20/05/2011 08:03 GMT+7

Nhân lên tình yêu nước, yêu biển đảo

HUỲNH HIẾU - CẦM VĂN KÌNH ghi
HUỲNH HIẾU - CẦM VĂN KÌNH ghi

TT - "Huyện đảo Trường Sa là tiền đồn của công cuộc “Tiến ra biển, làm chủ biển và làm giàu lên từ biển”. Để Trường Sa càng phát triển, phải huy động được sức mạnh toàn dân tộc".

riGQfmue.jpgPhóng to

Hoa hậu Hương Giang (thứ ba từ phải sang) cùng các thành viên trong đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: TUẤN THÀNH

Ngay sau khi chương trình “Góp đá xây Trường Sa” được phát động, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Thắng - chủ tịch huyện đảo Trường Sa - nói:

- Huyện đảo Trường Sa là tiền đồn của công cuộc “Tiến ra biển, làm chủ biển và làm giàu lên từ biển”. Để Trường Sa càng phát triển, cùng với nỗ lực hết mình của quân dân huyện đảo, theo tôi phải huy động được sức mạnh toàn dân tộc trong nâng cao sức mạnh phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển.

Trường Sa rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng để phát triển kinh tế biển, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển. Trường Sa phải là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ta khai thác đánh bắt xa bờ và tổ chức tốt các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

QLxNDCfo.jpgPhóng to

Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Đức Thắng - Ảnh: Văn thịnh

Những năm qua, thực hiện nghị quyết T.Ư 4 khóa X của Đảng về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, huyện đảo Trường Sa luôn nhận được sự quan tâm đầu tư to lớn, toàn diện của Nhà nước.

Bên cạnh đó, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về Trường Sa, đã tổ chức các cuộc vận động vì Trường Sa thân yêu quyên góp nhiều món quà tình nghĩa có giá trị cho huyện đảo. Nhờ đó diện mạo huyện Trường Sa thay đổi nhiều với những công trình phục vụ quốc phòng và đời sống dân sinh được đưa vào hoạt động như: hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hệ thống thông tin liên lạc, truyền hình vệ tinh...

Trường Sa hôm nay có hệ thống cầu cảng, âu tàu được xây dựng quy mô lớn hơn, có các công trình văn hóa truyền thống dân tộc gần gũi hơn với đất liền. Quân dân huyện đảo đã ấm lòng hơn, yên lòng hơn, chắc tay súng hơn trước sóng gió trùng khơi.

Thế nhưng, như chúng ta đều biết, cuộc sống của quân và dân Trường Sa còn rất nhiều khó khăn, nhất là ở các đảo chìm. Vì thế, thay mặt quân dân huyện đảo, chúng tôi rất hoan nghênh chương trình “Góp đá xây Trường Sa” mà báo Tuổi Trẻ đang phát động.

Chúng tôi tin rằng chương trình này sẽ giúp mọi người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều có thể tham gia góp sức xây dựng Trường Sa, xây dựng biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; qua đó nhân lên tình yêu nước, yêu biển đảo quê hương của mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm là đào tạo cho Trường Sa nguồn nhân lực có trí lực, có nhiệt huyết, có trách nhiệm hết mình với Tổ quốc, với nhân dân.

Theo tôi, để huyện đảo Trường Sa phát triển xứng tầm với vị trí địa chính trị của mình, cần có sự đầu tư mang tính lâu dài.

Tuy nhiên, trước mắt huyện đảo rất cần được ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng, hệ thống lọc nước ngọt công suất lớn, kết hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo nền tảng cho người dân địa phương khai thác nguồn lợi hải sản để phát triển kinh tế, đồng thời thu hút các đội tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh duyên hải miền Trung đến với Trường Sa, làm chủ vùng ngư trường xa của Tổ quốc.

Xây dựng kiên cố các công trình dân sinh, phúc lợi xã hội như: nhà ở, trạm y tế, trường học, nhà cứu hộ, phương tiện cứu hộ công suất lớn... cho quân dân huyện đảo.

Ông Nguyễn Chiến Thắng (chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa):

Đảo chìm phải trở thành đảo nổi

rMAHUaoi.jpgPhóng to

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng - Ảnh: B.K.H.

Đời sống cán bộ chiến sĩ ta trên các đảo chìm hiện còn rất khó khăn, đảo chìm cần phải được xây dựng trở thành đảo nổi, vì thế chương trình “Góp đá xây Trường Sa” là một chương trình giàu ý nghĩa, vừa kêu gọi đóng góp cho Trường Sa thiết thực, vừa nâng cao ý thức chủ quyền biển đảo cho mọi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.

Tới đây, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung đầu tư phát triển đánh bắt, nuôi trồng hải sản tại Trường Sa, kêu gọi ngư dân và các doanh nghiệp tham gia khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá. Xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của quân dân trên đảo.

Tăng cường cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn việc dạy học cho các cháu nhỏ ở các xã và thị trấn của huyện đảo. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cán bộ, quân dân và ngư dân đánh bắt xa bờ...

Trường Sa là một huyện của Khánh Hòa, song có nhiều vấn đề cần đầu tư cho Trường Sa mà một mình Khánh Hòa không thể làm được, rất cần cả nước chung tay. Đó là đầu tư xây dựng thêm nhà máy bảo quản chế biến hải sản để tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển Trường Sa bám biển dài ngày hơn. Đó là nâng cấp sân bay trên đảo Trường Sa Lớn, đóng tàu vận tải hành khách cao tốc để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân giữa các đảo và đất liền.

Ông Bùi Bá Bổng (thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

l3ydqDnD.jpgPhóng to

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng - Ảnh: C.V.Kình

Cố gắng làm vì đó là chủ quyền

Ra Trường Sa rồi mới thấy còn phải làm nhiều việc hơn nữa cho vùng biển đảo xa xôi. Cần cơ chế để ngư dân ra biển, bám biển nhiều hơn. Tôi đã yêu cầu anh em nghiên cứu và đưa ý tưởng ngay từ khi hoàn thành chuyến đi là sẽ đem một số loại cây, con mới ra Trường Sa để vùng đảo bớt khó khăn.

Ví dụ có thể trồng xương rồng hay phát triển nuôi bò ở Trường Sa. Là nhà khoa học, tôi cảm nhận điều này có thể làm được. Trong phạm vi công tác, tôi sẽ cố gắng thúc đẩy để làm được nhiều việc hơn nữa cho Trường Sa. Việc gì Trường Sa cần chúng ta đều cố gắng làm vì đó là chủ quyền, là tiềm năng của đất nước.

HUỲNH HIẾU - CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên