Phát biểu tại hội thảo, ông R. C. Severino - nhà ngoại giao Philippines, nguyên tổng thư ký ASEAN, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Singapore - chỉ rõ những lý lẽ “khó thuyết phục” của “một quốc gia thấy rằng các quy định của luật pháp quốc tế không phù hợp với lợi ích sống còn hoặc cốt lõi của mình hay không có lợi cho các sách lược mà quốc gia đó đã lựa chọn”.
Khi nhiều bên bị tổn thương bởi một bên
Ví dụ nổi bật nhất mà nhà ngoại giao kỳ cựu R. C. Severino dẫn chứng là “yêu sách chín đoạn gần như ôm trọn lấy biển Đông trên những bản đồ chính thức của Trung Quốc. Một tấm bản đồ như vậy được chính quyền Trung Hoa dân quốc lúc đó đang nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc đưa ra lần đầu tiên vào năm 1947 và nước CHND Trung Hoa chính thức đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc năm 2009.
Bất chấp những câu hỏi mà các nước ASEAN đặt ra, bao gồm cả những tuyên bố chủ quyền và không chủ quyền, Bắc Kinh luôn từ chối cho biết chính xác đường chín đoạn có ý nghĩa gì... Thật sự thì đường chín đoạn, chạy từ khoảng này không được định vị chính xác bằng hệ tọa độ và do đó chỉ đơn thuần là một đường vẽ trên bản đồ mà không có bất cứ cơ sở pháp lý nào”...
Trong tham luận cũng như các tranh luận trực tiếp của mình, các học giả rất nhiều lần nhấn mạnh đến sự mơ hồ, thiếu khoa học và thiếu văn bản pháp lý trong các yêu cầu về chủ quyền lãnh hải, các hòn đảo và vùng nước của các học giả Trung Quốc. TS David Koh (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng ý kiến của GS Lý Kiến Vỹ (giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật biển - Viện Nghiên cứu quốc gia về Nam Hải, Trung Quốc) về cơ sở đưa ra yêu sách đường lưỡi bò là hoàn toàn không thuyết phục. GS Evgeny Kanaev - Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Matxcơva - thậm chí còn cho rằng hầu hết các bằng chứng về chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trong các vụ tranh chấp trên biển Đông đều là giả tạo và không thể chấp nhận được.
Hướng đến an ninh và phát triển
Tương tự như sự kiềm chế trên bàn hội thảo, các học giả đã thừa nhận tình hình biển Đông tuy nóng lên rất nhanh, nay đã êm sóng trở lại sau một loạt động thái ngoại giao từ nhiều bên liên quan. Và tất cả mọi người từ nguyên thủ quốc gia cho đến các học giả và những người dân thường đều hiểu rằng không ai có lợi một khi tranh chấp nổ ra trên biển Đông. Tất cả các bên, từ góc độ lợi ích khác nhau của mình đều cố gắng đưa ra những giải pháp ngày càng mang tính thiết thực.
GS Mary George (ĐH Malaya, Malaysia) đưa ra giải pháp trên bình diện quân sự: “Liệu một khu vực hạn chế mục đích biển và phòng thủ trên không xác định có thể thiết lập được ở biển Đông hay không?”. Ở một thực tế nhạy cảm và dễ xảy ra tranh chấp hằng ngày nhất là đánh bắt cá, GS Vương Quán Hùng (Đài Loan) đưa ra những giải pháp cho tranh chấp nghề cá ở biển Đông thông qua hợp tác và quản lý khu vực. Vũ Hải Đăng, nghiên cứu sinh tiến sĩ của ĐH Dalhousie - Canada, chủ trương lập một “Mạng lưới song phương các khu vực biển được bảo vệ giữa Trung Quốc và VN thay thế cho lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông”.
GS Jon Van Dyke của ĐH Hawaii (Mỹ) cho rằng vùng biển Đông là vùng biển nửa kín, vì vậy theo Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia ven bờ cần hợp tác với nhau để thực thi các quyền và nghĩa vụ của họ, đặc biệt là bảo vệ môi trường biển, trong thực trạng môi trường biển Đông đang ở mức cực kỳ báo động với sự cạn kiệt tài nguyên biển và 80% rạn san hô bị ô nhiễm...
Ông Phạm Quốc Anh - chủ tịch Hội Luật gia VN, đơn vị đồng chủ trì hội thảo - cho rằng sự kiềm chế trong thái độ tranh luận, sự cởi mở trong trao đổi thông tin giữa phần lớn các học giả đã khiến hội thảo có được những kết quả khá tốt đẹp. Với những chứng cứ pháp lý, lịch sử mà các học giả VN đang có, cộng với những tài liệu mà các học giả quốc tế mới cung cấp, sắp tới Hội Luật gia VN sẽ phối hợp tổ chức hai hội thảo quốc tế nữa về biển Đông: “Chủ quyền biển Đông của VN qua những bằng chứng lịch sử” - Hội Luật gia chủ động phối hợp và đề nghị sự giúp đỡ của các nhà sử học trong và ngoài nước và “Chủ quyền của các quốc gia trên biển Đông - cơ sở công pháp quốc tế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận