Nhà sinh hoạt được xây dựng tại đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa (ảnh chụp tháng 4-2010) - Ảnh: MINH ĐỨC |
- Biển đảo của VN trải dọc chiều dài đất nước, nếu biết tận dụng thế mạnh biển đảo sẽ phát triển nhanh kinh tế, tạo động lực phát triển chung cho cả nước. Vì vậy, việc giữ gìn và phát triển biển đảo không chỉ là trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước mà còn là trách nhiệm của thế hệ ngày nay và nhiều thế hệ con cháu mai sau.
Chúng ta đã có nhiều chương trình, dự án phát triển biển đảo và dù được quan tâm mạnh mẽ so với nhiều năm trước nhưng với điều kiện nguồn lực có hạn của Nhà nước, khu vực biển đảo vẫn còn nhiều khó khăn.
* Trong chuyến hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2011, có bạn sinh viên đã đem nắm đất từ đất liền ra để góp phần cho đảo bớt nhỏ trước biển. Thưa ông, nếu mỗi người góp một viên đá, nắm đất cho Trường Sa có lẽ quân dân ở đảo đã bớt khó khăn rất nhiều?
"Mỗi người đều có thể góp phần tham gia xây dựng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” là một hành động tạo nhịp cầu để người dân ở đất liền đến với biển đảo được gần hơn. Đó sẽ là những công trình mang dấu ấn tuổi trẻ cho thế hệ tương lai" Phó đô đốcTrần Thanh Huyền (chính ủy Quân chủng Hải quân) |
- Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho các đảo, trong đó có Trường Sa. Tuy nhiên, nhiều đảo lớn như Sơn Ca khi biển động, sóng biển táp cả vào cột mốc chủ quyền. Cán bộ, chiến sĩ ở các đảo chìm, nhà giàn chỉ cách mặt biển một vài sải tay, diện tích còn nhỏ hẹp, nếu đi thẳng chỉ cỡ chục bước là ra đến biển.
Trong khi đó, chúng ta còn nhiều điểm đảo chưa nhô hẳn lên mặt biển mà nước ngoài vẫn luôn có ý đồ đổ bộ cắm cờ nhận chủ quyền, biến thành lãnh thổ của họ.
Vì vậy nếu mỗi người dân đóng góp một viên đá, tôi nghĩ sẽ là một công cuộc tôn nền Tổ quốc hữu hiệu, có ý nghĩa cả về tinh thần lẫn thực chất, tiếp bước cha ông giữ đất, giúp chủ quyền Tổ quốc vững chãi hơn.
* Thưa ông, Quân chủng Hải quân đã có chương trình chính thức chưa?
- Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân chưa chính thức triển khai chương trình nhưng chúng tôi đã đề nghị Hội Liên hiệp thanh niên VN việc này. Đây là hình thức để ai quan tâm đến chủ quyền biển đảo đều có cơ hội thể hiện, dù chỉ là ý tưởng hay một viên đá. Mỗi viên đá từ đất liền ra sẽ góp phần giúp đảo được tôn cao, chủ quyền vững chắc hơn.
Đặc biệt, qua hành động này mỗi người dân cũng có ý thức cao hơn về chủ quyền biển đảo của VN đối với Trường Sa và các đảo của VN nói chung. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức việc tiếp nhận và chuyển ra đảo.
Trong hơn 30 điểm đảo của huyện đảo Trường Sa, có khoảng 1/3 điểm đảo vẫn cần phải xây dựng thêm. Nhiều năm qua, công binh hải quân đã xây dựng nhiều điểm đảo vững chắc, kiên cố nhưng nhiều điểm đảo đã xuống cấp cần xây dựng lại.
Chúng tôi mong muốn mỗi người dân, trước hết là thanh niên, sinh viên, những người có ý thức với biển đảo Tổ quốc sẽ trực tiếp góp một viên đá để từ đó tập kết vào địa điểm hợp lý rồi đem ra Trường Sa. Nơi xa xôi khó vận chuyển thì việc đóng góp có thể thực hiện bằng hình thức khác. Giá trị một ký ximăng, một viên đá ở đất liền có thể không lớn nhưng chuyển ra Trường Sa sẽ mang nặng nghĩa tình và cần chi phí không nhỏ.
Chúng tôi không quy định một viên đá là bao nhiêu mà tùy tâm của người đóng góp. Thật sự có rất nhiều người dân muốn ủng hộ Trường Sa, biển đảo nhưng không biết đóng góp thế nào. Nay chúng ta đưa ra chương trình này sẽ tăng cường ý thức về chủ quyền biển đảo của người dân.
* Năm 2011 là Năm thanh niên, ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của thanh niên cho biển đảo?
- Năm 2011, với sự tham gia của doanh nhân trẻ, sinh viên với nội dung “doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo”, chúng tôi hi vọng từ trải nghiệm thực tế, đội ngũ doanh nhân sẽ có trách nhiệm hơn với sự phát triển chung của đất nước và nhen nhóm những ý tưởng, dự án thiết thực hơn để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế biển đảo, đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá.
Với sinh viên, những trải nghiệm về chủ quyền biển đảo cùng sự hi sinh, cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, tôi mong rằng ngay từ trên ghế nhà trường các bạn sẽ có những định hướng tốt đẹp cho tương lai cũng như cho sự đóng góp vào phát triển đất nước, biển đảo. Thực tế, ngay trong chuyến đi đã có sinh viên nói với chúng tôi rằng trước đây họ chỉ biết sống cho riêng mình, ra đảo thấy sĩ quan, chiến sĩ sống chân thật với trách nhiệm lớn lao, chợt thấy mình cần thay đổi.
Hay có doanh nhân nói trước đóng thuế đôi khi thấy xót nhưng ra đảo mới thấy đóng góp của mình còn nhỏ bé quá... Sau các chuyến đi, nhiều doanh nghiệp trẻ đã bắt đầu vươn ra biển. Đó là cơ sở để bảo vệ và phát huy chủ quyền biển đảo.
* Theo ông, sau những hành trình như vậy, cần làm tiếp những gì để thật sự khuyến khích được sự chung tay góp sức vì chủ quyền biển đảo?
- Nhiều món quà đất liền gửi ra đảo đã được sử dụng hiệu quả và hầu hết là rất thiết thực như hệ thống lọc nước, tủ bảo ôn, đất sạch trồng rau, sách báo. Tôi nghĩ nhu cầu thì nhiều, nhưng trước mắt các bạn trẻ có thể gửi sách tiếng Anh, sách văn hóa, phương tiện nghe nhìn giúp bộ đội. Các doanh nhân có thể tính việc hỗ trợ chiến sĩ trên đảo trong vấn đề việc làm sau khi về đất liền.
Đặc biệt, theo tôi, chương trình đưa trí thức trẻ về công tác tại các xã khó khăn nên có ưu tiên cho cán bộ chiến sĩ đã được rèn luyện, thử thách ở Trường Sa cũng như các đảo khác. Với bản lĩnh của bộ đội biển đảo, nếu được trọng dụng và có cơ chế đào tạo phù hợp, tôi nghĩ anh em sẽ đóng góp thiết thực vào việc phát triển các vùng kinh tế còn khó khăn.
Phó đô đốc Trần Thanh Huyền (chính ủy Quân chủng Hải quân): Mỗi người đều có thể góp phần xây dựng biển đảo
- Rất hay. Cá nhân tôi thấy đây là một việc làm thiết thực để tuổi trẻ cả nước và nhân dân VN có điều kiện thể hiện sự quan tâm của mình với biển đảo. Mỗi người đều có thể góp phần tham gia xây dựng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Báo Tuổi Trẻ phát động chương trình này là một hành động tạo nhịp cầu để người dân ở đất liền đến với biển đảo được gần hơn. Đó sẽ là những công trình mang dấu ấn tuổi trẻ cho thế hệ tương lai. Chương trình không phải chỉ là sự góp tay người dân trong nước mà có thể phát động đến cả kiều bào VN ở nước ngoài, góp phần giáo dục tình yêu nước, yêu biển đảo của quê hương đến với mỗi người dân Việt. * Theo ông, các bạn trẻ nói riêng và người dân VN có thể đóng góp những gì thiết thực, hiệu quả nhất? - Các bạn trẻ có thể góp công sức, các bạn kỹ sư xây dựng, công nhân lành nghề, kiến trúc sư có thể góp ý tưởng, chất xám và sức lao động của mình. Và mọi người dân đều có thể đóng góp công sức, tiền của để xây dựng quần đảo Trường Sa thiêng liêng của chúng ta. Quân chủng Hải quân sẽ sớm bàn về lộ trình thực hiện cuộc vận động này để phối hợp tốt nhất với báo Tuổi Trẻ, góp phần thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất. |
Ý thức và phong trào của thanh niên vì biển đảo đã hình thành từ rất lâu, đặc biệt là sau sự kiện 14-3-1988 khi tàu nước ngoài nổ súng chiếm giữ đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của VN. Nhiều đoàn công tác, nhiều người dạn dày sương gió đã khóc khi đứng trước đảo chìm Len Đao hay Cô Lin nghiêng mình tưởng niệm các chiến sĩ đã quấn chặt quốc kỳ vào thân mình hi sinh 23 năm trước để giữ chủ quyền biển đảo.
Ba năm gần đây, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã ký biên bản ghi nhớ với Trung ương Đoàn về tổ chức các cuộc hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương với mục đích chính là để thế hệ trẻ nhận thức rõ vai trò, tiềm năng của kinh tế biển, tạo phong trào rộng lớn trong việc kiên quyết giữ gìn chủ quyền biển đảo, thổi tâm hồn biển cho tuổi trẻ. Từ đó tri ân liệt sĩ, tri nghĩa với những người còn sống, hành xử đúng với những người đang thầm lặng hi sinh cho Tổ quốc.
Biển rộng nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều thử thách, luôn cần sự đóng góp ngày càng lớn của đất liền. Chúng tôi không chỉ cần đóng góp sức của mà còn cả con người, trí tuệ cho hải quân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận