05/11/2011 07:51 GMT+7

Đưa biển Đông vào "rađa" kiểm soát của quốc tế

THU HÀ
THU HÀ

TT - “Biển Đông - hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học quốc tế do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia VN tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 4 và 5-11, với sự tham dự của gần 200 đại biểu là các học giả, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, sử gia quốc tế và VN.

Đại sứ Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao, trong phát biểu khai mạc khẳng định:

“Cộng đồng khu vực và thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới biển Đông. Thế giới quan tâm hơn vì biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng với hòa bình, ổn định và phát triển, không chỉ của khu vực Đông Á mà của toàn châu Á - Thái Bình Dương. Thế giới quan tâm hơn vì biển Đông vẫn tiềm ẩn những bất ổn mà nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, nếu không có những nỗ lực trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Tham luận của các học giả trong ngày 4-11 chủ yếu đi sâu vào phân tích tầm quan trọng của biển Đông trên thế giới và trong khu vực, lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực. Đáng lưu ý là các tham luận: Các vấn đề và lợi ích ở biển Đông (Rodolfo C. Severino), Ý nghĩa toàn cầu của tranh chấp biển Đông (GS Geoffrey Till - ĐH London), San bằng cách biệt về nhận thức trong lịch sử và luật pháp, Mở đường cho hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển Đông (GS Suhao và Ren yuan-zhe - ĐH Ngoại giao Bắc Kinh), Lợi ích của Ấn Độ ở biển Đông (TS Vijay Sakhuja - giám đốc Hội đồng các vấn đề về thế giới, Ấn Độ), Lợi ích của Mỹ ở biển Đông (chỉ huy Jonathan G.Odom - phó cố vấn pháp lý Hải quân Mỹ), Nga và vấn đề biển Đông (GS Evgeny A.Kanaev - Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, Liên bang Nga)...

Theo đại sứ Đặng Đình Quý, đây là cuộc hội thảo quốc tế thứ ba về biển Đông ở VN kể từ năm 2009. Cũng theo đại sứ Quý: “Trong năm 2009, cả khu vực chỉ có ba hội thảo quốc tế về biển Đông, năm 2010 có bảy hội thảo và năm 2011 có tới 15 hội thảo. Điều quan trọng là các vấn đề thảo luận, các đánh giá và kiến nghị ngày càng thiết thực với việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển ở biển Đông. Chính những hoạt động nghiên cứu và thảo luận này đã góp phần đưa biển Đông vào “rađa” kiểm soát của cộng đồng quốc tế; bản chất của tranh chấp trên biển Đông cũng như các vụ việc xảy ra trên biển Đông được phân tích, đánh giá trên tinh thần khoa học, khách quan để dư luận nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ, nhiều chiều hơn”.

Trong ngày làm việc hôm nay 5-11, các học giả sẽ tiếp tục tham luận và tranh luận về những khía cạnh pháp lý quốc tế trong tranh chấp trên biển Đông, giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột, phương cách và biện pháp thúc đẩy hợp tác ở biển Đông.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên