Đây là chỉ tiêu được đề cập trong chiến lược phát triển nhân lực đến năm 2020, vừa được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành.
Phóng to |
Sự thua kém về tầm vóc của Tấn Tài (14) trong lần đối đầu với tuyển Nhật Bản. Người Nhật là một tấm gương trong việc cải thiện tầm vóc - Ảnh: S.H. |
Theo kế hoạch này, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 sẽ đạt 70%, tăng rất cao so với hiện tại chỉ 40%. Số lao động qua đào tạo nghề cũng nâng lên 55% (hơn gấp đôi so với năm 2010 ở mức 25%).
Tỉ lệ sinh viên CĐ-ĐH/10.000 dân tăng gấp đôi so với hiện nay, ở mức 400 sinh viên/10.000 dân (hiện đạt 200 sinh viên/10.000 dân). Đến năm 2020, Chính phủ đặt kế hoạch VN có trên 10 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế và bốn trường ĐH xuất sắc, có vị trí quốc tế.
Chiến lược này cũng đề ra những giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực. Trong đó sẽ xây dựng bộ tiêu chí về phát triển nhân lực và sáng tạo của các địa phương và quốc gia, đánh giá hằng năm theo bộ tiêu chí này.
Một giải pháp có tính đột phá nữa là sử dụng nhân lực theo thực lực, hiệu quả công việc, khắc phục tâm lý đề cao bằng cấp, tổ chức thi tuyển lãnh đạo từ trung cấp. Một bộ tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thông qua hiệu quả công việc, năng suất lao động, chế độ đãi ngộ sẽ được xây dựng. Các cơ sở giáo dục sẽ mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Chính phủ cũng yêu cầu giảm nhanh tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, thông qua chương trình dinh dưỡng học đường và các biện pháp cải thiện thể chất và các hoạt động thể dục - thể thao trong trường học.
Theo đề án này, đến năm 2015 hoàn thành phổ cập mẫu giáo cho trẻ dưới 5 tuổi và sau 2015 mở rộng bậc học mầm non cho trẻ bé hơn. Chính phủ và các địa phương cũng sẽ ưu tiên bố trí đất cho các dự án trường học, bệnh viện...
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-4, nhiều chuyên gia đánh giá cao các giải pháp đột phá nhằm phát triển nguồn nhân lực trong chiến lược này.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về kết quả thực hiện, nhất là phần cải thiện tầm vóc và thể lực người Việt, bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển bình thường, sau một thập niên chiều cao trung bình mới tăng thêm 1,5cm, trong khi chiến lược kể trên đặt mục tiêu chiều cao trung bình của thanh niên tăng 4cm, trong khi thời gian chỉ còn chín năm.
Theo các chuyên gia, chúng ta phải cần nhiều hơn chín năm để chiều cao trung bình tăng thêm 4cm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận