07/04/2011 08:53 GMT+7

Phân cấp không nhất thiết phải phân quyền

H.GIANG
H.GIANG

TTO - Khi áp dụng phân cấp, không nhất thiết phải luôn luôn dùng hình thức cao nhất là phân quyền mà có thể tùy từng trường hợp dùng cả hình thức ủy quyền.

Đó là ý kiến do ông Lê Viết Thái, trưởng ban thể chế kinh tế của Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đưa ra tại hội thảo ngày 6-4 về chủ đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Viện Chiến lược phát triển.

Theo ông Thái, nếu phân cấp quá mạnh trong khi tiềm lực các vùng không đồng đều có thể dẫn đến chênh lệch mạnh trong phát triển giữa các vùng, đồng thời dẫn đến các nguy cơ khác như: bỏ rơi nhiệm vụ của Nhà nước (chẳng hạn trong việc cung cấp một số dịch vụ công về y tế), tăng tính phức tạp và tốn kém khi thực thi nhiệm vụ nhà nước…

Ông Thái cho rằng tiền đề quan trọng của phân cấp là xác định lại nhiệm vụ chung của Nhà nước, sau đó phân cho từng vùng. Với một bài kiểm tra nhanh, ông Thái chỉ ra rằng tổng hợp danh mục các nhiệm vụ, chức năng của 20 bộ (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) lên đến hơn 100 trang giấy A4, thể hiện sự ôm đồm, chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ.

Hội thảo này là một trong nhiều hoạt động do Viện Chiến lược phát triển thực hiện trong quá trình góp phần xây dựng chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Hôm nay 7-4, hội thảo sẽ tiếp tục với các vấn đề khác có liên quan như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với tập đoàn/tổng công ty, kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên