TS Thang Văn Phúc - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ tịch hội đồng Viện Những vấn đề phát triển - phân tích giải pháp cho vấn đề này.
Phóng to |
Thanh tra xây dựng phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM tạm giữ xe máy đậu trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng - Ảnh: NGUYỄN CÔNG |
Sẽ xem lại thẩm quyền của thanh tra xây dựngThanh tra xây dựng phạt xe đậu lòng đường?
- Nghị định 93 của Chính phủ (ban hành ngày 12-12-2001) đã phân cấp cho TP.HCM một số quyền chủ động trong việc quản lý đô thị, tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ... và việc vận dụng quy định này trong phân cấp thẩm quyền cho TTXD trên địa bàn TP.HCM là cần thiết. Có điều, hiện nay cùng lúc nhiều lực lượng xử phạt về giao thông, đậu xe lòng đường như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, nay có thêm sự tham gia của TTXD nữa thì phải phân định rõ công việc của từng đơn vị cho phù hợp.
Tuy nhiên quan điểm của tôi thì TTXD nên tập trung làm tốt nhiệm vụ chính là quản lý, thanh tra các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn, không nên tham gia việc xử phạt xe đậu lòng đường. Có thể một số cơ quan thẩm quyền thấy lực lượng TTXD làm tốt một số công việc rồi giao tiếp việc xử phạt xe đậu lòng đường, như thế dẫn đến trùng việc với các đơn vị khác, sai lệch mục đích ban đầu của việc tổ chức về TTXD, lệch với nhiệm vụ chính được giao.
* Theo lãnh đạo UBND Q.1, việc tham gia của TTXD đã đạt những hiệu quả nhất định. Ông đánh giá thế nào?
- Như tôi đã nói, hiện nay TP đã có các lực lượng khác như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ xử phạt vi phạm lòng đường và nên tiếp tục phát huy các lực lượng này cho những công việc trên. Điều cần làm ngay bây giờ là TP phải điều chỉnh, rà soát việc giao thẩm quyền xử phạt của các đơn vị liên quan để kiểm soát cho phù hợp, phân định rõ trách nhiệm của từng tổ chức tham gia nhiệm vụ trật tự giao thông đường phố.
Còn nếu cho rằng TTXD làm tốt hơn các lực lượng khác đã được giao thẩm quyền thì phải xem lại nhiệm vụ của các lực lượng liên quan này, đồng thời phải đổi tên TTXD, chứ TTXD mà đi làm nhiệm vụ xử phạt xe đậu ở lòng đường thì nghe rất kỳ.
* Có ý kiến cho rằng xe đậu lòng đường cũng là vi phạm trật tự đô thị và đây cũng là nhiệm vụ của TTXD?
- Nếu cho rằng đậu xe lòng đường cũng là vấn đề liên quan đến trật tự đô thị là chưa phù hợp. Khi người dân làm nhà mà để đổ vật tư tràn ra đường, gây mất mỹ quan đô thị... thì đó là vi phạm về xây dựng, trật tự đô thị, còn người dân để xe ở vỉa hè, lòng đường thì có cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử phạt. Sử dụng anh nọ “đá” anh kia có khi dẫn đến chồng chéo, lãng phí, làm giảm hiệu lực công việc của nhau. Riêng với người dân, một hành vi mà cùng lúc bị nhiều lực lượng quản lý, điều chỉnh sẽ đâm ra khó chịu. Nguyên tắc phân cấp giao quyền là một việc chỉ có một người chịu trách nhiệm. Đây là cơ sở để giao quyền cho các tổ chức hiện hành trên địa bàn và làm như thế hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.
* Theo quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập TTXD quận huyện, phường xã tại Hà Nội và TP.HCM, ngoài nhiệm vụ quản lý, thanh tra các công trình xây dựng, lực lượng TTXD còn thực hiện các nhiệm vụ do chủ tịch UBND quận huyện giao. Như vậy TTXD có thể được giao xử phạt lòng đường? Thí điểm thực hiện có thể được làm khác quy định hiện hành?
- Cần hiểu chủ tịch UBND quận huyện được giao nhiệm vụ khác cho TTXD là phải giao đúng thẩm quyền, còn giao quá thẩm quyền thì không được. Nguyên tắc cấp dưới phải tuân thủ các quy định pháp luật, tuân thủ quy định của cấp trên, đó là trật tự hành chính cần thiết. Nội dung nào được thí điểm thì nên làm đúng với cái đó, muốn làm cái khác phải xin phép cơ quan cho thí điểm.
Thí điểm ở đây là thí điểm về quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, chứ không nên thí điểm làm công việc mà các tổ chức khác đã được giao nhiệm vụ. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép hiện nay còn diễn ra khá nhiều và lực lượng TTXD nên tập trung làm tốt nhiệm vụ này.
Tôi nghĩ cơ quan chức năng TP phải rà soát để điều chỉnh thẩm quyền của TTXD, chuyện này là bình thường và cần thiết.
Thanh tra xây dựng ngăn cản chụp ảnh Sáng 8-12, khi phóng viên ảnh Thuận Thắng của báo Tuổi Trẻ đang tác nghiệp trước cổng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thuộc phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM thì bị đội TTXD phường này ngăn cản chụp ảnh. Ít phút sau Công an phường Bến Nghé đến yêu cầu phóng viên báo Tuổi Trẻ xuất trình giấy tờ tùy thân. Mặc dù phóng viên đã xuất trình thẻ chứng minh là phóng viên của báo Tuổi Trẻ nhưng vẫn bị công an phường yêu cầu về phường vì không có CMND. Sau đó, TTXD của phường Bến Nghé đã áp giải phóng viên về trụ sở công an phường. Cùng lúc đó công an phường vào khuôn viên Trường ĐH KHXH&NV lập biên bản tạm giữ xe của phóng viên để trong khuôn viên trường với lý do xe vắng chủ. Tuy nhiên, sau khi áp giải Thuận Thắng về phường, trưởng công an phường Lê Đức Thuận đã cho phóng viên ra về cùng với xe gắn máy. |
Cần có cảnh sát đô thị Trước đây khi tham gia góp ý xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM, tôi từng đề xuất cần phải thành lập cảnh sát đô thị. Lực lượng này có quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm về giao thông, vi phạm về xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh công cộng... thay cho các lực lượng quản lý chuyên ngành hiện hành. Như vậy sẽ thống nhất về đầu mối quản lý, xử phạt vi phạm và hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Tuy nhiên do vướng một số quy định liên quan nên cuối cùng đề xuất trên chưa được thực hiện. Gần đây, các cơ quan thẩm quyền đang xem xét việc sửa đổi một số nội dung của Hiến pháp và theo tôi, cần đưa nội dung này vào sửa đổi. Cơ quan chức năng TP.HCM cho rằng việc tham gia của lực lượng TTXD thời gian qua đã giảm đáng kể tình trạng vi phạm về trật tự đô thị, xe đậu lòng lề đường. Tuy nhiên khi giao việc cần phải cân nhắc, nếu giao quá nhiều việc cho TTXD mà không kiểm soát được công việc cũng như kiểm soát việc thực hiện ra sao thì có thể phát sinh những vấn đề không tốt, dẫn đến lạm quyền, tiêu cực... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận