11/10/2011 09:47 GMT+7

Hơn 82 tỉ đồng phơi sương

ĐỨC TUYÊN - QUỐC THANH
ĐỨC TUYÊN - QUỐC THANH

TT - Tỉnh Hà Tĩnh nhập dây chuyền xử lý rác của Hãng Menart (Vương quốc Bỉ) trị giá hơn 82 tỉ đồng, nhưng gần ba năm nay phải đem đi gửi tại một số lò gạch. Hệ thống dây chuyền xử lý rác đang trần mình dưới nắng mưa.

08ERcqmA.jpgPhóng to

Dây chuyền xử lý rác được tỉnh Hà Tĩnh nhập về từ ba năm nay vẫn nằm phơi mưa nắng tại các nhà máy sản xuất gạch - Ảnh: Đ.Tuyên

Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Không phù hợp thực tiễn

Dây chuyền xử lý rác để ở lò gạch

Ngày 7-10, tại Nhà máy gạch tuynen và bêtông xây dựng Vĩnh Thạch (xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà), vừa nghe chúng tôi hỏi, ông Vân - bảo vệ nhà máy - nhanh nhảu: “Mấy ngày trước, toàn bộ dây chuyền như một đống sắt để ngay giữa sân kia kìa. Nó phơi mình dưới nắng mưa cả năm nay, thấy xót cả ruột”.

Chỉ tay về phía sân gạch, bác Vân nói tiếp: “Cách đây khoảng một tuần, có mấy ông nghe đâu là người công ty công trình đô thị của tỉnh đưa xe đến chở toàn bộ dây chuyền xử lý rác về bãi rác tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên rồi. Họ phải chạy đến 15 chuyến xe tải lớn mới chở hết đống sắt ấy”.

Chúng tôi lên khu đất đồi nơi bãi rác đang được chôn lấp (thuộc thôn 4, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên - cách hồ Kẻ Gỗ hơn 1km đường chim bay) tiếp tục đi tìm dây chuyền xử lý rác. Đi sâu vào phía trong bãi đất trống chỉ thấy một cái “lều” dựng tạm, bên trong có tấm biển đề: “Nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên do Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh làm chủ đầu tư”.

Anh Dương Xuân Nghĩa, tài xế lái xe ben ủi đất lấp rác tại đây, cho biết ngày 25-9 tỉnh có xuống khởi công nhà máy xử lý rác và chế biến phân hữu cơ. “Nhưng tôi chưa thấy đem máy móc gì xuống cả. Nghe đâu toàn bộ hệ thống dây chuyền còn đang được gửi tại một lò gạch ở thị trấn Cẩm Xuyên thì phải” - anh Nghĩa nói.

UBND TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt đặt tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm. Giống như của tỉnh Hà Tĩnh, dây chuyền xử lý rác làm phân hữu cơ - phân compost của nhà máy được nhập về do Hãng Menart (Vương quốc Bỉ) sản xuất. Công suất hoạt động của nhà máy 120 tấn rác/ngày. Qua nhiều năm hoạt động, Sở Tài nguên - môi trường tỉnh Hà Nam đưa ra đánh giá: Công nghệ của dây chuyền xử lý rác này có nhược điểm là tỉ lệ rác sau khi xử lý phải đem chôn còn cao (hơn 40%), do đó tính thân thiện với môi trường của nhà máy mang lại khá thấp.

TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng nhập dây chuyền xử lý rác của Hãng Menart. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả hai dây chuyền xử lý rác của TP Quy Nhơn và Phủ Lý hiện đều không thể sản xuất phân hữu cơ - phân compost từ rác như dự kiến.

Chúng tôi điện thoại cho một cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh hỏi về tung tích của dây chuyền xử lý rác thải hiện đang ở đâu, vị này ậm ờ nói không biết. Tiếp tục tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi phát hiện toàn bộ dây chuyền xử lý rác đang được chất đống giữa sân của nhà máy gạch không nung tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên. Không khó để nhận ra nhiều thiết bị của dây chuyền xử lý rác này đã gỉ sét.

Dây chuyền xử lý rác này được tỉnh Hà Tĩnh nhập về từ năm 2008, mãi đến ngày 25-9-2011 nhà máy mới được khởi công và dự kiến tháng 2-2012 xây xong nhà máy. Tại sao đến nay nhà máy sản xuất - chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt của Hà Tĩnh mới được khởi công?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quang Đức - chủ tịch, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án - nói: “Cái này tôi không trả lời được vì công ty mới tiếp nhận dự án và làm chủ đầu tư từ tháng 5-2011”.

“Không làm được, tôi chịu trách nhiệm”

Nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt của Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư gần 157 tỉ đồng (tính tròn), riêng phần thiết bị dây chuyền xử lý rác chi hết 82 tỉ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và các khoản khác. Đây là nguồn vốn ODA vay của Vương quốc Bỉ với lãi suất ưu đãi, vốn đối ứng của ngân sách nhà nước phải bỏ ra chiếm tới 30% trên tổng mức đầu tư.

Ban đầu công suất nhà máy dự kiến chỉ đạt 120 tấn/ngày, nhưng nay được tỉnh quyết định nâng lên 200 tấn/ngày đêm.

Theo ông Lê Quang Đức, đây là dự án cấp thiết, tỉnh quyết liệt triển khai. Ông Đức tuyên bố chắc nịch: “Nhà máy sẽ xử lý được trên 90% tổng lượng rác đầu vào, nghĩa là phần rác phải đưa đi chôn lấp sau khi xử lý qua các khâu còn dưới 10%”. Ông Đức còn nhấn mạnh: “Đến lúc khánh thành nhà máy, mời các nhà báo đến tham quan, kiểm chứng. Phải đạt từ mức đó, UBND tỉnh đã phê duyệt rồi, nếu làm không được tôi chịu trách nhiệm”.

Dù ông Đức nói rất cứng rắn nhưng trong ngày khởi công xây dựng nhà máy, đại diện Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh lại tỏ ra e ngại khi phát biểu: “Chúng tôi thấy dây chuyền xử lý rác của Vương quốc Bỉ tại Hà Tĩnh giống với dây chuyền xử lý rác tại nhà máy của TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) và TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Các nhà máy này đều không tương thích với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa độ ẩm cao, đặc tính rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn nên hiệu quả chưa cao, lượng rác phải chôn lấp còn lớn”.

Hỏi về chi phí xử lý 1 tấn rác theo tổng mức đầu tư mà dự án được phê duyệt, ông Đức lại hẹn: “Nói chung, chi phí sẽ thấp hơn các nơi khác rất nhiều, ngày khánh thành sẽ báo cáo chi tiết hiệu quả nhà máy, còn bây giờ cố gắng làm đúng như dự án phê duyệt”. Ông Đức cho biết đã đi tham quan nhiều nhà máy xử lý rác nhập ngoại, nhưng không rõ ông có nhận ra một thực tế: phần lớn những nhà máy này chỉ xử lý được 40-50% lượng rác đầu vào, còn lại vẫn phải đem chôn.

ĐỨC TUYÊN - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên