16/09/2011 06:18 GMT+7

Gắn kết để ngư dân bám biển

DUNG QUẤT
DUNG QUẤT

TT - Sáng 15-9 tại đảo Lý Sơn, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi và UBND huyện Lý Sơn đã tổ chức ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn với 428 đoàn viên từ 36 tàu (công suất 90CV trở lên) thường xuyên đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Đây là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi và của cả nước được thành lập.

Xem video do phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện
AJaOY3pG.jpgPhóng to
Đội tàu trên 90CV của đảo Lý Sơn đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa gia nhập nghiệp đoàn - Ảnh: Việt Hùng

Thành lập Chi cục Biển và hải đảo Quảng Ngãi

Ngày 15-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thành lập Chi cục Biển và hải đảo Quảng Ngãi trực thuộc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Ngãi, trụ sở đặt tại TP Quảng Ngãi. Theo đó, Chi cục Biển và hải đảo Quảng Ngãi có nhiệm vụ trợ giúp giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường và tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh như công tác đánh bắt thủy hải sản, du lịch...

Phát biểu tại lễ ra mắt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cho rằng việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn là một sự kiện quan trọng của ngư dân Lý Sơn. Từ đây, ngư dân có thể liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên biển cũng như trên bờ.

Nghiệp đoàn sẽ là nơi tiếp thu ý kiến của ngư dân để phản ánh đến các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm bám biển.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện toàn huyện có 300 tàu thuyền công suất từ 20 CV trở lên với 2.543 lao động. Các ngư dân hầu hết lao động tự do trên biển và đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro, thiên tai, các vấn đề an toàn lao động, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng chưa được đảm bảo.

Việc hình thành nghiệp đoàn nhằm tập hợp ngư dân làm việc trên tàu thành tổ chức công đoàn cơ sở để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật đến tận chủ tàu và người lao động, giúp họ hiểu biết và tự giác chấp hành.

Tổ chức này sẽ gắn kết ngư dân, tạo sức mạnh đoàn kết, liên kết cùng đánh bắt, cùng phát triển, tinh thần tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn trên biển để làm ăn, đảm bảo an toàn và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cũng theo ông Nguyên: “Trong vòng năm năm trở lại đây, Lý Sơn có trên 70 tàu cá của ngư dân bị bắt, bị tàu lạ tấn công, thiên tai phá hoại, nhiều ngư dân phải bỏ mạng ngoài biển khơi”.

Tại lễ ra mắt nghiệp đoàn, Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung đã trao tặng số tiền 2,5 tỉ đồng để xây dựng công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai tại Trường tiểu học An Hải. Một số doanh nghiệp và cá nhân trong nước đã hỗ trợ các ngư dân khó khăn trên đảo, tặng học bổng, hỗ trợ thiết bị cho nghiệp đoàn nghề cá... với tổng trị giá trên 1 tỉ đồng.

Ông Đặng Ngọc Tùng (ủy viên T.Ư Đảng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):

Ủng hộ, tạo điều kiện nhân rộng nghiệp đoàn

* Thưa ông, tại sao Lý Sơn được chọn làm mô hình nghiệp đoàn nghề cá?

Fy4ers7E.jpgPhóng to
Ông Đặng Ngọc Tùng - Ảnh: T.Minh

- Nhân dân huyện đảo Lý Sơn sinh sống chính bằng nghề đánh bắt thủy sản và trồng tỏi. Hầu như tất cả mọi thế hệ, người dân Lý Sơn đều biết đi biển, đánh bắt cá, đặc biệt ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay của người dân Lý Sơn.

Biết bao ngư dân Lý Sơn đã ra đi mãi mãi không trở về trong đội hùng binh năm xưa để khai thác và bảo vệ, gìn giữ, đo đạc ở Hoàng Sa, Trường Sa. Có thể nói, từ bao đời nay ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ao cá, là vườn rau, là thửa ruộng của bà con ngư dân đảo Lý Sơn và quần đảo Hoàng Sa là nơi che chở, bao bọc, nơi trú bão an toàn của họ đã có từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thế nhưng ngày nay, có những kẻ dùng sức mạnh đẩy đuổi ngư dân huyện đảo Lý Sơn ra khỏi ao cá, vườn rau, thửa ruộng thân thương, quen thuộc của họ. Ngư dân Lý Sơn lại đơn độc ra khơi và thường phải nhận sự thua thiệt, thường bị mất lưới, mất tàu, bị giam giữ người. Vì thế, việc có một tổ chức công đoàn như hình thức nghiệp đoàn nghề cá của những ngư dân để họ có tổ chức, sinh hoạt, bảo vệ, đùm bọc lẫn nhau nơi biển khơi, không những là bức xúc riêng của ngư dân mà còn là một yêu cầu bức thiết của công đoàn, của Nhà nước, xã hội.

* Nghiệp đoàn nghề cá có ý nghĩa thế nào với ngư dân?

- Ngư dân Lý Sơn đã tự nguyện gắn bó với nhau, đoàn kết nhau, tập hợp nhau lại thành Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn. Họ sẽ cùng nhau đi đánh bắt cá theo đội để giúp đỡ nhau trước sóng to gió lớn của biển khơi. Họ sẽ thông báo cho nhau vị trí nào có nhiều cá để cùng nhau đánh bắt, giúp nhau khi một tàu nào bị chết máy gặp nạn, bảo vệ lẫn nhau khi bị uy hiếp cướp lưới, cướp cá, thông báo cho nhau khi có thông tin đặc biệt. Họ không chỉ giúp nhau khi đi biển mà còn đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn hay đau ốm. Tôi tin rằng nghiệp đoàn sẽ hoạt động có hiệu quả lớn, giúp mỗi con tàu, mỗi ngư dân tự ra khơi.

* Trải dài đất nước ta là biển Đông, mô hình nghiệp đoàn nghề cá có thể nhân rộng ra các địa phương và chủ trương của Tổng liên đoàn Lao động VN?

- Mô hình Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn là rất hay, hoàn toàn do ngư dân tự nguyện lập nên. Nếu ngư dân các xã, huyện, tỉnh thành nào thấy hoạt động của mô hình này bổ ích và muốn thành lập thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để mô hình nhân rộng ra cả nước. Góp phần nâng cao đời sống của ngư dân, tạo điều kiện để ngư dân bám biển; góp phần gìn giữ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Tổ quốc thiêng liêng của chúng ta.

DUNG QUẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên