30/08/2011 10:56 GMT+7

"Bà hỏa" rình rập chung cư cao tầng

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TT - Vụ cháy xảy ra tại công trình tòa nhà 70 tầng Keangnam Landmark Tower ở Hà Nội ngày 27-8 khiến không ít người dân cư ngụ tại các chung cư cao tầng ở TP.HCM giật mình.

Thực tế cho thấy không ít chung cư cao tầng tại TP.HCM rất mất an toàn nếu như có cháy xảy ra.

Cháy tại tòa nhà cao nhất Việt Nam

S9c0aLMK.jpgPhóng to
Thực tập cứu hộ của lực lượng PCCC ở tòa nhà Kumho tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM có gần 350 công trình cao từ 10 tầng trở lên. Kết quả kiểm tra năm 2010 của Sở Cảnh sát PCCC cho thấy có đến hơn 60% số công trình có vi phạm an toàn về PCCC.

Nỗi lo

Chiều 29-8, chúng tôi trở lại chung cư 727 Trần Hưng Đạo (11 tầng, P.1, Q.5), nơi xảy ra vụ cháy chiều 14-3-2011. Lối thoát hiểm của chung cư này tối om, nhiều bọc nilông, giấy thải treo phất phơ trên “mạng nhện” lưới điện sinh hoạt. Ngay dưới tầng trệt, một hộp thiết bị chữa cháy bị vỡ kính, trơ ra van nước, nhưng vòi và ống dẫn nước chữa cháy đã biến mất. Các bình chữa cháy chỉ có ở tầng trệt và tầng 1, từ tầng 2 trở lên không thấy.

Bà Trần Thị Đẹp, ngụ tại căn hộ 251 tầng 2, chỉ về phía bức tường xám xịt vì khói lửa nói: “Lúc xảy ra vụ cháy hồi tháng 3, tụi tui không tìm thấy bình chữa cháy nào, bây giờ tui cũng không biết nó nằm ở đâu”. Ông Trần Văn Long, có gần 20 năm làm bảo vệ ở chung cư, cho hay: “Thiết bị như vậy là có cải thiện hơn trước lúc cháy nhiều rồi!”.

Không chỉ chung cư cũ như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, tại khu căn hộ cao cấp The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh), anh Huỳnh Công Minh (35 tuổi, ngụ tầng 3) bày tỏ lo lắng về sự an toàn cháy nổ của tòa nhà. “Điều tôi lo ngại nhất là hệ thống gas, trong khi nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá ở nhiều nơi trong tòa nhà” - anh Minh cho biết.

Cư ngụ được hai năm ở chung cư cao cấp An Lộc 2 (15 tầng, thuộc khu chung cư An Phú, Q.2), anh Trần Tuấn Anh (28 tuổi) nói hệ thống báo cháy của chung cư bị hư và báo động giả liên tục. Anh kể: “Lúc đầu người dân rất hoảng loạn, nhưng sau đó quen dần và luôn nghĩ trong đầu là báo cháy giả nên không quan tâm. Nếu không may xảy ra cháy thật thì không biết hậu quả ra sao”.

Theo anh Tuấn Anh, mỗi tầng chung cư (có 10-12 căn hộ) chỉ có hai bình chữa cháy xách tay đặt ở chân cầu thang và thi thoảng mới mở đợt diễn tập PCCC. Cùng chung nỗi lo, chị Bích Dậu (sống cùng gia đình ở chung cư cao cấp Khang Phú 13 tầng, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) phản ảnh ở chung cư này thiết bị báo cháy hay bị lỗi và báo giả liên tục nhưng không có loa nhắc nhở người dân khiến nhiều người hốt hoảng. Thực tế cách đây khoảng một năm, chung cư Khang Phú từng xảy ra vụ chập điện cháy nội thất bốc khói mù mịt nhưng may là người già và trẻ em sớm được sơ tán.

Tại chung cư Gia Phú (9 tầng, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) có đầy đủ hệ thống báo cháy lẫn vòi cứu hỏa. Nhưng anh Nguyễn Công Quang (ở tầng 4, lô B) cho biết anh đã nhiều lần thử bật hộp quẹt, thậm chí đốt giấy khói um gí sát vào bộ báo cháy mà vẫn không thấy kêu réo gì. Anh Quang liền tìm ban quản trị chung cư để báo mới hay chung cư Gia Phú đã rơi vào tình trạng “vô chủ” nhiều tháng nay vì chủ đầu tư hết trách nhiệm, còn ban quản trị đã giải tán. Một bảo vệ chung cư Gia Phú thừa nhận qua kiểm tra cách đây không lâu cho thấy chỉ có khoảng 60% thiết bị báo cháy của chung cư còn hoạt động.

B5DykV9n.jpgPhóng to
Vòi chữa cháy ở một cao ốc trên địa bàn quận 2 khi kiểm tra phát hiện không sử dụng được vì bục vỡ - Ảnh: N.Triều

Mù tịt về phòng chống cháy

Nỗi lo lớn nhất của rất nhiều cư dân ở chung cư là “mù tịt” về cách sử dụng thiết bị chữa cháy lẫn cách xử lý tình huống khi có cháy. Chị Hồng Vân, chủ số nhà D09-06 chung cư Phạm Viết Chánh (14 tầng, P.19, Q.Bình Thạnh), nói: “Tui là phụ nữ nên không quan tâm lắm, lúc nào ban quản lý chung cư có diễn tập PCCC thì ông xã đi. Tui chỉ biết chung cư có lắp đặt hệ thống chữa cháy và biết sơ sơ về lý thuyết là chữa cháy có bốn bước thôi”. Trả lời câu hỏi nếu lỡ trong nhà xảy ra cháy chị sẽ làm gì, chị Vân trả lời: “Bỏ chạy chứ sao nữa. Bình chữa cháy nặng thế sức tui mang đâu nổi”.

Tương tự, chị Ngọc Anh sống tại lầu 11 chung cư Hoàng Anh Gia Lai (25 tầng, Q.7) thừa nhận: “Đi làm riết không có thời gian quan tâm. Một năm thấy ban quản lý chung cư tổ chức một vài lần diễn tập nhưng thấy thế thôi, còn như nếu có cháy thì... bó tay chứ không biết phải chữa cháy bằng cách nào”.

Anh Dương Ngọc Dũng, ngụ số nhà 4.6 lô D chung cư Phú Mỹ Thuận (18 tầng, H.Nhà Bè), cũng nói: “Từ lúc tui chuyển đến chung cư sinh sống mới chỉ thấy một lần ban quản lý chung cư tổ chức lớp tập huấn PCCC cho người dân nhưng chẳng mấy ai đi”. Anh cho biết phần lớn kiến thức về chữa cháy anh học ở cơ quan mỗi khi có đợt diễn tập chứ ở chung cư hiếm lắm, tự bảo vệ mình là chính.

Vi phạm tràn lan

Sau nhiều sự cố xảy ra với nhà cao tầng, giữa năm 2010 Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã mở chuyên đề tổng kiểm tra toàn bộ nhà cao tầng trên địa bàn TP. Theo phân loại, nhà có từ năm tầng trở lên được xếp vào nhóm nhà cao tầng và bắt buộc phải có thiết kế đảm bảo các quy chuẩn PCCC. Riêng những công trình có từ 10 tầng trở lên được xếp vào nhóm nhà nhiều tầng.

Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC cho thấy năm 2010 toàn TP có 1.079 nhà cao từ năm tầng trở lên, bao gồm 336 tòa nhà cao từ 10 tầng. Qua kiểm tra, hầu như công trình nào cũng có vi phạm về an toàn PCCC, trong đó có đến 638 công trình vi phạm tới mức phải lập biên bản xử lý, yêu cầu khắc phục.

Tuy nhiên, theo kết quả phúc tra của Sở Cảnh sát PCCC, đến cuối năm 2010 vẫn còn hàng loạt công trình với những lỗi vi phạm chưa được khắc phục. Trong đó vi phạm về thẩm duyệt thiết kế PCCC là cơ bản và tập trung ở khu vực Q.1 (81 trường hợp).

Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư không chú trọng đến công tác PCCC, dẫn đến tình trạng phương tiện, hệ thống PCCC tại chỗ không có (chung cư 300 Bến Chương Dương, chung cư 60 Nguyễn Trãi, chung cư 45-47 Nguyễn Thái Bình...) hoặc trang bị thiếu, không đồng bộ (chung cư Hùng Vương, chung cư Phan Văn Trị - Q.5, chung cư Bình Đăng - Q.8...).

Đó là chưa kể các chung cư mới xây dựng và đưa vào khai thác không lâu nhưng hệ thống và phương tiện PCCC xuống cấp, hư hỏng do không được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ (chung cư cao cấp Mỹ Vinh - Q.3, cao ốc căn hộ Thảo Điền - Q.2, chung cư cao cấp Hoàng Anh 1, Park View, Garden Plaza 2 - Q.7).

Ngoài ra, Sở Cảnh sát PCCC còn cho rằng các chung cư, nhà tập thể cao tầng thường sử dụng tầng hầm làm nơi giữ xe với lượng xe rất nhiều, đồng thời bố trí nơi ở cho nhân viên giữ xe ngay trong hầm và kèm theo đó là các sinh hoạt nấu nướng, thắp nhang nên nguy cơ cháy nổ luôn thường trực.

Nhiều nơi còn bố trí giữ xe trong đường nội bộ, xung quanh công trình, làm giảm khoảng cách an toàn, lấn chiếm lối thoát nạn, cản trở hoạt động của xe chữa cháy (chung cư 242 Phan Văn Khỏe - Q.6, chung cư Bình Trưng Đông - Q.2, chung cư 100 Cô Giang - Q.1...). Bên cạnh đó, những lỗi vi phạm như trang bị hệ thống điện không an toàn, đặt đường dây điện hoặc thiết bị sử dụng điện tại các vị trí không được phép... cũng xảy ra ở nhiều nơi.

Các vụ cháy nhà cao tầng

* Ngày 27-8-2011: Cháy tầng 7 tòa nhà Keangnam Landmark Tower (cao 70 tầng, đường Phạm Hùng, Q.Cầu Giấy, TP Hà Nội). Cũng tại cao ốc này từng xảy ra hai vụ cháy trong năm 2010 gây thiệt hại một số vật tư, thiết bị.

* Ngày 15-2-2011: Cháy tầng 14 cao ốc Golden Tower (cao 16 tầng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) làm chi nhánh Ngân hàng Techcombank TP.HCM và văn phòng của nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động.

* Ngày 10-3-2010: Cháy tại tòa nhà chung cư văn phòng 18 tầng JSC3 (ngõ 164 Khuất Duy Tiến, Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội) làm hai người thiệt mạng và bốn người bị thương nặng.

* Ngày 25-4-2009: Cháy tại tòa nhà Kumho Asiana Plaza (39 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM) cao 32 tầng đang trong quá trình hoàn thiện.

* Ngày 27-3-2007: Cháy tại cao ốc 33 tầng Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM.

* Ngày 27-10-2004: Cháy tại cao ốc 20 tầng Diamond Plaza trên đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM. Cùng lúc xảy ra vụ cháy tại Diamond Plaza, một vụ hỏa hoạn cũng bùng phát tại tầng 15 chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh), rất may lực lượng tại chỗ dập tắt kịp thời.

Hà Nội: hàng loạt chung cư không an toàn về PCCC

Hà Nội hiện có 364 nhà cao trên 10 tầng, hàng trăm công trình có tầng ngầm để xe. Dự báo chung cho thấy nguy cơ cháy nổ tại Hà Nội rất lớn.

Năm 2010, Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội (tiền thân của Sở Cảnh sát PCCC) phối hợp với các sở Xây dựng, Quy hoạch - kiến trúc, Kế hoạch - đầu tư và UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra 368 nhà chung cư từ 7 tầng trở lên, trong đó 80 nhà từ 7-9 tầng và 288 nhà trên 10 tầng, qua đó xác định có 1.200 lỗi về an toàn PCCC.

Trong các nhà cao tầng này chỉ 22 nhà có đèn chiếu sáng sự cố, 21 nhà có đèn chỉ dẫn thoát nạn nhưng hoạt động không đảm bảo, 178 nhà có hệ thống thu rác nhưng chỉ có 70 nhà đảm bảo yêu cầu về PCCC. Đối với quy định về bể nước cứu hỏa để xe chữa cháy có thể hút nước thì chỉ có 119 nhà có bể nước có thể sử dụng cho cứu hỏa.

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội ở thời điểm năm 2010, kết quả kiểm tra cho thấy tại các chung cư đều chưa xây dựng phương án chữa cháy, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra.

Về hồ sơ quản lý công tác PCCC, các chủ đầu tư có biểu hiện thiếu trách nhiệm, chưa phân công cán bộ chuyên trách lưu giữ hồ sơ, không bổ sung, cập nhật thường xuyên theo quy định.

Hệ thống thang máy của các chung cư chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện đại như khi xảy ra cháy có thể dừng lại ngay hoặc chỉ chạy tới tầng gần nhất, điều này khó đảm bảo khả năng thoát nạn của người bên trong. Kết thúc đợt kiểm tra này mới chỉ có 172 nhà chung cư cao tầng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC.

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên