* Giới thiệu nhân sự chủ tịch nước
Phóng to |
Ông Nguyễn Sinh Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân bên hành lang QH, ngay sau khi QH nghe tờ trình đề cử nhân sự Ủy ban Thường vụ QH - Ảnh: Việt Dũng |
Cụ thể các gương mặt mới được đề cử lần này gồm bà Nguyễn Thị Nương và các ông Nguyễn Hạnh Phúc, Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Văn Giàu, Trần Văn Hằng, Bùi Văn Cường, Nguyễn Kim Khoa, Phan Xuân Dũng, Phan Trung Lý.
Ngay sau khi nghe Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH khóa XII trình bày tờ trình danh sách đề cử nhân sự Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII, các đoàn đại biểu QH đã họp để trao đổi về dự kiến này vào cuối phiên làm việc buổi chiều.
Được biết, một số đoàn đại biểu QH cơ bản nhất trí cao với tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH và không giới thiệu thêm ứng cử viên. Ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cho biết bên cạnh trao đổi tại đoàn, các đại biểu QH sẽ được phát phiếu thăm dò. Phiếu thăm dò này có hai cột để trống (đồng ý và không đồng ý) ghi tên kèm chức danh từng ứng cử viên để đại biểu QH thể hiện chính kiến của mình vào cột đồng ý hoặc không đồng ý. Ngoài ra, phiếu thăm dò có mục “ý kiến khác” để đại biểu QH có quyền đề cử thêm hoặc tự ứng cử.
QH đã biểu quyết với 494/494 đại biểu có mặt đồng ý phương án có bốn phó chủ tịch QH và tổng số 18 ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII (không thay đổi so với QH khóa XII).
Chiều nay (23-7), QH bỏ phiếu bầu chủ tịch QH, phó chủ tịch QH và các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII. Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH khóa XII tuyên bố kết thúc nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ QH. Chủ tịch QH khóa XIII thay mặt Ủy ban Thường vụ QH phát biểu nhậm chức và điều khiển các phiên họp tiếp theo.
Phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ QH mới chính là phiên chuẩn bị giới thiệu danh sách đề cử để QH bầu chủ tịch nước. Ứng cử viên cho vị trí này sẽ được chủ tịch QH thay mặt Ủy ban Thường vụ QH trình QH ngay trong phiên họp toàn thể chiều nay.
”Chủ tịch Quốc hội phải đặt lợi ích của dân lên đầu”
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-7, nguyên phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân nói: - Tôi nghĩ QH khóa XIII có những thuận lợi nhưng khó khăn nhiều hơn. Báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về kinh tế - xã hội cho thấy lạm phát lại tăng. Tôi đề nghị vấn đề ngân sách QH phải làm rất kỹ trước khi quyết. Nhưng tôi theo dõi QH khóa XI, XII thấy thảo luận về ngân sách chỉ một buổi hoặc một ngày. Ngân sách là cả một rừng con số, một rừng nhu cầu và quan điểm chi tiêu chứ không đơn giản được. * Với công tác nhân sự, cách lâu nay vẫn làm là người có thẩm quyền đề cử sẽ trình QH theo phương án trung ương giới thiệu trước đó và ra QH đại biểu có quyền giới thiệu thêm. Tuy nhiên, những người được giới thiệu thêm thường là đảng viên và thường xin rút. Theo kinh nghiệm của ông, giải quyết vấn đề này thế nào cho hài hòa? - Trước đây những người được giới thiệu thêm thường chủ tịch QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH đưa ra để toàn thể QH quyết. Chẳng hạn như khi QH khóa VIII bầu chủ tịch Hội đồng bộ trưởng thì Bộ Chính trị chỉ giới thiệu ông Đỗ Mười, thế nhưng nhiều đoàn đại biểu QH phía Nam giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt xin rút vì không được Bộ Chính trị giới thiệu. Nhưng lúc ấy tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ đạo và QH cũng đề nghị để cả hai ứng cử viên để bầu. Hay một ví dụ khác là QH bầu chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách, trung ương giới thiệu ông Trần Tấn - chủ tịch Hà Nội - ra QH thì các đại biểu QH giới thiệu thêm rất nhiều người, trong đó có ông Nguyễn Hòa và tôi, QH chốt lại để hai người là ông Tấn và ông Hòa để bầu. Khi bầu thì QH bầu lần thứ nhất không được, bầu lần thứ hai cũng không được. Sau đó QH giao Hội đồng nhà nước chỉ định ông Nguyễn Hòa làm quyền chủ nhiệm ủy ban. Đến khóa X, khi bầu chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, người được trung ương giới thiệu là anh Vũ Đức Khiển, khi ra QH thì luật sư Ngô Bá Thành tự ứng cử. Chị Thành khi tự ứng cử có nói rằng: “Tôi đứng ra tự ứng cử để mọi người biết QH ta là dân chủ” (kết quả ông Khiển trúng cử). Như vậy, nếu QH kế thừa những kinh nghiệm đã có trước đây, các đại biểu vẫn có quyền giới thiệu ứng cử viên và QH không đồng ý cho rút lui thì kết quả là vẫn có số dư để bầu. * Có người đặt vấn đề tại sao không giới thiệu hơn một người để QH bầu lấy một? - Trung ương chỉ chốt một người chứ không chốt hai người được, đây là biểu hiện sự thống nhất trong giới thiệu của Đảng. Đại biểu QH giới thiệu thêm là chuyện bình thường. Đại biểu cũng hoàn toàn có thể giới thiệu người ngoài Đảng. Luật sư Ngô Bá Thành trước đây làm chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (khóa VIII) cũng không phải là đảng viên. * Nhiều ý kiến đề nghị rằng đối với các vị trí chủ chốt, trước khi QH bầu thì các ứng cử viên cần thuyết trình chương trình hành động của mình để đại biểu QH có thêm dữ liệu trước khi bỏ phiếu và để giám sát người đó trong quá trình công tác. Ý kiến của ông thế nào? - Thay đổi được như vậy thì rất tốt, nhưng chưa thấy có tiền lệ. Nếu QH kỳ này làm được thì tốt quá. Nhưng có lẽ kỳ này vẫn là bầu xong rồi phát biểu nhậm chức. Một số ý kiến đề nghị người trúng cử nên có tuyên thệ, vì tuyên thệ thì ý nghĩa ràng buộc mạnh hơn, tôi cũng cho là nên như vậy. * Riêng vị trí chủ tịch QH, ông đặt kỳ vọng gì? - Điều cơ bản của chủ tịch QH là phải kế thừa và phát huy được kinh nghiệm của các khóa trước, đảm bảo cho QH thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi mong chủ tịch QH trước hết phải đặt lợi ích của dân lên đầu. QH có triệt để chống tham nhũng hay không. Chúng ta đã có luật, nhưng chống tham nhũng không chỉ bằng luật mà là con người, phải nghiêm khắc từ trên. Vấn đề lớn nữa là khắc phục tính quan liêu, xa dân của bộ máy, hiện nay tình trạng này ngày càng phổ biến. Bệnh phô trương, hình thức, lãng phí của mình nhiều vô kể. * Ông nghĩ sao về vai trò của QH trong việc giám sát bộ máy, nhất là với những chức danh QH bầu hoặc phê chuẩn, liệu có lo ngại tình trạng giám sát và kỷ luật nhiều quá thì không có người làm việc? - Làm gì đến mức không có người làm việc. Chẳng lẽ bộ máy tham nhũng cả nên kỷ luật thì hết người làm việc. Tôi cho rằng có những chỗ QH không sử dụng hết quyền lực của mình. Chẳng hạn luật quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng nhiều năm qua QH không thực hiện được, vì có những quy định không khả thi (bảo chờ đủ 20% số đại biểu QH đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người nào đó mới đưa ra làm thì rất khó). Anh Phạm Thế Duyệt (nguyên ủy viên thường vụ - thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN - PV) từng đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ, phải sửa quy định bất hợp lý đó, nhưng vẫn chưa thấy sửa. Tôi nghĩ QH cần làm cho quy định này mang tính khả thi. Danh sách nhân sự được giới thiệu ứng cử vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII 1. Chủ tịch QH: Nguyễn Sinh Hùng, 65 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực Chính phủ, ĐBQH Hà Tĩnh. 2. Phó chủ tịch QH: Tòng Thị Phóng, 57 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Đảng đoàn QH, phó chủ tịch QH khóa XII, ĐBQH Đắk Lắk. 3. Phó chủ tịch QH: Nguyễn Thị Kim Ngân, 57 tuổi, bí thư Trung ương Đảng, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, ĐBQH Bến Tre. 4. Phó chủ tịch QH: Uông Chu Lưu, 56 tuổi, ủy viên Trung ương Đảng (UVTƯĐ), phó chủ tịch QH khóa XII, ĐBQH Thanh Hóa. 5. Phó chủ tịch QH: Huỳnh Ngọc Sơn, 60 tuổi, UVTƯĐ, phó chủ tịch QH khóa XII, trung tướng, ĐBQH Đà Nẵng. 6. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Ksor Phước, 57 tuổi, UVTƯĐ, chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XII, ĐBQH Gia Lai. 7. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách: Phùng Quốc Hiển, 53 tuổi, UVTƯĐ, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách khóa XII, ĐBQH Yên Bái. 8. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội: Trương Thị Mai, 53 tuổi, UVTƯĐ, chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội khóa XII, ĐBQH Lâm Đồng. 9. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: Đào Trọng Thi, 60 tuổi, UVTƯĐ, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng khóa XII, ĐBQH Hà Nội. 10. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Nguyễn Văn Hiện, 57 tuổi, phó chủ tịch Hội Luật gia VN, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, ĐBQH Sơn La. 11. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh: Nguyễn Kim Khoa, 56 tuổi, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh khóa XII, thiếu tướng, ĐBQH Phú Thọ. 12. Chủ nhiệm Văn phòng QH: Nguyễn Hạnh Phúc, 52 tuổi, UVTƯĐ, bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ĐBQH Thái Bình. 13. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Nguyễn Văn Giàu, 54 tuổi, UVTƯĐ, thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, ĐBQH An Giang. 14. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: Trần Văn Hằng, 58 tuổi, UVTƯĐ, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, ĐBQH Nghệ An. 15. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường: Phan Xuân Dũng, 51 tuổi, UVTƯĐ, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường khóa XII, ĐBQH Ninh Thuận. 16. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Phan Trung Lý, 57 tuổi, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XII, ĐBQH Nghệ An. 17. Trưởng Ban công tác đại biểu: Nguyễn Thị Nương, 56 tuổi, UVTƯĐ, phó trưởng Ban Dân vận trung ương, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH khóa XII, ĐBQH Cao Bằng. 18. Trưởng Ban Dân nguyện: Bùi Văn Cường, 46 tuổi, ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ĐBQH Gia Lai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận