29/10/2011 07:00 GMT+7

Tháo chạy khỏi Bangkok

NGUYỄN VIỄN SỰ (từ Bangkok, Thái Lan)
NGUYỄN VIỄN SỰ (từ Bangkok, Thái Lan)

TT - Hai ngày qua, các tuyến đường đổ về Chon Buri, Rayong, Korat, Nakhon Ratsachima... - những vùng đất còn khô ráo ở phía nam và đông bắc Bangkok đã trở nên kẹt cứng khi người dân Bangkok đổ xô tìm đường thoát thân.

SYi026OW.jpgPhóng to
Người dân nằm la liệt tại trại tạm lánh ở sân vận động quốc gia Thái Lan - Ảnh: Thuận Thắng
mGuzCItd.jpgPhóng to
Sự mệt mỏi hiện rõ trên nét mặt người phụ nữ này, trong căn phòng tạm lánh được dựng lên trong sân bóng rổ, sân vận động quốc gia Thái Lan tại Bangkok - Ảnh: Thuận Thắng
Xem vdieo do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Sáng 28-10, những con hẻm nhỏ rẽ từ phố Prachaeun ở quận Bangsue - một trong những khu dân cư giàu có ở Bangkok trở nên vắng lặng khi nước đã ngập ngang cổ. Ông Praden Singpanupong, một trong số ít người còn nán lại, cho biết gần 90% người dân trên con phố này đã chạy về phía nam, chủ yếu là Pattaya khi nước đã dâng từ đầu gối rồi ngang cằm chỉ trong hai ngày gần nhất. “Đến chùa Vàng còn bị ngập thì không ai đủ kiên nhẫn để ở lại nữa” - ông Praden thảng thốt.

Trăm nẻo di tản

Đào kênh xuyên đường

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết bà đang xem xét đề xuất của Cơ quan phối hợp cứu trợ Thái Lan về việc đào kênh xuyên những con đường ở phía đông Bangkok để giải vây cho nội ô Bangkok. Một nhóm kỹ sư và chuyên gia về nguồn nước do chủ tịch Công ty Toyota Thái Lan Ninnart Chaithirapinyo dẫn đầu sẽ thực hiện kế hoạch này nếu được Chính phủ Thái Lan chấp thuận. Ông Ninnart cho rằng hệ thống thoát nước ở đông Bangkok đang hoạt động không hết năng suất. Các con đường đã chặn hết đường chảy của nước về nơi lắp đặt các máy bơm nước. Các kỹ sư sẽ đào kênh cắt ngang mặt năm con đường, mỗi con kênh rộng 5-6m để giải thoát khoảng 60 triệu m3 nước mỗi ngày.

MỸ LOAN

Lời thảng thốt của ông Praden có thể gặp không chỉ trên các trục lộ chính về phía nam và đông bắc nước Thái, nơi người dân lái xe thành từng đoàn nối nhau tháo chạy, mà sáng qua trên nhiều đường phố ở các quận bị ngập tại Bangkok, quân đội cũng tiếp tục giúp những người có nhu cầu rời khỏi nơi mình sinh sống bằng các xe Dodge trung chuyển.

Đó không phải là một cuộc di tản tự phát mà từ tối 26-10, khi lũ mới uy hiếp 11 quận của Bangkok, chính Thị trưởng Bangkok Sumkhumbhand Paribatra đã lên truyền hình khuyên người dân bằng mọi cách hãy tự di tản vì nước lũ đã vượt mức kiểm soát. Lời tuyên bố trên truyền hình của ông thị trưởng giống như đê bao bị bục lỗ mọt. Sự kiên nhẫn của người dân Bangkok từ đầu cơn lũ bị phá tung và chỉ ngay sáng hôm sau, các ngả đường từ Bangkok đổ về các tỉnh còn khô ráo đã đông nghẹt.

Nhưng cũng như cuộc mưu sinh hằng ngày, câu chuyện di tản của người dân Bangkok cũng có trăm đường. Ông Praden nói lý do mà người dân trong khu phố của ông di tản đến Pattaya là vì đa số họ đều giàu, nơi họ đến là các resort, khách sạn vốn dành cho khách du lịch để thuê lại và lánh nạn chờ qua cơn lũ. Những ngôi nhà giá trị lẫn xe hơi đắt tiền của họ có ngập lũ cũng không phải là vấn đề bởi tất cả đều đã được mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, không phải cuộc chạy lũ nào cũng đơn giản như ở phố Prachaeun. Phần lớn các quận bị ngập như Don Muang, Bang Phlad, Thawi Wattana... đều là những quận ven và phần đông người dân đều không mấy giàu có.

Ở sân vận động quốc gia Thái Lan - nơi tiếp nhận những người dân chạy lũ - sáng 28-10 có khoảng 2.000 người, đến buổi chiều lại tiếp tục đón thêm 500 người nữa, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em từ các gia đình nghèo bị ngập lũ. Bà Phanan Chemason (80 tuổi) vào đây được hai ngày, nhà ở quận Thawi Wattana, nói khu vực bà ở đã ngập hơn 2m nhưng không có đàn ông nào vào trại lánh nạn. Lý do là họ phải lo gom đồ đạc, những vật dụng quý giá nhất để chạy về phía nam hòng giữ lại chút tài sản gom góp.

EBzrK1Vk.jpgPhóng to
Các gian hàng sữa, mì gói, rau xanh trong siêu thị ở Bangkok gần như hết sạch - Ảnh: Thuận Thắng

Niềm tin mất dần

Trong khi không ít phụ nữ, trẻ em đang cố tìm vào các trung tâm ứng cứu lũ lụt thì cũng sáng qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp không ít phụ nữ bồng bế con cái quay ngược từ sân vận động quốc gia Thái Lan - nơi đang tiếp nhận người chạy lũ.

Cùng với con gái 8 tuổi, hai tay ôm bọc quần áo và chiếc giỏ nhựa đi ngược ra cổng, chị Suthila (40 tuổi, quê ở Ayutthaya) nói chị không còn đủ kiên nhẫn để ở lại vì nước đã mấp mé nhiều tuyến đường dẫn vào sân vận động này. Đây đã là nơi thứ tư chị Suthila tạm lánh kể từ tháng 9. Đầu tiên là ở hai trại tạm lánh tại Ayuthaya. Nhưng sau đó những khu tạm lánh này cũng bị ngập nặng và chị phải dẫn con lên Bangkok, trú tạm ở khu vực lánh nạn gần Đại học Thamasat nhưng cũng không thể yên ổn và phải tiếp tục qua sân vận động này.

“Mỗi nơi tạm lánh tôi đều được hứa sẽ an toàn nhưng nhiều lắm chỉ được 10 ngày lại phải dời chỗ khác. Tôi không còn kiên nhẫn nữa và phải dắt con về miền nam để tránh lũ” - chị Suthila nói.

Câu chuyện của chị Suthila nói thực tế chúng tôi đã được chứng kiến ngay từ lúc đến Bangkok, khi ở trung tâm ứng cứu lũ lụt tại sân bay Don Muang số người lánh nạn càng giảm dần vì nước đã tràn vào sân bay. Và các tình nguyện viên vừa phục vụ việc ăn uống cho người dân vừa tranh thủ chẻ tre, kết chai nhựa để làm bè vì không mấy ai tin Don Muang sẽ đứng vững khi nước tiếp tục dâng cao.

Chiều tối qua, khi đến phố Sanam Luang - khu phố cổ, buôn bán nhộn nhịp ngay bên cạnh cung điện hoàng gia Thái Lan, nước lũ đã chảy thành dòng như thác từ phía trong chợ, xuyên từ nhà này sang nhà kia ra phố. Đó là lần đầu tiên trong cả trăm năm, sông Chao Phraya vỡ bờ và nước tràn vào khu vực được coi như trái tim của Bangkok. Và dường như bên cạnh sự tháo chạy của những đoàn người từ Bangkok, còn có cả sự tháo chạy của niềm tin trong những người ở lại khi Bangkok đang từng giờ bị nhấn chìm trong lũ.

Câu chuyện cá voi

Để giúp người dân hiểu rõ hơn tình trạng lũ lụt tại Thái Lan, một nhóm tình nguyện viên của Đại học Chulalongkorn đã làm một phim hoạt hình có tên Câu chuyện cá voi.

Chuyện kể rằng nước lũ năm nay nặng nề hơn mọi khi. Nước từ đâu đến? Nước đến từ mưa. Với địa hình dốc của Thái Lan, nước chảy từ phía bắc về rồi ra vịnh Thái Lan. Ngày xưa, dòng nước lũ sẽ bị hút và giữ lại bởi rừng tự nhiên. Thời gian trôi qua, con người phát triển, muốn điều khiển dòng nước. Người ta xây đập ngăn nước theo ý mình. Rừng thành nhà ở, khu công nghiệp, ruộng rẫy... Từ tự nhiên, dòng lũ bị ngăn giữ bởi con người. Cho đến một ngày, con người không ngăn nổi sức nước.

Năm 2011, lượng mưa cả năm của Thái Lan không cao hơn mọi năm, nhưng vì mưa dày đặc suốt tháng 9 nên tăng rất cao, đến 10 tỉ m3, tương đương 50 triệu “cá voi xanh”. Khi cá voi sổng chuồng bơi loạn xạ, tai họa đã xảy ra. Có con chui vô nhà khiến con người phải leo lên nóc nhà. Có con phá hoại đường sá, xe cộ. Vì vậy phải “trả cá voi về biển” càng nhanh càng tốt qua ba con sông: Tha Jeen, Bang Pakong và Chao Phraya.

Nhưng con người mỗi ngày chỉ có thể thả 1 triệu con, như vậy phải mất 50 ngày. Có người hỏi nếu để Bangkok cũng ngập thì liệu có giúp cá voi bơi nhanh hơn không? Với diện tích 1.600km2, nếu Bangkok bị ngập đều ở mức 1m ngang ngực thì có thể chứa 8 triệu con, vậy tối thiểu cần 42 ngày.

Hiện giờ, chính phủ đang cố ngăn không cho nước tràn vào Bangkok trong khi chờ nước rút. Cho nên Thái Lan vẫn sẽ phải chịu cảnh lụt lội ít nhất một tháng. Mặt khác, các đê bao đang bị sức nước tấn công. Tưởng tượng sức của 50 triệu con cá voi cùng đẩy thì việc nước ngập tràn vào nội ô Bangkok là hoàn toàn có thể. Liệu đê có đủ chắc chắn không? Chừng nào không ai trả lời được, chừng ấy người Bangkok vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân.

VY HOÀN lược dịch

NGUYỄN VIỄN SỰ (từ Bangkok, Thái Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên