Phóng to |
- Qua kết quả thanh tra, kiểm tra thời gian qua, chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật, tình trạng gây ô nhiễm môi trường và vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn diễn ra.
Để giải quyết tình trạng này, chúng ta cần phải xem xét gốc rễ của vấn đề. Suy cho cùng, mục đích chính của doanh nghiệp là lợi nhuận nên muốn doanh nghiệp có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, điều cần thiết là phải làm sao để doanh nghiệp nhận thấy rằng nếu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bản thân doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.
Vì vậy, bên cạnh các biện pháp hành chính, các chế tài tài chính thông qua hình thức thu phí, thuế bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xử lý môi trường (về vốn, công nghệ xử lý chất thải...)... cần được nghiên cứu để có thể áp dụng một cách hiệu quả.
Đồng thời, công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý môi trường cho các doanh nghiệp, những người sẽ trực tiếp thực hiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường cấp cơ sở, cần được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng trong thời gian tới.
"Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các điểm nóng về ô nhiễm môi trường công nghiệp" Ông Bùi Cách Tuyến |
- Thứ nhất, do ý thức kém, trách nhiệm kém đối với cộng đồng và xã hội của các doanh nghiệp. Vì mục tiêu tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng lợi ích nên họ sẵn sàng bất chấp sức khỏe và những lợi ích của cộng đồng bằng những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ở một góc độ nào đó, đây cũng chính là những hành vi “thâm lạm” khi anh buộc người khác phải hi sinh lợi ích để giành lấy lợi ích trước mắt của bản thân anh. Thứ hai, do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kém, họ buộc phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, kể cả việc vi phạm các quy định của pháp luật. Sớm muộn gì những doanh nghiệp như vậy cũng sẽ bị đào thải.
* Có nguyên nhân do pháp luật chưa nghiêm?
- Tôi cho rằng các chế tài xử lý hiện nay đã đủ mạnh, có tính răn đe. Tuy nhiên, để tính răn đe đó phát huy được hiệu quả, cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền. Phải làm sao để các doanh nghiệp vi phạm thấy được những chế tài, hậu quả họ sẽ phải gánh chịu để từ đó chủ động thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi.
* Liệu có phải các quy định hiện nay còn bất cập?
- Việc gần đây nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường liên tục bị phát hiện, tôi nhìn nhận vấn đề này ở một khía cạnh khác. Đây không phải là những hành vi mới phát sinh trong thời gian vừa qua, nó đang diễn ra và được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi. Cần thấy rằng để phát hiện được hành vi tinh vi như vậy, không phải là kết quả của một hoặc hai đợt kiểm tra, thanh tra mà là sự tổng hợp của cả một quá trình: từ những thông tin dấu hiệu nghi vấn đầu tiên được phát hiện, đến việc theo dõi, giám sát và cuối cùng là bắt quả tang.
Có thể trong thời gian tới sẽ còn có những hành vi tương tự bị phát hiện. Nhưng đó là tín hiệu tích cực cho thấy sẽ không có hành vi vi phạm pháp luật nào có thể núp mãi được ở trong bóng tối. Rồi những hành vi đó cũng sẽ bị phát hiện và bị xử lý nghiêm minh. Phải chấp nhận chịu đau để sau đó ta sẽ có một cơ thể khỏe mạnh.
* Thưa ông, thời gian tới sẽ có những biện pháp mạnh nào để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường?
- Hành lang pháp lý cơ bản có đủ. Luật bảo vệ môi trường 2005 quy định các hình thức xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: tạm đình chỉ hoạt động, buộc di dời ra khỏi khu dân cư và cao nhất là cấm hoạt động. Chính phủ cũng ban hành nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đã có những quy định hết sức cụ thể về thẩm quyền, hình thức xử lý và các biện pháp cưỡng chế đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong Bộ luật hình sự sẽ sửa đổi một số nội dung sớm đưa vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vào áp dụng trong thực tiễn. Có thể nói đây là những biện pháp chế tài khá mạnh và kiên quyết, chắc chắn trong thời gian tới việc xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường sẽ có những chuyển biến tích cực.
_______________________
Công tác quản lý còn bị coi nhẹ
Phóng to |
TS Trịnh Văn Tuyên |
- Mỗi khi đọc báo thấy tin phát hiện một doanh nghiệp, một khu công nghiệp xả thải trộm ra môi trường, những người làm chuyên môn chúng tôi cảm thấy rất bức xúc. Trước đây, do mục tiêu phát triển kinh tế, các dự án sản xuất ít quan tâm đến việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến nay các dự án sản xuất đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng công tác quản lý vẫn còn bị coi nhẹ.
* Thưa ông, Công ty Sonadezi bị phát hiện xả thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường đã lý giải chỉ có chỉ tiêu màu chưa đạt và điều này đã được Bộ Tài nguyên - môi trường cho phép. Như vậy liệu có thuyết phục?
- Thứ nhất, về chuyên môn, màu của nước thải là do những chất ô nhiễm ở trong tạo nên, chỉ tiêu về màu không đạt, chắc chắn các chỉ tiêu khác cũng không đạt. Họ biện luận như vậy là không đúng. Thứ hai, anh không đạt chỉ tiêu về màu nhưng nếu ý thức bảo vệ môi trường tốt thì phải báo cáo cơ quan chức năng, đưa ra phương án cải tạo, nâng cấp và cơ quan chức năng phải kiểm định công nghệ để làm sao sau khi cải tạo phải đạt được. Thứ ba, tôi không đồng tình với cấp quản lý khi cho phép xả thải trong khi các tiêu chuẩn nước đầu ra không đạt. Như thế là hoàn toàn sai. Anh chỉ được cho phép xả thải khi chất lượng nước thải đạt yêu cầu. Phát biểu trên báo Tuổi Trẻ, một vị lãnh đạo bảo không cho phép người ta vẫn xả. Chưa đạt tiêu chuẩn không thể cho phép xả được, chưa đủ điều kiện làm sao cho phép được?
"Tại các trạm xử lý tập trung, số nước thải phải xử lý mỗi ngày lên đến hàng nghìn mét khối với chi phí xử lý 3.000-4.000 đồng/m3. Vì thế họ sẵn sàng xả trộm" TS Trịnh Văn Tuyên |
- Về khía cạnh kỹ thuật, tôi thấy tiêu chuẩn xả thải đối với một số ngành đặc thù có lẽ chúng ta cần xem xét lại để làm sao cho doanh nghiệp có thể đạt được. Nhưng với trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung, không có lý do gì không xử lý được, không thể biện luận là tiêu chuẩn quá cao.
* Theo ông, việc áp dụng một dây chuyền xử lý nước thải có tốn kém quá không?
- Chúng tôi biết suất đầu tư cho một trạm xử lý nước thải, nếu là công nghệ của VN, giá chấp nhận được, hoàn toàn không cao. Viện Công nghệ môi trường từng chuyển giao công nghệ cho nhiều địa phương như lò đốt chất thải y tế, trạm xử lý chất thải y tế, hệ thống xử lý nước thải cho các nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy sữa, nhà máy bia, nhà máy lắp ráp ôtô, xe máy... Với doanh nghiệp lớn, có lợi nhuận cao, họ có thể đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhập từ nước ngoài và sản xuất của họ vẫn đáp ứng được yêu cầu, nên không có lý do nào để nói vốn đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải cao.
Tất nhiên khi đã đầu tư một công nghệ xử lý nước thải sẽ kéo theo chi phí vận hành. Nhưng có những công nghệ xử lý chi phí rất rẻ, phù hợp với địa phương có đất đai như công nghệ cánh đồng tưới, cánh đồng lọc hay dùng những động vật thủy sinh chi phí rất rẻ. Nếu có ý thức bảo vệ môi trường, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tìm được công nghệ xử lý phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận