03/11/2011 06:54 GMT+7

Nên sớm xem xét Luật biểu tình

C.V.KÌNH - LÊ KIÊN
C.V.KÌNH - LÊ KIÊN

TT - Chiều 2-11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Nhiều đại biểu “phê” cách làm luật hiện tại là “dễ đưa vào, khó để lại” và yêu cầu đưa những luật cần kíp lên làm sớm...

Read this on Tuoitrenews.vnXây dựng Luật biểu tình: Nên lập tổ chuyên gia soạn thảo liên ngànhCử tri ủng hộ cần sớm có Luật biểu tình

JmceaZtf.jpgPhóng to
Đại biểu Võ Thị Dung phát biểu tại buổi thảo luận tổ - Ảnh: V.Dũng

Đại biểu Lê Đông Phong (TP.HCM) cho rằng không nên xây dựng luật theo kiểu cái nào dễ làm trước, khó thì lùi như hiện nay.

Cũng trên tinh thần này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu với tình hình công chức hiện nay và vị thế nhạy cảm của nông dân thì Quốc hội (QH) cần có Luật từ chức, Luật bảo vệ nông dân bởi “nó còn quan trọng hơn các luật như khí tượng thủy văn trong chương trình chính thức của QH”.

Tập trung những vấn đề gây bức xúc

“Yêu cầu như thế, không đại biểu nào làm được”

“Cần sửa đổi quy định về sáng kiến lập pháp. Quy định hiện nay đòi đại biểu phải thực hiện nhiều khâu phức tạp như khảo sát xã hội xem tính cần thiết của luật, xem xét tác động của luật... Với những yêu cầu như thế thì không đại biểu nào làm được. Tôi tự viết cái luật, rồi trình lên, còn dễ hơn là phải đi khảo sát” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM).

Nhiều đại biểu cũng đồng tình kiến nghị QH cần đưa Luật biểu tình, Luật phòng chống tham nhũng lên trước vì những vấn đề trên đang gây bức xúc xã hội. Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng luật nào nhu cầu cuộc sống bức thiết thì phải tập trung xây dựng, hoàn chỉnh. Bà Dung đề nghị đưa Luật trưng cầu ý dân lên trước, vào chương trình chính thức để phát huy dân chủ, quyền làm chủ của dân.

Đối với dự án Luật biểu tình, nhiều đại biểu băn khoăn khi Ủy ban Thường vụ QH không xếp vào chương trình chính thức, trong khi đây là dự án luật được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất.

Cả viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo và chủ tịch MTTQ VN TP Hà Nội Đào Văn Bình đều cho rằng nên sớm xây dựng luật này vì đây là vấn đề bức xúc trong thực tiễn cần được điều chỉnh. “Cần làm luật biểu tình, tôi ra nước ngoài thấy người dân đi biểu tình trong trật tự. Tôi nghĩ mình nên làm vì các nước người ta làm không có vấn đề gì đáng ngại cả” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu hạn chế của công tác làm luật hiện nay cơ bản nhất là bộ máy. Theo bà Tiến, cơ quan trình dự án luật chính là các bộ, mà bộ phận chuyên làm chính sách ở các bộ là Vụ Pháp chế thì chỉ có vài luật gia. Vụ chuyên môn phải phối hợp làm nhưng có luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực rất khác nhau nên “có mấy ông làm rất vất vả, không thể đảm bảo chất lượng” dẫn đến nhiều luật ra một thời gian ngắn đã phải điều chỉnh.

Đặc biệt là phối hợp giữa các bộ ngành rất khó khăn nên bà Tiến cho biết Thủ tướng nhắc các bộ soạn thảo chậm, nhưng chỉ một thông tư hướng dẫn giải quyết vấn đề cho người bị tai nạn giao thông được hưởng bảo hiểm ngay, do liên quan đến nhiều bộ, “gọi điện cả ngoài giờ” mà gần hai năm rồi vẫn chưa xong. Hay liên quan đến bộ khác, Bộ trưởng Tiến nêu thực tế vụ cục đồng ý, lên thứ trưởng lại có ý khác nên chậm... Ngoài ra, theo bà Tiến, kinh phí soạn thảo luật còn hạn chế cũng là nguyên nhân chất lượng luật không cao, “anh em làm cũng phải có nguồn hỗ trợ này kia nếu không rất vất vả” - bà Tiến nói.

Đưa vào rồi lại đưa ra

Theo ông Đinh Xuân Thảo, “nhược điểm lớn nhất trong công tác xây dựng luật của QH khóa XII là đưa vào rồi lại đưa ra, đưa vào cũng dễ mà đưa ra cũng dễ. Lý do là cơ quan trình không tính toán kỹ các điều kiện thực hiện, cứ đánh trống ghi tên rồi khi chưa làm được thì xin rút”. Ông Thảo lấy ví dụ từ dự án Luật đất đai (sửa đổi) đặt ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa trình được.

Trong khi đó, có những luật “tuổi thọ” quá ngắn như Luật xuất bản khóa XI đã sửa, khóa XII cũng sửa với lý do để gia nhập WTO, bây giờ đến khóa XIII lại đề xuất sửa. Ông Thảo kiến nghị cần có biện pháp chấm dứt tình trạng “làm luật kiểu cố đấm ăn xôi”. Cơ quan nào chuẩn bị không tốt, không đúng với thời gian cho phép thì phải bị kỷ luật.

Lần đầu tiên tham gia QH, nhưng phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay ông đã rất quen với tình trạng “đưa vào, rút ra” vì báo chí đề cập nhiều lần. Để khắc phục tình trạng này, ông Chung đề nghị QH chỉ xem xét đưa vào chương trình những dự án luật có thuyết minh chi tiết. Đại biểu QH cần được cung cấp thông tin về các dự án luật ngay từ khi nó bắt đầu được soạn thảo và thông tin trong suốt quá trình soạn thảo. Gửi sớm tài liệu cho đại biểu là rất quan trọng vì “mới họp hai tuần mà tài liệu đến nay đã khoảng 30kg thì không thể nào đọc hết được” - ông Chung cho biết.

Đề nghị xây dựng Luật đường sắt đô thị

Đại biểu Nguyễn Phi Thường - tổng giám đốc Công ty Vận tải Hà Nội - kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng Luật đường sắt đô thị. Ông Thường nói: “Hiện nay vấn đề rất bức xúc là giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM. Tôi nghĩ giải pháp thay đổi giờ làm việc chỉ là biện pháp tình thế, về lâu dài thì giải pháp căn cơ phải là xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao mới giải quyết được vấn đề. Nhưng cho đến nay chúng ta chưa có luật điều chỉnh lĩnh vực này.

Xây dựng mỗi kilômet tàu điện ngầm tốn hàng trăm triệu USD, vấn đề quy hoạch ngầm thế nào hiện nay cũng chưa có, rồi trợ giá ra sao, tính đồng bộ của hệ thống đường sắt thế nào (hiện nay Hà Nội đang làm hai tuyến: tuyến Cát Linh - Hà Đông thì công nghệ Trung Quốc, tuyến Nhổn - ga Hà Nội thì công nghệ Pháp, vậy tàu của hai tuyến này có chuyển tiếp sang đường của nhau được hay không?)... Hàng loạt vấn đề như vậy cần phải có luật điều chỉnh thì mới làm được”.

C.V.KÌNH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên