12/12/2011 06:13 GMT+7

Cần một chính quyền đô thị

ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ
ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ

TT - "Đây là thời điểm chín muồi để Đà Nẵng có thể “lột xác”, nếu không thay đổi thì đô thị Đà Nẵng như chiếc áo đã quá chật".

vIi7uvhh.jpgPhóng to
Ông Đặng Công Ngữ - Ảnh: ĐĂNG NAM

Chính quyền TP Đà Nẵng vừa hoàn tất đề án xây dựng “Chính quyền đô thị”. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm phó trưởng ban soạn thảo xây dựng đề án - cho rằng:

- Đã đến lúc các đô thị lớn, trong đó có Đà Nẵng, cần phải thay đổi mô hình quản lý nhà nước. Đây là thời điểm chín muồi để Đà Nẵng có thể “lột xác”, nếu không thay đổi thì đô thị Đà Nẵng như chiếc áo đã quá chật.

* Thưa ông, vì sao Đà Nẵng lại kiến nghị xây dựng mô hình chính quyền đô thị vào thời điểm này?

- Đây là nhu cầu cần thiết của một bước phát triển mới đối với TP hiện đại. Việc thí điểm không tổ chức HĐND ở các cấp quận, huyện, phường vừa qua tại Đà Nẵng là một cơ sở chuẩn bị để xây dựng chính quyền đô thị. Sau một thời gian nghiên cứu từ lý luận đến thực tiễn, chúng tôi nhận thấy cần có sự thay đổi trong mô hình quản lý nhà nước. Qua thực tiễn cho thấy vai trò vị trí của HĐND các cấp quận, huyện, phường có quá nhiều hạn chế, bất cập. Sau một thời gian thí điểm, chúng tôi nhận thấy bộ máy chính quyền vẫn hoạt động tốt, thậm chí hoạt động thuận lợi hơn khi không còn HĐND ở các cấp này.

"Thời cơ xây dựng chính quyền đô thị ở Đà Nẵng đã chín muồi, là khát vọng của người dân. Để làm được việc này thì yêu cầu anh cán bộ phải tinh hơn, giỏi hơn, chuyên nghiệp hơn. Và về vấn đề này Đà Nẵng đã chuẩn bị rất tốt"

Ông Đặng Công Ngữ (giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng)

Ngoài ra, có nhiều điều mà chính quyền nông thôn hiện tại không phù hợp với xã hội đô thị. Xã hội đô thị khác xa với xã hội nông thôn từ cư dân đến cơ sở hạ tầng, đòi hỏi chính quyền phải tinh nhạy để giải quyết những vấn đề mà đô thị hiện nay đang cần. Ví như ở đô thị hiện tại không có sự thống nhất về quản lý hạ tầng, giao thông, kỹ thuật đô thị... sẽ dẫn đến một bộ mặt đô thị lộn xộn, hiệu quả quản lý không cao.

* Vậy việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị có những thay đổi khác biệt nào so với bộ máy hiện tại, thưa ông?

- Với mô hình chính quyền đô thị mà chúng tôi đang xây dựng, việc quản lý nhà nước sắp tới (nếu được cho phép triển khai thí điểm) sẽ chỉ còn hai cấp là cấp TP và cấp phường, ủy ban nhân dân cấp TP đổi tên thành ủy ban hành chính. Người đứng đầu ủy ban hành chính TP sẽ là thị trưởng và thị trưởng sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chứ không phải do dân bầu. Tuy nhiên HĐND cấp TP vẫn sẽ có quyền quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm khi thị trưởng làm việc không hiệu quả. Và cấp thị trưởng không nhất thiết phải là đại biểu HĐND như hiện nay.

Ngoài hệ thống chính quyền, hệ thống Đảng cũng được sắp xếp lại gọn hơn. Sẽ không còn cấp quận ủy hay cấp đảng ủy phường như hiện nay mà chỉ là một bộ phận gọi là đảng ủy khối các cơ quan quận, phường. Cơ quan này không lãnh đạo toàn diện như quận ủy hay đảng ủy phường hiện tại. Bộ máy các sở, ban, ngành của ủy ban hành chính cũng được tổ chức, sắp xếp lại phù hợp hơn, tránh được tình trạng chồng chéo như khi một vấn đề gì đó xảy ra, sở nào cũng có liên quan về mặt quản lý nhà nước nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm chính.

Mô hình chuẩn là vậy, tất nhiên khi được cho phép làm thí điểm thì việc triển khai sẽ có lộ trình. Theo đó, ban đầu cũng vẫn còn chính quyền cấp quận và quận trưởng là người đứng đầu, nhưng một thời gian sau sẽ không còn chính quyền cấp quận nữa.

* Nếu mô hình chính quyền đô thị được phép triển khai, Đà Nẵng liệu sẽ có cảnh sát đô thị như ở một số nước?

- Tất nhiên là có, bởi cảnh sát đô thị là một lực lượng không thể thiếu của chính quyền đô thị. Hiện việc quản lý đô thị của chúng ta còn quá nhiều bất cập và chồng chéo lẫn nhau. Chỉ cần một sự vụ gì dù rất nhỏ xảy ra trong khu phố cũng phải kéo đủ các ban ngành đến mới xử lý được. Ví như xây dựng trái phép, sai phép do thanh tra xây dựng xử phạt, còn liên quan đến giao thông thì phải do thanh tra giao thông xử lý. Việc này hết sức tốn kém và mất nhiều thời gian. Khi chính quyền đô thị được triển khai, tất cả các bộ phận đó sẽ không còn nữa, thay vào đấy là cảnh sát đô thị. Lực lượng này được quyền xử lý tất cả các vi phạm hành chính, trật tự đô thị.

* Ngoài huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng vẫn còn một đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Hòa Vang) với 11 xã...

- Việc Đà Nẵng có được tổ chức quản lý nhà nước theo mô hình “chính quyền đô thị” hay không còn phải chờ sửa đổi Hiến pháp. Nếu lộ trình được Chính phủ cho phép, Đà Nẵng sẽ đi tiên phong. Và với tốc độ đô thị hóa cao, nhanh như hiện tại, chắc chắn trong tương lai không xa Hòa Vang sẽ chuyển lên thành quận.

Phải sửa các quy định hiện hành

Tiến sĩ Trần Du Lịch - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, người từng tham gia nghiên cứu đề án chính quyền đô thị TP.HCM - cho biết:

- Tôi thấy những kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng gần với các nội dung trong đề án chính quyền đô thị mà TP.HCM nghiên cứu trong hai năm 2006-2007. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, đề án chính quyền đô thị của TP.HCM đã phải dừng lại do không phù hợp với các quy định hiện hành, không phù hợp với Hiến pháp 1992.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi và nhóm nghiên cứu cũng hình dung ra sẽ vướng Hiến pháp nhưng vẫn nghiên cứu với mong muốn là đề xuất tháo gỡ. Cái gì vướng thì chờ sửa Hiến pháp, cái gì không vướng đề xuất thực hiện ngay, chẳng hạn như thí điểm bỏ HĐND cấp quận huyện, phường đang được áp dụng.

Ngoài việc sửa đổi Hiến pháp, cần phải sửa đổi một số vấn đề liên quan như Luật ngân sách nhằm tăng tính tự chủ về ngân sách cho chính quyền đô thị. Vấn đề trật tự đô thị khác với nông thôn nên thẩm quyền xử phạt của chính quyền đô thị không thể theo chung các quy định như hiện nay. Như vậy phải sửa lại hệ thống pháp luật, sửa quy định về những vấn đề liên quan đến trật tự đô thị.

* TP.HCM có nên đặt lại việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị khi hiện nay đang chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp năm 1992?

- TP.HCM đang có chủ trương tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này và Sở Nội vụ là cơ quan được TP giao nghiên cứu. Ngay trong sáu chương trình đột phá của TP trong năm năm tới cũng có một chương trình nêu rõ: cải cách hành chính gắn với đổi mới mô hình chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, việc triển khai hay không còn phải chờ chủ trương của trung ương. Dù nghị quyết Đại hội X của Đảng (năm 2006) yêu cầu phải làm rõ chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo nhưng tôi biết đến nay vẫn chưa làm được do vướng các quy định hiện hành.

* Theo ông, với bộ máy như hiện nay, liệu TP.HCM có thể đáp ứng yêu cầu của một chính quyền đô thị?

- Nếu mô hình tổ chức phù hợp, năng động thì chuyện bố trí con người không phải là không làm được. Tôi nghĩ với nguồn nhân lực TP hiện nay không thiếu để làm chuyện này, vấn đề là có mô hình tổ chức phù hợp để bố trí lại nguồn nhân lực. Với trách nhiệm tập thể như hiện nay thường phải hội họp để lấy ý kiến tập thể, quyết định. Nhưng khi nâng vai trò cá nhân lên sẽ bớt hội họp, thị trưởng sẽ quyết định và những người cấp dưới sẽ là những người giúp việc cho thị trưởng.

ĐĂNG NAM - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên