Phản đối tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt NamTàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam
Phóng to |
Vi phạm cả Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốcvà Tuyên bố DOC
Với hành động này, Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, trước tiên là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (viết tắt là UNCLOS).
Vùng mà tàu Bình Minh 02 thực hiện hoạt động thăm dò khai thác dầu khí là vùng thuộc thềm lục địa của Việt Nam, vì vậy Việt Nam hoàn toàn có quyền thăm dò khai thác dầu khí (tài nguyên không sinh vật) theo đúng tinh thần của UNCLOS quy định về quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa.
Hành động của Trung Quốc như vậy là đã vi phạm điều 279 UNCLOS. Điều này quy định: “Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các phương pháp hòa bình theo đúng điều 2 khoản 3 của hiến chương Liên Hiệp Quốc và, vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở điều 33 khoản 1 của hiến chương”.
Tiếp theo nữa là Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) do Trung Quốc và ASEAN ký kết năm 2002. DOC 2002 đã quy định các bên tranh chấp phải hết sức kiềm chế và phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có cả UNCLOS.
Như vậy, hành động cắt cáp của tàu hải giám Trung Quốc đối với tàu Bình Minh 02 đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và DOC mà Trung Quốc đều là thành viên, nên có nghĩa vụ phải tuân thủ.
Phóng to |
Tàu hải giám Trung Quốc tiến về phía tàu Bình Minh 02 - Ảnh do PTSC G&S cung cấp |
Có thể kiện
Trên thế giới đã có vụ Tập đoàn CGX năm 2000 tương tự vụ Bình Minh 02 này. Diễn biến vụ việc như sau:
Guyana và Suriname là hai quốc gia nhỏ bé Nam Mỹ bên bờ Đại Tây Dương. Do là hai quốc gia liền kề nên vùng biển, kể cả thềm lục địa, mà Guyana và Suriname được hưởng theo quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển 1982) chồng lấn lên nhau và cần phải phân định. Hai bên tuy chưa tiến hành phân định biên giới biển nhưng đều cho phép các công ty dầu khí nước ngoài tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng biển chồng lấn.
Trong số các nhà thầu của Guyana có Tập đoàn CGX của Canada bắt đầu tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực tranh chấp từ năm 1999. Tháng 5-2000, Suriname yêu cầu Guyana chấm dứt toàn bộ các hoạt động thăm dò tại khu vực tranh chấp.
Đỉnh điểm của tranh cãi giữa hai bên là sự việc diễn ra ngày 3-6-2000 khi hai tàu hải giám của lực lượng hải quân Suriname tiến đến gần tàu khoan dẫn dầu C.E. Thornton của CGX, yêu cầu chấm dứt hoạt động và áp giải tàu này rời khỏi khu vực hoạt động đã được Guyana cấp phép.
Năm 2004, Guyana đã đơn phương sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo quy định của Công ước Luật biển 1982 để giải quyết vùng biển chồng lấn với Suriname. Một tòa trọng tài gồm năm luật gia quốc tế được thành lập để giải quyết tranh chấp theo đề nghị của Guyana do cả Guyana và Suriname đều đã là thành viên của UNCLOS và không bảo lưu việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tòa ra phán quyết trong vụ tranh chấp giữa Guyana và Suriname tại The Hague ngày 17-9-2007.
Điều đáng chú ý trong vụ tranh chấp này là khi yêu cầu tòa trọng tài tiến hành phân định, Guyana cũng cáo buộc Suriname đã vi phạm một số nghĩa vụ quốc tế trong sự kiện CGX. Cụ thể đó là Suriname đã sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Guyana và chống lại công dân cùng các thực thể khác hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Guyana, qua đó đã có hành vi vi phạm các quy định của Công ước Luật biển, Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như luật pháp quốc tế nói chung về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Guyana cũng yêu cầu tòa ra phán quyết yêu cầu Suriname khắc phục những thiệt hại phát sinh đối với Guyana, trong đó có cả việc bồi thường, do đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế nói trên.
Tòa trọng tài trong phán quyết ngày 17-9-2007 của mình cho rằng trong sự kiện CGX, Suriname đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực theo Công ước Luật biển, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung. Hơn nữa, tòa cũng cho rằng việc vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực cũng dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ không được cản trở việc đạt được thỏa thuận phân định theo quy định điều 74(3) và 83(3) của Công ước Luật biển 1982.
Như vậy, với sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của các tàu hải giám Trung Quốc, Việt Nam có thể cân nhắc tới biện pháp kiện ra tòa án quốc tế về Luật biển, hoặc có thể đưa ra nhờ một tòa án trọng tài quốc tế phân xử.
Tàu Bình Minh 02 tiếp tục làm nhiệm vụ Chiều 28-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hùng Dũng - tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) - cho biết sau khi bị tàu hải giám của Trung Quốc cố tình cắt đứt dây cáp địa chấn, tàu Bình Minh 02 đã nối lại cáp và tiếp tục làm việc bình thường. “Tinh thần anh em làm việc trên tàu hết sức bình thường vì ai cũng nhận thức rằng họ đang làm việc trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mình” - ông Dũng nói. Chiều cùng ngày, một lãnh đạo của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (PTSC G&S) thuộc PTSC, đơn vị sở hữu tàu địa chấn 2D Bình Minh 02, cho biết: “Tàu Bình Minh 02 đang làm nhiệm vụ khảo sát địa chấn tại vùng trũng Phú Khánh để điều tra nguồn tài nguyên dầu khí”. Tàu Bình Minh 02 rời cảng PTSC (P.9, TP Vũng Tàu) đi ở vùng biển thềm lục địa miền Trung nước ta từ ngày 17-3. Tàu làm việc cho dự án có tên “PK 10”, khu vực khảo sát là các lô 125-126-148 và 149. Thời gian dự kiến kết thúc công việc chưa thể tính được vì còn phụ thuộc thời tiết, khí hậu. Hiện trên tàu có 40 người làm việc là cán bộ kỹ sư, nhân viên phục vụ hậu cần... của công ty. Cũng theo lãnh đạo PTSC G&S, để làm nhiệm vụ khảo sát địa chấn nhằm điều tra nguồn tài nguyên dầu khí, tàu Bình Minh 02 dùng phương pháp cho nổ âm thanh bằng nguồn súng hơi xuống lòng đất, từ lòng đất dội lại và thu tín hiệu bằng cáp địa chấn. Từ đó, xử lý tín hiệu và phân tích các tầng, móng trong lòng đất của đáy biển. Cũng theo lãnh đạo trên, tổng chiều dài đoạn đường biển của dự án khảo sát địa chấn mà tàu Bình Minh 02 thực hiện là gần 18.000km. Lúc xảy ra sự việc tàu hải giám của Trung Quốc cố tình cắt đứt cáp thu địa chấn thì tàu Bình Minh 02 đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công việc. |
__________
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa ký tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị phê duyệt đề án “Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam” để sớm thành lập và đưa vào hoạt động tổ chức này.
Bộ NN&PTNT cho biết tình hình vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển đang ngày một gia tăng. Đặc biệt tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm thủy sản diễn ra thường xuyên với hàng trăm lượt tàu thuyền mỗi ngày. Hơn nữa, tình hình ngư dân Việt Nam bị các nước khác bắt giữ cũng thường xuyên và gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Cụ thể, từ năm 2006 đến nay đã có trên 640 vụ bắt giữ gần 1.200 lượt tàu cá với trên 7.000 ngư dân... Đây là những lý do để cần sớm thành lập lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Theo tờ trình, lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển Việt Nam. Nếu được phê duyệt, lực lượng này sẽ được thành lập theo hai cấp trung ương và địa phương. Cấp trung ương là Cục Kiểm ngư (thuộc Tổng cục Thủy sản) và năm cục kiểm ngư vùng. Cấp địa phương là chi cục kiểm ngư các tỉnh.
Tại trung ương sẽ đầu tư trên 1.500 tỉ đồng để đóng mới đội tàu kiểm ngư mười chiếc với công suất từ 3.000 CV (trang bị đều cho năm cục kiểm ngư vùng), được trang bị các thiết bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng, gió cấp 8, cấp 9 và đảm bảo tàu và các thiết bị hoạt động dài ngày trên biển. Cấp địa phương (28 tỉnh ven biển) cũng sẽ đầu tư gần 580 tỉ đồng để đóng mới đội tàu kiểm ngư địa phương. Trong tổng mức đầu tư gần 2.100 tỉ đồng này có trên 1.800 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương.
Cùng với đề án này, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để xây dựng, trình Chính phủ các quy định về tổ chức bộ máy, hoạt động (đồng phục, phù hiệu, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ...) của lực lượng kiểm ngư cũng như các cơ chế, chính sách về lương, phụ cấp...
Phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm ngư trường Chiều 28-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Tiến Vĩnh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết: “Thời gian gần đây đã xuất hiện tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, thậm chí đe dọa sự an toàn của ngư dân Việt Nam. Đây là những việc làm không thể chấp nhận được. Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Bộ NN&PTNT cũng như Chính phủ cần sớm có những biện pháp bảo vệ ngư dân và khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Cùng ngày 28-5, đại tá Nguyễn Trọng Huyền - chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Phú Yên - nói việc hàng trăm tàu hành nghề mành chụp mực của Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gây khó khăn và đe dọa các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên, bộ đội biên phòng tỉnh đã báo cáo lên cấp trên. “Bộ đội biên phòng Phú Yên đề nghị cấp trên sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này, hỗ trợ ngư dân Việt Nam làm ăn an toàn trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Với ngư dân, chúng tôi đề nghị củng cố hơn 100 tổ tàu thuyền an toàn chuyên đánh bắt xa bờ liên kết lại trong quá trình khai thác để đoàn kết, hỗ trợ nhau. Qua hệ thống liên lạc trên biển, bộ đội biên phòng Phú Yên thường xuyên đề nghị bà con cương quyết đấu tranh với tàu đánh cá nước ngoài để khẳng định chúng ta hành nghề ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia” - ông Huyền nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận