25/11/2011 15:20 GMT+7

Đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Sáng 25-11, đăng đàn trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian trả lời trực tiếp về vấn đề biển Đông, Luật biểu tình, hoạt động khai thác khoáng sản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Read this on Tuoitrenews.vnXem toàn văn báo cáo giải trình của Thủ tướng

gy89IqjB.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu - Ảnh: Việt Dũng

Thủ tướng nói: Việt Nam phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với bốn loại vấn đề trên biển Đông.

Thứ nhất, đàm phán với Trung Quốc để phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ.

Thứ hai, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam... Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật biển năm 1982.

Thứ ba, chủ trương của ta đối với thực hiện chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện tuyên bố DOC và “thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam yêu cầu các bên liên quan giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này...

Thứ tư, giải quyết và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982.

Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta đã và tiếp tục khẳng định chủ quyền để quản lý và thực hiện chủ quyền ngày càng đầy đủ hơn, hiệu quả hơn đối với vùng biển này”.

Về căn cứ đề nghị Quốc hội xây dựng Luật biểu tình, Thủ tướng đưa ra nhiều vấn đề có liên quan, trong đó đầu tiên là thực hiện Hiến pháp, “điều 69 của Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có Luật biểu tình, như vậy nên bắt tay nghiên cứu xây dựng Luật biểu tình”.

Đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước và chủ quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, tất cả việc làm của tất cả mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh, buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội”.

Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp lớn như: Yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, ngăn chặn bằng được việc làm khai thác khoáng sản trái phép gây bức xúc hiện nay; tạm dừng cấp phép khai thác các khoáng sản mới; Chính phủ chủ trương kiểm soát xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu quặng ngay tại các dự án chứ không phải để kiểm soát ở cửa khẩu...

“Trên cơ sở rà soát quy hoạch, việc cấp phép mới phải đi kèm với dự án khả thi đã được cấp có thẩm quyền thẩm định về hiệu quả kinh tế theo hướng chế biến sâu, thẩm định về môi trường và về công nghệ... khi thật sự có hiệu quả, thật sự đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, đảm bảo môi trường an ninh trật tự mới được cấp giấy phép...” - Thủ tướng nói.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có báo cáo, giải trình thêm về một số nội dung mà các bộ trưởng đã trả lời chất vấn (xem toàn văn báo cáo).

* Mời bạn xem thêm thông tin về phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên báo Tuổi Trẻ phát hành sáng mai 26-11.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên