là sai và hứa sẽ cho kiểm tra để chấn chỉnh. Theo ông Thành, nơi nào yêu cầu nộp bản chính biên lai thuế thu nhập cá nhân cũng sai. Ông Dũng chỉ thẳng: “Ngay ở văn phòng sở tài nguyên - môi trường yêu cầu nộp bản chính đó”. Ông Thành lại hứa sẽ kiểm tra và nếu chuyên viên của sở sai sẽ xử lý.

Trả lời phản ảnh của cử tri cho rằng Khu công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An gây ô nhiễm nước thải và không khí, ông Thành giải thích lòng vòng về những việc đã làm. Chủ tọa kỳ họp Nguyễn Văn Danh ngắt lời: “Đề nghị đồng chí giám đốc sở trả lời thẳng là xử lý thế nào, giải pháp sắp tới ra sao”. Lúc này ông Thành mới thừa nhận là các cơ quan chức năng của tỉnh quản lý chưa chặt chẽ, giám sát chưa thường xuyên. Sở Tài nguyên-môi trường cũng đã thấy và đã bàn với các ngành liên quan là đến cuối tháng 12 này sẽ xử lý việc gây ô nhiễm không khí (trừ Công ty Uni-President phải đến hết quý 1-2012 mới xử lý).

Về tình trạng khai thác cát sông tràn lan, ông Thành cũng thừa nhận thời gian qua cơ quan chức năng không quản lý được. Ngay cả các doanh nghiệp được cấp phép khai thác bao nhiêu cũng không biết do ngành thuế thu thuế khoán. Ngoài ra, còn có hơn 200 ghe của ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long thi nhau hút cát lậu trên sông Tiền. “Tới đây ngành sẽ kiểm tra tại các công trình xây dựng và phương tiện vận chuyển để xác định sản lượng cát khai thác làm căn cứ đánh thuế. Ngoài ra sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nạn khai thác cát lậu” - ông Thành nói.

Không học thêm bị phân biệt đối xử

Trả lời phản ảnh của cử tri được chủ tọa kỳ họp chuyển đến, ông Trần Thanh Đức - giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang-thừa nhận tình trạng dạy thêm, học thêm ở Tiền Giang hiện nay không còn bình thường nữa.

"Việc dạy thêm chủ yếu là dạy tủ, học tủ. Điều này là phản khoa học. Đúng như phụ huynh phản ảnh, học thêm bất kể giờ giấc và có phân biệt đối xử giữa người học và không học"

Ông Trần Thanh Đức (giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang)

Ông Đức cho biết để hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan, Sở GD-ĐT đã chủ trương hạn chế tối đa việc để giáo viên tự ra đề, tự chấm điểm vì đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên dạy tủ cho học sinh đi học thêm. Giáo viên chỉ ra đề kiểm tra 15 phút, còn kiểm tra một tiết thì nhà trường ra đề. Đề thi học kỳ thì sở và phòng giáo dục sẽ ra cho công bằng...

Ngoài ra, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, tất cả giáo viên dạy thêm phải xin phép và phải có giấy phép sau khi được thẩm định. Giáo viên không thuộc biên chế nhà nước muốn dạy thêm cũng phải xin phép và kèm theo một số điều kiện bắt buộc. Học phí học thêm cũng sẽ được quy định làm cơ sở để thu thuế thu nhập cá nhân của giáo viên dạy thêm.

Trả lời chất vấn về việc làm thế nào để tránh tình trạng quá tải ở các bệnh viện, bà Võ Thị Chín - giám đốc Sở Y tế - đề nghị đại biểu HĐND khi tiếp xúc cử tri nên nhắc bà con đi khám bệnh vào buổi chiều để tránh quá tải vào buổi sáng, dẫn đến việc người bệnh phải chờ đợi lâu. Theo bà Chín, những trường hợp nào phải xét nghiệm mới đi buổi sáng.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên