13/11/2011 07:58 GMT+7

Hư hỏng trên... một đống tiền!

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Lẽ ra từ cách đây hai năm, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã mang lại “một đống tiền”, nhưng thật khó hiểu khi đơn vị được chỉ định quyền thu phí lại tỏ ra không mặn mà lắm với quyền này, còn công ty muốn được đấu thầu thu phí lại không được để ý.

rGeM9AnM.jpgPhóng to
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với đầy ổ gà (ảnh chụp chiều 12-11 tại km33, thuộc địa phận tỉnh Long An) - Ảnh: Minh Đức

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý đường cao tốc cho biết số lượng xe đi trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã vượt dự báo với bình quân 60.000 ôtô con/ngày (đã tính hệ quy đổi từ xe tải, xe container). Giám đốc một công ty chuyên xây dựng trạm thu phí giao thông nhận định: “Với số lượng xe trên, mỗi năm tuyến đường này sẽ thu khoảng 500 tỉ đồng”.

Lãng phí 500 tỉ đồng/năm

Theo một cán bộ của Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long CIPM, trước đây là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) - chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tháng 2-2010 Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình trọng điểm đã chấp thuận chất lượng đường cao tốc đảm bảo đưa vào sử dụng lâu dài, tức là ở thời điểm đó đã có đủ cơ sở pháp lý để thu phí giao thông. Thế nhưng, việc thu phí đã bị “bỏ bê” trong suốt hai năm qua.

Cửu Long CIPM không tổ chức thu phí trên tuyến đường này, bởi vì cấp thẩm quyền đã giao Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để lấy vốn hoàn trả cho dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang).

Hơn hai năm qua kể từ khi được giao dự án trên, BIDV chưa ký hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải về dự án chuyển nhượng quyền thu phí nên chưa triển khai việc thu phí.

Không mặn mà với tiền?

Không phải đến bây giờ mà vào tháng 2-2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc giao BIDV thực hiện đầu tư trung tâm điều hành và hệ thống trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Cuối năm đó Bộ Giao thông vận tải đề nghị BIDV cần thực hiện phương án mua quyền thu phí đường cao tốc.

Tháng 9-2009, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, BIDV xây dựng hợp đồng chuyển giao quyền thu phí. Trong đó yêu cầu BIDV trả trong ba năm khoảng 10.000 tỉ đồng và khi BIDV nộp tiền cho ngân sách thì thực hiện thu phí ngay. Thế nhưng suốt gần ba năm qua hợp đồng không được ký kết và BIDV vẫn chưa nộp đồng nào cho ngân sách.

Tháng 12-2010, Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) - chủ đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - được BIDV giao tổ chức khởi công xây dựng hệ thống trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và dự kiến bắt đầu thu phí vào tháng 1-2012 với mức thu 1.000 đồng/km.

Hiện việc xây dựng trạm thu phí chưa hoàn thành thì ngày 4-11-2011, BIDV đã đề nghị trả lại dự án nhượng quyền thu phí giao thông đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Bộ Giao thông vận tải.

Điều khó hiểu là trong suốt thời gian BIDV không mặn mà với dự án chuyển nhượng quyền thu phí, tháng 3-2009 Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cần xem xét lại phương án mua quyền thu phí của BIDV vì có nhiều điểm bất lợi so với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ (gọi tắt là Công ty Phú Mỹ - một công ty tư nhân ở TP.HCM) cùng đề nghị mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng không được các cơ quan thẩm quyền quan tâm.

Một cán bộ của Cửu Long CIPM bức xúc nói tại sao lại phải chỉ định BIDV mà không tổ chức đấu thầu dự án chuyển nhượng quyền thu phí để xã hội hóa việc thu phí?

Nhà đầu tư nợ nhà thầu

Mới đây, trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết sau gần 20 tháng thực hiện công tác quản lý khai thác đường cao tốc, do ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn nên không bố trí được vốn cho công tác quản lý khai thác, duy tu và bảo dưỡng, thanh toán trả nợ các nhà thầu thi công công trình.

Hiện nay Cửu Long CIPM đang nợ các nhà thầu xây lắp khoảng 980 tỉ đồng và nợ chi phí quản lý, khai thác 35 tỉ đồng.

Để sớm có tiền trả cho công tác quản lý bảo trì, thực hiện các công việc dở dang và xử lý hư hỏng trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và trả nợ nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép Cửu Long CIPM được thực hiện thu phí tạm tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Ngày 8-11, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho phép Cửu Long CIPM tiếp nhận trạm thu phí do BEDC đang xây dựng để kịp thời triển khai ngay công việc thu phí, sau khi BIDV giao lại dự án chuyển quyền thu phí về bộ.

Hiện nay, đơn vị đang chuẩn bị nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận và triển khai việc thu phí vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng vì BIDV đang đề nghị trả lại hai dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Mua lại dự án lợi hơn nhưng không được

Trong văn bản gửi cơ quan chức năng tháng 3-2009, ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - cho biết BIDV đề nghị mua dự án là 9.889 tỉ đồng, hình thức mua chịu 5.380 tỉ đồng trả trong bảy năm, thanh toán xong toàn bộ số tiền trong tám năm và thời gian thu phí là 60 năm.

Trong khi đó, Công ty Phú Mỹ có phương án mua dự án 9.889 tỉ đồng trả ngay một lần là 3.000 tỉ đồng và thanh toán tiền theo kế hoạch hoàn thành xây dựng đường cao tốc, thời gian thu phí là 27 năm.

Đó là chưa kể BIDV đề nghị tiếp quản trạm thu phí cầu Mỹ Thuận và xây dựng thêm trạm thu phí trên quốc lộ 1A, trong khi Công ty Phú Mỹ không có yêu cầu lấy thêm trạm thu phí cầu Mỹ Thuận và không cần xây dựng thêm trạm thu phí trên quốc lộ 1A.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên