Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trần Ngọc Vinh, phó đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, “phát pháo” khi cho rằng trong bốn năm mà chương trình làm luật của Quốc hội đã phải điều chỉnh đến năm lần. Điều đó nói lên tính không khoa học, thiếu thận trọng và chấp hành không nghiêm kỷ luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Theo ông Vinh, việc dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình và rút ra hiện quá dễ, “khi đưa vào nói hết sức cần thiết, nhưng khi cần rút ra thì cũng tìm mọi lý lẽ là cần phải rút ra bằng được”. Với thực trạng một số luật, pháp lệnh được thông qua nhưng chất lượng và tính khả thi chưa cao, việc ban hành nghị định hướng dẫn chậm, ông Vinh đề nghị Quốc hội khóa XIII phải nghiêm túc xem xét và có chế tài xử lý để những tồn tại trên không lặp lại.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị Quốc hội nên có Luật từ chức vì theo ông Đương, có 1/3 công chức đang “chân trong chân ngoài” khiến hoạt động không hiệu quả, “người đứng đầu không có tài cũng nên thôi”. Việc đưa ra luật này cũng phù hợp với văn hóa “treo ấn từ quan”. Thứ hai, ông Đương đề nghị phải làm Luật bảo vệ nông dân để giúp nông dân trước tình trạng đô thị hóa, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường...
Ông Nguyễn Hữu Quang, ủy viên Ủy ban Kinh tế, nêu báo cáo mới nhất cho biết hiện nay tài sản, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khoảng 683.000 tỉ đồng, chiếm gần 1/2 năng lực sản xuất toàn xã hội. Với một lượng tài sản lớn như vậy, ông Quang không đồng tình đưa Luật quản lý kinh doanh vốn nhà nước xuống mức nghị định mà phải ban hành luật. “Nếu chúng ta không làm việc này thì chúng ta sẽ mất cơ hội để thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế” - ông Quang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận