18/03/2011 07:38 GMT+7

Tai nạn giao thông: Không thể phòng chống "bình bình"

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Ông Nguyễn Trọng Thái - phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - nhận định nếu không có giải pháp đột phá, cứ phòng chống “bình bình” như hiện nay, tai nạn giao thông (TNGT) sẽ có chiều hướng tăng tỉ lệ thuận với sự gia tăng phương tiện. Ông Thái nói:

bAdpiuOl.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Trọng Thái
- Giữa năm 2007 Thủ tướng ban hành nghị quyết 32 với bảy giải pháp cấp bách kiềm chế TNGT. Triển khai tích cực nghị quyết này, số người chết do TNGT đã giảm trong năm 2008 (11.594 người). Trong hai năm 2009 và 2010, số người chết do TNGT cũng tương đương năm 2008 nhưng số phương tiện lại tăng rất nhanh (khoảng 3 triệu chiếc/năm). Nhiều tổ chức thế giới, trong đó có WHO, đánh giá các giải pháp kiềm chế TNGT của chúng ta có hiệu quả trong điều kiện phương tiện tăng nhanh như vậy.

* Qua số liệu thống kê, ông có ý kiến gì về nguyên nhân chính dẫn đến TNGT?

- Các cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa tốt. Đặc biệt, những người đi môtô, xe máy thường gây tai nạn và cũng thường dễ bị tai nạn nhất. Thực tế có nhiều người điều khiển môtô, xe máy rất chủ quan, uống rượu bia, chạy xe tùy tiện, vi phạm tốc độ, chở người quá quy định... Với nhiều nước khác thì môtô, xe máy được xem là phương tiện không an toàn và hạn chế sử dụng.

* Đường sá chưa tốt cũng là vấn đề dẫn đến TNGT, thưa ông?

- Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện cũng dẫn tới nhiều tai nạn. Đường chưa tốt thì mai kia có đủ kinh phí sẽ làm tốt hơn, nhưng với các quốc lộ mà nhà dân cứ mọc theo san sát, chiếm cả hành lang an toàn thì đó là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn, đến lúc có tiền cũng không giải quyết được. Thủ tướng đã có quyết định lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt từ năm 2008 nhưng nhiều nơi thực hiện chưa tốt.

* Nhiều ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền phòng chống TNGT chủ yếu là phát động theo kiểu phong trào, tập huấn, hội thảo, chưa tập trung các biện pháp có sức tác động tới nhiều người...

- Tuyên truyền để người ta thấy được cụ thể hậu quả của TNGT như tiếp xúc với những người bị nạn, chứng kiến những mất mát không thể bù đắp được thì hiệu quả hơn. Liên hoan phim với chủ đề phòng chống rượu bia vừa qua có bộ phim của Đồng Nai về hậu quả TNGT rất hay, xúc động, chúng tôi đã sao gửi các địa phương bộ phim này để phục vụ công tác tuyên truyền. Các nước có tổ chức ngày tưởng nhớ các nạn nhân bị TNGT, mời cả người vi phạm và người bị nạn đến để nói chuyện. Trong chiến lược an toàn giao thông đường bộ đang xây dựng cũng hướng theo giải pháp tuyên truyền đó.

* Hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau về mức xử phạt vi phạm giao thông. Một số người cho rằng tăng mức phạt sẽ hạn chế vi phạm, nhưng có người lại cho rằng mức phạt quá cao. Ông nói thế nào về vấn đề này?

- Kết hợp mức xử phạt với tăng cường xử phạt nghiêm sẽ có hiệu quả, nhưng quy định mức phạt cao quá nhiều khi không khả thi. Một số địa phương đang đề nghị điều chỉnh mức xử phạt, chẳng hạn xử phạt người buôn bán hàng rong từ 10-12 triệu đồng thì quả là không ổn. Nhiều nước có mức xử phạt rất cao nhưng ở VN phạt cao quá có thể gây áp lực cho cảnh sát giao thông khi người vi phạm không đủ tiền thì không biết xử lý thế nào, thu giữ phương tiện cũng gây nhiều hệ lụy.

* Hiện cứu hộ TNGT vẫn còn hạn chế, nhiều nạn nhân chưa được tiếp cận y tế nhanh nhất nên tỉ lệ tử vong cao...

- Trong chiến lược an toàn giao thông đường bộ mà Bộ GTVT đang xây dựng có chú trọng tới vấn đề này, sắp tới sẽ đầu tư phát triển hơn về phương tiện, thiết bị và cả con người để giải quyết kịp thời các vụ TNGT, giúp nạn nhân tiếp cận y tế nhanh nhất.

* Thưa ông, chiến lược an toàn giao thông có những giải pháp nào mới để giảm thiểu TNGT?

- Các cơ quan chức năng đang dự thảo lấy ý kiến các bộ ngành để hoàn chỉnh chiến lược này. Trong chiến lược, sẽ tập trung vào một số giải pháp toàn diện như tuyên truyền, cưỡng chế và phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, đồng thời hoàn thiện chính sách pháp luật về an toàn giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông cũng sẽ hoàn thiện quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn đăng kiểm, quản lý phương tiện, đào tạo người lái toàn diện và chặt chẽ hơn. Chiến lược cũng rất chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương do TNGT như người đi xe gắn máy, người đi bộ.

Có thể nói, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan chức năng đang tìm những giải pháp đột phá để giảm TNGT, chứ cứ “bình bình” như hiện nay thì TNGT sẽ không giảm khi phương tiện đang ngày càng gia tăng.

x2FFqIK5.jpgPhóng to
Các xe bị nạn tại ngã ba Tân Kỳ Tân Quý - quốc lộ 1A (TP.HCM) - Ảnh: B.S.

Sáng 17-3, tại ngã ba đường Tân Kỳ Tân Quý - quốc lộ 1A (Q.Bình Tân, TP.HCM) xảy ra vụ tai nạn bốn ôtô đâm liên hoàn, làm một tài xế bị thương nặng.

CSGT cho biết đây là đoạn đường có mật độ ôtô lưu thông cao nhưng các lái xe không làm chủ tốc độ, không chấp hành tín hiệu đèn, nên khi một xe tải rẽ sang đường Tân Kỳ Tân Quý thì bị một xe tải đang chạy trên quốc lộ 1A hướng từ An Lạc tới An Sương tông phải, hai xe khác chạy sau không thắng kịp cũng liên tiếp đâm vào xe trước. Sau vụ tai nạn, hai xe bị hư hỏng nặng nằm giữa đường, gây ùn ứ gần hai giờ liền.

* Ngày 17-3, Trần Trọng Quý (26 tuổi, quê Nghệ An), tài xế xe đầu kéo gây ra vụ tai nạn rạng sáng 13-3 trên đại lộ Đông - Tây (P.2, Q.5, TP.HCM) khiến một người chết, 19 người bị thương, đã tới Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM đầu thú.

Tại cơ quan điều tra, Quý khai: do ngủ gật, không làm chủ tay lái khiến xe lao qua dải phân cách, tông vào xe khách đi chiều ngược lại. Quý cho biết vào TP.HCM từ năm 2009, học lái xe và cuối năm 2010 thì cầm lái.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên