11/11/2011 07:05 GMT+7

Không thể lấy đất của dân rồi bỏ hoang

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngày 10-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước và thảo luận tại hội trường về kế hoạch sử dụng đất năm 2011-2015, quy hoạch giai đoạn 2011-2020 cùng việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

LeLuITJM.jpgPhóng to
Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), cứ thu hồi 1ha đất nông nghiệp thì có 10 nông dân mất việc làm - Ảnh: Trọng Đức

Năm 2012: chi vượt thu trên 140.000 tỉ đồng

Mặc dù có nhiều ý kiến băn khoăn về mức bội chi nhưng Quốc hội cuối cùng vẫn thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Theo đó, tổng thu ngân sách năm 2012 là 740.500 tỉ đồng, tổng chi 903.100 tỉ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 140.200 tỉ đồng (bằng 4,8% GDP).

Trong nghị quyết, Quốc hội nêu giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Từ ngày 1-5-2012, Quốc hội giao Chính phủ tăng lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng/tháng. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ cần tiết kiệm, chống lãng phí và “mở đường” cho Chính phủ với yêu cầu “từng bước chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế”.

Thu hồi 1ha đất, 10 nông dân mất việc!

Thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 2011-2015 và quy hoạch giai đoạn 2011-2020, nhiều đại biểu băn khoăn với kế hoạch dành quá nhiều đất cho công nghiệp trong khi các khu vực khác lại thiếu.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nêu trung bình khi thu hồi 1ha đất nông nghiệp thì 10 nông dân sẽ bị mất việc làm. Với tốc độ trung bình 73.200ha đất bị thu hồi mỗi năm thì có khoảng 70 vạn nông dân tự nhiên không có công ăn việc làm.

Theo bà Lan, việc không thực hiện hiệu quả cơ chế hỗ trợ cũng đang đẩy một bộ phận không nhỏ người dân ra khỏi đồng ruộng, dẫn họ đến “3 không”: không nghề, không đất, không trợ cấp xã hội, tất yếu họ sẽ bị đẩy từ cuộc sống khó khăn sang cuộc sống khó khăn hơn. Vì vậy, bà Lan đề nghị Chính phủ phải đảm bảo tối đa quyền lợi của người bị thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế bồi thường theo cơ chế thị trường, tránh việc áp giá đền bù quá thấp.

Đại biểu Lê Văn Học, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên nhi đồng, nêu thực tế cả nước đã có tới 267 khu công nghiệp với diện tích 72.000ha, nhưng tỉ lệ lấp đầy chỉ 46%. Các khu công nghiệp chỉ tạo ra được khoảng 25% GDP và đóng góp vào ngân sách nhà nước cỡ 1 tỉ USD. Trong khi đó, diện tích đất/đầu học sinh, sinh viên quá thấp.

Do đó theo ông, Chính phủ cần rà soát, nếu không hiệu quả thì nên loại bỏ một số khu công nghiệp để tăng cường hiệu quả sử dụng đất. Ông cũng cho rằng đất cho giáo dục phải tăng lên, mức 5m2/học sinh, sinh viên đến năm 2020 thay vì 1,8m2 theo quy hoạch. Ông Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu: đề nghị cần có luật về quy hoạch để việc quy hoạch không bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị để đảm bảo giữ được 3,8 triệu ha đất lúa thì sau quy hoạch phải vẽ rõ trên bản đồ đâu là chỗ phải giữ để chắc chắn không được xâm phạm. Chính sách cho các tỉnh giữ đất lúa cũng phải rõ để họ không phải lo phá đất lúa làm công nghiệp. Ông Lịch nêu TP.HCM có 2.500ha đất khu công nghiệp mà đã đóng góp 28% sản lượng công nghiệp cả nước, nên Chính phủ cần làm rõ để lấp đầy diện tích các khu công nghiệp cần bao nhiêu tiền. “Có tình trạng chiếm đất bỏ hoang. Nếu lấy đất nông nghiệp bỏ hoang, dân mất việc thì tác hại rất lớn” - ông Lịch nói.

Dùng tiền trồng rừng mua ôtô?

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đặt câu hỏi có hay không những sai phạm như chi vượt, chi trùng, chi sai mục đích; dùng vốn trồng rừng để xây dựng trụ sở, mua sắm ôtô? Ông Diệu kiến nghị Chính phủ phải nêu kỹ kết quả thực hiện mục tiêu về chất lượng rừng; đồng thời cần cho đại biểu Quốc hội tiếp cận kết quả giám sát của Quốc hội, kết quả của Kiểm toán Nhà nước về chương trình trồng rừng. Thời gian tới, để hạn chế mất rừng, ông Diệu yêu cầu hạn chế tối đa việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng kinh tế, nhất là trồng cao su, cà phê.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên