22/03/2011 11:06 GMT+7

Giảm bớt người nhập cư vào nội thành Thủ đô

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Ngày 22-3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).

Read this on Tuoitrenews.vn

qifGSlHa.jpgPhóng to
Khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII - Ảnh: Việt Dũng (ảnh tư liệu)

Theo Văn phòng Quốc hội, dự thảo mới nhất của Luật Thủ đô tiếp tục có quy định nhằm giảm bớt số lượng người nhập cư vào nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2010, lần này dự thảo Luật Thủ đô đã được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành thành phố Hà Nội như quy định hiện hành của Luật cư trú đối với trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn; trường hợp về ở cùng người thân hoặc trường hợp người trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành. Chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong nội thành thành phố Hà Nội chặt chẽ hơn (so với quy định trong Luật cư trú) với đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên.

Sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS. Về cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết có ý kiến đề nghị không nên quy định cơ chế nêu trên.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC thời gian qua cho thấy có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định nhưng theo quy định của BLTTDS hiện hành thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có thẩm quyền kháng nghị quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Do không có cơ chế để xem xét giải quyết lại vấn đề này nên đương sự rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khi ở nước ta chưa có Tòa bảo hiến hay Tòa án hiến pháp thì việc sửa đổi Bộ luật lần này quy định một cơ chế đặc biệt để Hội đồng thẩm phán TANDTC được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng là cần thiết và hợp lý.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên