26/10/2011 06:53 GMT+7

Phá sông lấp... biển

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT -Những dự án lấn biển để xây khu đô thị ở Đà Nẵng đã kéo theo nhu cầu cát san lấp rất lớn. Và hằng đêm, cả trăm sà lan tỏa đi các con sông để hút trộm cát và cả đất nông nghiệp, gây ra nhiều hệ lụy.

wV56Uxbf.jpgPhóng to
Cánh đồng An Lưu đang bị sạt lở từng ngày - Ảnh: HỮU KHÁ

Nguồn cát ở các con sông như Cổ Cò, Vĩnh Điện, sông Hàn... đang là “miếng mồi ngon” của các tay thầu san lấp mặt bằng.

Náo loạn nửa đêm

Lập tổ chống khai thác cát trái phép

Ngày 24-10, UBND Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã công bố thành lập tổ kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép. Thượng tá Ngô Đình Thu - phó trưởng Công an Q.Ngũ Hành Sơn, tổ trưởng tổ kiểm tra - cho biết đợt ra quân này sẽ xử lý mạnh tay đối với tất cả phương tiện khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Theo đại úy Nguyễn Quang Đức - đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, môi trường Công an Q.Ngũ Hành Sơn, thời gian qua hoạt động khai thác cát diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi, các đối tượng liều lĩnh, manh động. Mặc dù các đơn vị chức năng của quận đã nhiều lần ra quân truy quét nhưng nạn khai thác cát trái phép vẫn tái diễn.

Để né lực lượng chống khai thác cát trộm, các sà lan hoạt động ban ngày giờ chuyển qua làm vào ban đêm. Từ 3g sáng, ở đoạn sông Vĩnh Điện chạy qua khu phố An Lưu (P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn), hàng chục chiếc sà lan cỡ lớn thả vòi rồng xuống sông đua nhau hút cát. Tiếng máy nổ gầm réo, tiếng người la ó, tàu thuyền chen nhau làm náo loạn hơn mấy kilômet đường sông.

Ở sông Cẩm Lệ, đoạn qua thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), hai đêm vừa rồi cứ đợi đến nửa khuya là có khoảng 10 sà lan đổ về đây hút đất trộm. Các chủ sà lan đào hẳn con rạch cho tàu đâm thẳng vào trong khu vực đất nông nghiệp, thả vòi rồng ngang nhiên hút đất.

Ông T. (quê ở Nam Định), chủ hai sà lan khai thác cát bán cho một dự án tại chân cầu Thuận Phước, cho biết 1m3 cát đưa về “bơm” ngay tại công trường có giá 80.000-100.000 đồng, trong khi chi phí xăng dầu, bến bãi chưa tới 20.000 đồng/m3. Thấy ngon ăn, cách đây nửa năm ông cùng mấy người bạn hùn vốn vào đây đóng hai sà lan để hút cát bán. Vậy là đội quân hút cát ở địa phương sau một thời gian bị truy quét gắt gao cũng đua nhau hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Láu, một người dân sống ở khu phố An Lưu, than thở: “Hồi trước bọn hút cát hoạt động ban ngày. 3-4 tháng nay họ chuyển sang làm vào ban đêm nên không ai ngủ được”.

Tan ruộng nát vườn

Việc khai thác cát ồ ạt làm đoạn sông chảy qua địa phận khu phố An Lưu bị sạt lở nghiêm trọng. Cánh đồng của người dân An Lưu rộng hàng trăm hecta hao mòn từng ngày do sạt lở. Ông Láu nói chỉ chưa đầy một năm nay mà diện tích đất của ông đã bị “ăn” vào gần chục mét. Không chỉ mất đất sản xuất, bờ kè được thành phố đầu tư hàng chục tỉ đồng đã bắt đầu sụt lở. Khúc sông Vĩnh Điện chảy qua cánh đồng An Lưu giờ nham nhở, đoạn lồi đoạn lõm.

Tại thôn Cẩm Nê, người dân cũng đang điêu đứng vì mất đất. Ông Hòa, một người dân ở tổ 1, bức xúc: “Đất trồng hoa màu của nhiều hộ dân sau một đêm bỗng nhiên biến mất. Ban đầu họ hút ở ngoài, còn bây giờ thì hút cả đất nông nghiệp của dân”. Theo thống kê của UBND xã Hòa Tiến, việc hút đất cát đã làm mất khoảng 6ha đất nông nghiệp của xã.

Quá bức xúc trước việc mất đất, hàng chục người dân xã Hòa Tiến đã tập trung xua đuổi các sà lan nhưng lại bị bọn hút đất trộm dùng đá, miểng chai ném trở lại. UBND xã Hòa Tiến cũng cho lực lượng xua đuổi nhiều lần nhưng sau đó đội quân hút đất tiếp tục quay lại. Ở P.Hòa Quý, tình trạng cũng tương tự. Ông Nguyễn Đức, phó chủ tịch UBND phường, thừa nhận chính quyền thỉnh thoảng có ra quân xử lý nhưng rồi mọi việc đâu lại vào đấy, hiện mỗi đêm vẫn có hàng chục sà lan khai thác cát trên đoạn sông khoảng 6km qua địa bàn phường.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên