Ông PHẠM QUANG TÚ - giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn phản biện xã hội (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) - nói như thế khi đề cập quyết định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản của Thủ tướng.
Lờn luậtBắt đầu tổng kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sảnTài nguyên, mạnh ai nấy đào
Phóng to |
Công nhân Công ty Đường Lâm vận hành máy lọc titan tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Hữu Thành |
Phóng to |
Phạm Quang Tú - Ảnh: V.Dũng |
Ông PHẠM QUANG TÚ nói:
- Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận ra tình trạng “láo nháo và hỗn loạn” trong khai thác khoáng sản. Trong năm 2010 đã có rất nhiều đánh giá và thảo luận về vấn đề này. Điểm chung của những đánh giá và hội thảo đó, tình trạng bát nháo trong khai thác khoáng sản đã được nhận diện. Nhưng từ đó đến nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu.
"Chúng ta cứ hi vọng rằng khi khai thác khoáng sản thì địa phương sẽ có tăng thu ngân sách, rồi ngân sách sẽ được tái đầu tư cho các công trình phúc lợi, cho người dân. Nhưng thực tế ngân sách địa phương không được nhiều, công ăn việc làm của người dân cũng chẳng được là bao vì thông thường các công ty khai khoáng có công nhân được đào tạo mang từ nơi khác đến. Nghiên cứu của Trung tâm Con người và thiên nhiên về mối quan hệ giữa khai thác khoáng sản với xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương cho thấy có những địa phương khai thác khoáng sản nhiều nhưng tốc độ xóa đói giảm nghèo lại giảm chậm. Tức là chưa có cơ sở để chứng minh khai thác khoáng sản trong thời gian qua đóng góp tốt cho xóa đói giảm nghèo, đem lại quyền lợi cho người dân" |
- Luật khoáng sản năm 2005 phân cấp mạnh cho địa phương được quyền cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, vì thế đã xảy ra tình trạng bùng nổ trong cấp phép. Chỉ trong vòng năm năm các địa phương đã cấp trên dưới 4.000 giấy phép.
Thực trạng cho thấy các nơi đều có chung một tâm lý cho rằng khai thác khoáng sản sẽ giúp địa phương tăng thu ngân sách, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỉ trọng công nghiệp. Cho nên gần như ở tất cả các địa phương, hễ cứ phát hiện thấy mỏ khoáng sản nào có thể khai thác được thì tiến hành cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp.
Luật khoáng sản sửa đổi được thông qua tháng 11-2010 và bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2011, nhưng đến nay các văn bản hướng dẫn thi hành hay chiến lược khoáng sản, quy hoạch tổng thể đều đang trong quá trình xây dựng. Một thực tế là các địa phương chờ hướng dẫn nhưng các hoạt động cấp phép vẫn tiếp tục diễn ra.
Nếu không cẩn thận, khi có các văn bản hướng dẫn, phần lớn tài nguyên dưới đất đã được cấp phép, việc chấn chỉnh lúc đó sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Theo tôi, đó chính là lý do tại sao Thủ tướng ra quyết định tạm dừng cấp phép để tiến hành đánh giá và chờ đợi các hướng dẫn mới.
* Ông nói rằng các địa phương đua nhau cấp phép khai thác khoáng sản với hi vọng tăng nguồn thu cho ngân sách. Thực tế nguồn thu này đâu có đáng kể bởi chúng ta cơ bản là xuất thô, không đem lại nhiều giá trị?
- Thực tế cho thấy khoáng sản của chúng ta chủ yếu được khai thác, sơ chế và xuất khẩu thô nên giá trị thấp, nguồn thu cho ngân sách địa phương do vậy cũng không đáng kể. Phần lớn lợi ích từ khai thác khoáng sản rơi vào tay doanh nghiệp khai thác, đồng thời để lại nhiều hậu quả lâu dài về mặt môi trường và xã hội.
Nếu tính toán một cách đầy đủ và dài hạn, nguồn thu từ khai thác khoáng sản chưa chắc đủ bù cho việc khắc phục các hậu quả để lại.
Điều đáng nói, điểm yếu của chúng ta trong thời gian qua là các cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp tốt với nhau và không kiểm soát được hoạt động khai thác khoáng sản. Chúng ta gần như khoán trắng cho doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác đến xuất khẩu.
Dù chúng ta có các hội đồng thẩm định nhưng vì nhiều lý do nên lắm khi không thể xác định được chính xác trữ lượng tài nguyên cũng như sự chính xác trong cấp phép. Cuối cùng, cơ quan quản lý nhà nước nắm đằng lưỡi, doanh nghiệp nắm đằng chuôi nên để lại nhiều bất cập.
* Đó cũng có thể do cơ quan quản lý chỉ tư duy “ăn xổi ở thì”, không nghĩ đến tương lai?
- Lấy ngành than làm ví dụ, sau bao năm khai thác than để bán ra nước ngoài, đến nay chúng ta không còn than để phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, đặc biệt là cho các nhà máy nhiệt điện. Đây có thể coi là bài học nhãn tiền về sử dụng tài nguyên quốc gia.
Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thường kêu ca lợi nhuận không đáng bao nhiêu và nếu chế biến sâu thì thậm chí lỗ, không ai làm... Ngoại trừ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN và vài doanh nghiệp khác, doanh nghiệp VN làm khoáng sản phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, rất nhiều trong số đó chuyển từ ngành khác sang nên khả năng đầu tư hạn chế và thiếu chuyên môn về khai thác khoáng sản.
Các doanh nghiệp này thường làm theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, bỏ ra một đồng vốn, muốn thu lại thật nhanh nên khai thác phải xuất bán ngay, ít doanh nghiệp nghĩ đến việc đầu tư dài hạn. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không kiên định với một chiến lược tổng thể và dài hạn của quốc gia thì sẽ bị doanh nghiệp thuyết phục để rồi đồng ý cho họ khai thác, xuất khẩu thô tài nguyên.
Tôi cũng không loại trừ những tiêu cực. Ông Trần Đình Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh, từng phát biểu trước Quốc hội cho biết có những giấy phép khai thác khoáng sản được trao tay với giá nhiều tỉ đồng ngay sau khi được cấp phép.
Điều tra xã hội học của Thanh tra Chính phủ trong khuôn khổ đối thoại phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng cho thấy các doanh nghiệp phải bỏ chi phí lót tay từ 108 triệu - 7 tỉ đồng để làm các thủ tục về cấp phép khai thác khoáng sản.
* Thủ tướng chỉ đạo dừng cấp phép khai thác khoáng sản nhưng về lâu dài chúng ta vẫn phải khai thác. Vậy bài toán cần đặt ra để tránh tình trạng bát nháo như thời gian qua là gì?
- Việc khai thác tài nguyên để làm lợi cho đất nước, để phục vụ phát triển là việc làm bình thường của mỗi quốc gia. Chúng ta không đoạn tuyệt. Nhưng phải làm gì trong bối cảnh này? Theo tôi, có năm điểm cần thực hiện cho đến khi Chính phủ chủ trương cho cấp phép trở lại.
Thứ nhất, phải đánh giá lại một cách toàn diện và khách quan thực trạng của ngành khoáng sản, đặc biệt là đánh giá xem kinh tế khoáng sản nằm ở đâu trong phát triển vừa qua của đất nước và sẽ như thế nào trong tương lai.
Thứ hai, phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh. Những doanh nghiệp nào hoạt động có hiệu quả, tuân thủ pháp luật thì tiếp tục hỗ trợ để khai thác. Doanh nghiệp nào làm không hiệu quả, gây hậu quả môi trường, làm sai luật... phải có biện pháp chấn chỉnh, thậm chí thu hồi giấy phép.
Thứ ba, cần xây dựng các văn bản dưới luật hoàn chỉnh. Hiện nay luật có rồi nhưng nghị định chưa hoàn thành, thông tư chưa có. Theo luật thì phải có chiến lược, phải có quy hoạch tổng thể về khoáng sản. Phải tập trung hoàn chỉnh những vấn đề này, sau đó mới nghĩ đến việc cấp phép khai thác trở lại.
Thứ tư, riêng về chiến lược và quy hoạch khoáng sản, tôi cho rằng chiến lược phải giúp ngành khoáng sản định vị được mình trong quy hoạch, trong định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của đất nước, trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác. Ngành khoáng sản phải chuyển đổi theo hướng hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên thô, tăng cường chế biến sâu, dự trữ tài nguyên khoáng sản cho con cháu.
Thứ năm, VN cần nghiên cứu và sớm xây dựng lộ trình tham gia Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI). Đây là sáng kiến quốc tế được thừa nhận rộng rãi và có 35 nước tham gia. Kinh nghiệm cho thấy khi tham gia thực thi EITI, nguồn thu vào ngân sách sẽ tăng lên; uy tín của quốc gia cũng tăng lên, giúp thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài và giúp doanh nghiệp VN làm khoáng sản đầu tư ra nước ngoài thuận tiện hơn.
Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản sẽ quy về một mối Đây là một trong những quy định mới trong dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật khoáng sản 2010 được Bộ Tài nguyên - môi trường soạn thảo và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. Cụ thể, theo dự thảo, việc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung trên phạm vi cả nước sẽ do Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng thực hiện. Trên cơ sở quy hoạch, Bộ Tài nguyên - môi trường quy định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm, khu vực dự trữ quốc gia, khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ và khu vực hoạt động khoáng sản. Quy hoạch khai thác khoáng sản do bộ chuyên ngành chủ trì xây dựng chỉ trong phạm vi khu vực được phép hoạt động khai thác khoáng sản. Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết kết quả tổng hợp ý kiến đóng góp tính đến cuối tuần qua có 23/27 bộ ngành đồng ý với nội dung dự thảo để trình Chính phủ thông qua và ban hành. Riêng ý kiến từ Bộ Xây dựng và Bộ Công thương cho rằng không nên xây dựng quy hoạch chung cả nước, cần giữ nguyên các quy hoạch chuyên ngành hoặc ghép thành quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản như hiện nay. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Linh Ngọc, việc xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước đã được quy định trong Luật khoáng sản được Quốc hội thông qua năm 2010. Việc thống nhất quy hoạch về một đầu mối sẽ tạo sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và hạn chế tình trạng quy hoạch manh mún giữa các địa phương và thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành, dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu và không kiểm soát được như lâu nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận