27/04/2011 06:26 GMT+7

Nhận rõ, quyết tâm đấu tranh với nguy cơ tham nhũng

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT - Sáng 26-4, hội nghị đã nghe GS.TS PHÙNG HỮU PHÚ - phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương - trình bày những nội dung cốt lõi của cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Phú nói:

ViRfOgW6.jpgPhóng to
Ông Phùng Hữu Phú - Ảnh: V.Dũng

- Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) vừa kế thừa những giá trị của cương lĩnh năm 1991, vừa bổ sung những nhận thức mới về mặt lý luận và những vấn đề đã được kiểm chứng trong 25 năm đổi mới.

* Thưa GS, cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) bổ sung vào nội dung của bài học kinh nghiệm thứ hai “quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ XHCN và của Đảng ta”. Xin GS cho biết quá trình thảo luận để đi đến quyết định bổ sung này?

- Bài học về sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân đã được khẳng định từ lâu. Nhưng phải nói rằng khi nước ta bước vào thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế, bên cạnh mặt thuận có nhiều mặt không thuận tác động vào Đảng, vào từng cán bộ đảng viên.

Do vậy, hơn lúc nào hết, việc giữ cho được phẩm chất của Đảng, phẩm chất của cán bộ đảng viên là hết sức quan trọng. Những khuyết điểm, tệ nạn như tham nhũng, quan liêu, xa rời dân... làm xói mòn niềm tin của dân đối với Đảng và làm suy yếu sức mạnh của Đảng. Cho nên, việc bổ sung một vế ở bài học thứ hai là quá trình đúc kết từ thực tiễn, càng ngày càng thấy những tệ nạn trong Đảng, trong xã hội nếu không được khắc phục thì dẫn đến những hệ quả khôn lường.

* Thưa GS, đây sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài?

- Đối với bất kỳ một đảng nào cũng thế thôi, đều có quy luật của nó. Có quy luật hình thành, quy luật phát triển và có cả quy luật tự tha hóa. Việc đấu tranh với cái tự tha hóa là công việc hệ trọng, lâu dài, không chỉ đối với Đảng ta mà bất kỳ đảng chính trị nào cũng vậy. Và cuộc đấu tranh này không đơn giản, cho nên đưa vào cương lĩnh vấn đề này có hàm ý là cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống các tệ nạn trong Đảng là một quá trình phải vừa kiên quyết nhưng cũng phải rất kiên trì, tiến hành lâu dài.

* Xin GS cho biết những nhận định, đánh giá thực tiễn về mức độ bức xúc đối với tham nhũng, quan liêu...?

- Tôi cho là trong các văn kiện đại hội lần này, cả cương lĩnh, chiến lược, báo cáo chính trị, nhất là kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương là rất thẳng thắn, chỉ ra một cách nghiêm túc, cặn kẽ, khá đầy đủ những thiếu sót, khuyết điểm của Đảng, trong đó có vấn đề quan liêu, tham nhũng, xa rời dân. Một suy nghĩ nhất quán, một trao đổi thẳng thắn và tạo sự thống nhất cao, nên nội dung này được Đại hội XI nhất trí thông qua, tức là Đảng đã thấy rõ nguy cơ đó và thể hiện quyết tâm đấu tranh để khắc phục.

* Công cuộc phòng chống tham nhũng, quan liêu đã đặt ra từ lâu, nhưng theo GS vì sao sự chuyển biến chưa như mong đợi?

- Như tôi đã nói, đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, ta đừng kỳ vọng một sớm một chiều có thể giải quyết được. Phải tiếp tục đấu tranh khắc phục từng bước, dần dần hạn chế và đi đến khắc phục về căn bản những sai lầm, thiếu sót. Chúng ta đã nhắc trong nhiều năm, bây giờ tiếp tục nhắc nữa. Và tôi nghĩ trong năm, mười năm tới, chúng ta vẫn phải trở lại vấn đề này. Đây là một trong số những nội dung mà tôi cho rằng cần được nhấn mạnh trong các đợt học tập nghị quyết của Đại hội XI của Đảng.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên