13/04/2011 06:20 GMT+7

Bán đất cho chủ bãi vàng

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Thời gian gần đây, người dân nhiều xã của huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đua nhau bán đất nông nghiệp cho các bãi vàng. Chính quyền địa phương dù biết việc mua bán là sai quy định nhưng vẫn làm ngơ.

wVT9s9a7.jpgPhóng to
Sau khi mua đất của người dân, các chủ bãi vàng đưa máy móc, nhân công đào xới tìm vàng - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Vừa xảy ra vụ hai phu vàng bị sát hại ở xã Tư (huyện Đông Giang) nhưng hoạt động khai thác vàng trái phép ở đây vẫn diễn ra bình thường. Con đường dẫn vào xã Tư đi dọc theo sông Vàng, sông Pa Nan ngổn ngang như đại công trường. Tiếng tàu cuốc, máy nổ, máy phun nước, đào đãi vàng... ầm ầm. Khắp đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng máy nổ, phuy dầu cùng các dụng cụ khai thác vàng.

“Không bán không được”

Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Ghiếp (thôn Điềm, xã Tư) đang ngâm mình đãi vàng thuê cho chủ. Nơi mà hai ông bà đang quần quật làm lụng chính là mảnh đất mà họ đã nhắm mắt bán đi. “Nhiều lúc nghĩ tui lại ứa nước mắt. Đất của mình mà cuối cùng phải đi làm thuê” - ông Ghiếp day dứt. Hộ ông Ghiếp với bảy nhân khẩu được chia hơn 2ha đất nằm dọc sông Pa Nan. Đây là diện tích đất bằng phẳng, màu mỡ nhất ở thôn Điềm này mà dân có thể canh tác được. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 100 ang lúa. Nhưng cách đây ba năm có một doanh nghiệp khai thác vàng đến gõ cửa nhà ông đề nghị mua diện tích đất này để làm vàng.

“Lúc đầu tui lắc đầu liền, không bán đất ni vì nó là cái cần câu cơm của cả nhà” - ông Ghiếp cho biết. Nhưng rồi những nhà bên cạnh đều bán đất đang sản xuất cho dân làm vàng khiến đất của ông vào mùa mưa bị xói lở. Vào thế chẳng đặng đừng, vợ chồng ông phải bán cho dân làm vàng lấy 70 triệu đồng để giờ đây trở thành kẻ làm thuê trên đất của mình. Gần nhà ông Ghiếp có nhiều hộ cũng rơi vào tình thế tương tự.

Đi sâu vào thôn Nà Hoa khung cảnh hoang tàn bao phủ. Dòng sông Pa Nan bị băm vằm nhiều chỗ. Nước không chỉ có màu vàng mà còn lờ lờ màu đen xì, nhiều đoạn sông bị các bãi vàng ngăn lại khiến không còn giọt nước nào về hạ nguồn. Ngay dưới cầu treo của tổ 3 (thôn Nà Hoa), hàng chục công nhân đang hì hục đào những miếng đất xả xuống hố. Còn những chiếc máy phun nước xối xả vô lòng đất để tìm vàng.

Chủ bãi vàng người Nghệ An cho biết: “Tui mua miếng đất này 3 triệu, làm xong thì đi chỗ khác”. Cũng theo ông này, giá trị của đất tùy thuộc vào việc có nhiều vàng hay không chứ không phải do diện tích quy định. Có nhà bán đất cả trăm triệu đồng nhưng có nhà cũng vài triệu đồng. Vì thấy có tiền nên nhiều người dân đua nhau bán đất sản xuất.

Trở ra xã Ba (huyện Đông Giang), tình hình bán đất cho các chủ bãi vàng cũng nóng bỏng không kém. Theo ông Nguyễn Duy Hùng - trưởng thôn 5, cả thôn có khoảng 5-6 hộ đã bán đất cho các chủ vàng. Trong các cuộc họp với cấp trên, ông Hùng cũng kiến nghị: “Nếu không ngăn cản sớm thì sau này người dân sẽ không còn đất sản xuất”.

Có trách nhiệm của chính quyền

Theo thống kê của UBND xã Tư, hiện có 72 tổ với gần 600 người khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Ông Đinh Văn Bảo - chủ tịch UBND xã Tư - cho biết các chủ bãi vàng thường đến nhà người dân địa phương để gạ gẫm mua đất. Vì thế diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã bị giảm nghiêm trọng. Trước đây cả xã có gần 300ha đất nông nghiệp thì năm 2011 chỉ còn 100ha.

Vì sao UBND xã biết việc dân tự bán đất sản xuất nông nghiệp là sai quy định mà không ngăn cản? Ông Bảo cho rằng: “Nói về lý thì được. Thực tế đồng bào dân tộc ở đây trình độ dân trí thấp lắm nên khó ngăn cản”.

Ông Nguyễn Thành Thiện - chủ tịch UBND xã Ba - lại nói rằng: “Có vấn đề gì đâu”. Ông Đỗ Tài - chủ tịch UBND huyện Đông Giang - nói lãnh đạo huyện biết việc bán đất nông nghiệp của người dân làm các bãi đào vàng là trái pháp luật. “Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về lãnh đạo thôn, xã và cả huyện nữa. Hiện lực lượng tổng hợp của huyện đang truy quét mạnh tay các điểm khai thác vàng trái phép” - ông Tài nói.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên