Ngay sau những lời hay chữ đẹp đó, các tàu Trung Quốc lại tiến hành cản trở và phá hoại tàu khảo sát địa chấn Viking 2 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Phóng to |
Những hành động của Trung Quốc vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa - Đồ họa: VĨ CƯỜNG Để hiểu sự kiện Bình Minh 02 và sự kiện Viking 2 có thể xem bản đồ. Bờ biển và vị trí các đảo trong bản đồ này được kết hợp từ hai cơ sở dữ liệu World Data Bank II của CIA và World Vector Shoreline của cơ quan bản đồ quốc phòng Mỹ, độ chính xác rất cao. Sự kiện Bình Minh 02 xảy ra tại điểm X trên bản đồ, tọa độ 12O48‘25‘‘ Bắc, 111O26‘48‘‘ Đông. Sự kiện Viking 2 xảy ra tại điểm Y trên bản đồ, tọa độ 6O47‘30‘‘ Bắc, 109O17‘30‘‘ Đông. Các chấm tròn là lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Đường màu xám bao quanh hai quần đảo là đường cách đều hai quần đảo này và các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Đường màu đỏ từ cửa vịnh Bắc bộ ra đến quần đảo Hoàng Sa là đường cách đều Việt Nam - Hải Nam không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường màu đỏ từ quần đảo Hoàng Sa đi xuống phía nam là đường 200 hải lý tính từ bờ biển đất liền Việt Nam. Điểm X và điểm Y nằm cách xa các chấm tròn này, chiếu theo luật quốc tế chúng sẽ không nằm trong vùng biển thuộc hai quần đảo này, tức là không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Như vậy, việc tàu Trung Quốc uy hiếp và phá hoại tàu Bình Minh 02 và Viking 2 là những hành vi bành trướng vùng tranh chấp một cách vô cớ ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Các tuyên bố tiếp nối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện Bình Minh 02 cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua sự công bằng, lẽ phải và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi sự bành trướng đó. |
Một chính sách có hệ thống
Điều cần nhấn mạnh là hai sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2 không phải là những sự kiện đơn lẻ mà là những bước trong một chính sách có hệ thống của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang “cấm đánh cá” trong vùng biển phía bắc 12O Bắc và phía tây 113O Đông. Vùng biển này bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Việt Nam không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Điều đáng chú ý về vùng “cấm đánh cá” này là Trung Quốc đã thiết kế nó sao cho xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, và không xâm phạm vùng bên ngoài 200 hải lý, nơi cả thế giới có quyền đánh bắt.
Có thể thấy trên bản đồ rằng hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch (được đánh dấu bằng ký hiệu M và H) không liên quan với tranh chấp Trường Sa. Hai vùng này cũng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Thế nhưng, năm 2007 Trung Quốc đã ép Hãng BP rút ra khỏi hợp tác với Việt Nam trong hai vùng này.
Trước đó, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với Công ty Mỹ Crestone trong vùng Tư Chính. Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc khảo sát. Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế thì vùng Tư Chính không nằm trong tranh chấp Trường Sa.
Những điều trên thể hiện một chính sách có hệ thống của Trung Quốc để mở rộng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn biển Đông.
Có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách gây ra những sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2, thậm chí những sự kiện còn nghiêm trọng hơn.
Sự xâm phạm phải bị trả giá
Trước mắt, Việt Nam phải không nhượng bộ về những sự kiện này. Nếu nhượng bộ, các công ty dầu khí nước ngoài sẽ không còn dám hợp tác với Việt Nam, ngay cả các vùng biển của Việt Nam không thuộc tranh chấp cũng sẽ rơi vào tay Trung Quốc.
Về lâu dài, Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy rõ yêu sách của Việt Nam và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.
Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.
Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh 02, Viking 2, nếu các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn chỉ có Việt Nam lên án.
Trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lĩnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn. Để thực hiện điều này, không có cách nào khác hơn là mỗi cơ quan nhà nước có chức năng, mỗi người Việt có khả năng phải tích cực làm cho thế giới thấy rõ “hình ảnh xứng đáng” của Trung Quốc.
Những hành động xâm phạm ngày càng leo thang của Trung Quốc đã chứng minh rằng không thể sống cạnh một nước vừa lớn, vừa muốn bành trướng, bằng cách phản đối song phương mỗi khi họ xâm phạm chúng ta. Đã đến lúc Việt Nam phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc.
Việt Nam có thể đề nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế. Nếu chúng ta không phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc, thì đến lúc cần sẽ khó thuyết phục Đại hội đồng rằng ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế là cần thiết. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc tất cả các hành động xâm phạm của Trung Quốc.
........................................
Tiếp theo, sáng 9-6-2011, một vụ việc tương tự lại xảy ra, tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của tàu ngư chính cỡ lớn đã tiến hành các hoạt động phá hoại tuyến cáp thăm dò của tàu Viking 2 đang tiến hành thu nổ địa chấn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN.
VN phản đối mạnh mẽ những hành động này. Những vụ việc nêu trên càng làm cho tình hình biển Đông thêm bất ổn định, tìm cách biến khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thành “khu vực có tranh chấp”, gây quan ngại không chỉ cho các quốc gia liên quan mà còn cho tất cả các nước cũng như cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực nói chung. VN khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia, kiên quyết yêu cầu không để tái diễn những vụ việc như nêu trên, đồng thời chủ trương tiếp tục đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Điều thiết yếu là phải tăng cường hơn nữa các thiết chế luật pháp ở khu vực; tất cả các bên phải nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Đây là điều có ý nghĩa quyết định đối với hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
Trước đó, khoảng 20g30-21g tối 9-6, trang Petrotimes.vn đã bị tin tặc tấn công. Vào thời điểm này, khi truy cập vào website luôn nhận được các thông báo lỗi không thể truy cập được hoặc báo không có dữ liệu. Đến ngày 10-6, trang web này vẫn còn phải chỉnh sửa nhưng không bị mất dữ liệu, cơ bản đảm bảo thông tin đến bạn đọc.
Trang điện tử Petrotimes.vn của báo Năng Lượng Mới (thuộc Hội Dầu khí VN) là nơi đăng tải bài viết, hình ảnh và clip về việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 vào ngày 9-6. Những hình ảnh đăng tải trên Petrotimes.vn cho thấy tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN và cắt cáp của tàu Viking 2, là những bằng chứng sống động về hành vi phá hoại này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận