Phóng to |
Những ngày cuối tháng 2-2011, ông Lee Kwang Hi và các tình nguyện viên của Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp” ở tỉnh Chong Buk, Hàn Quốc có chuyến đi Việt Nam. Ở Hà Nội, các ông đi thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tất cả đều thấy sung sướng vì nhiều điểm tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt - Hàn.
“Sau này khi gặp cô dâu Việt Nam, tôi có thể bảo “ồ Việt Nam, tôi đã đến rồi”, như thế mới tình cảm” - ông Lee nói. Dù đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, nhưng từ sáu năm nay ông Lee và các bạn bè đang làm một công việc nghĩa tình là nối nhịp cầu quê hương với cô dâu Việt Nam.
"Người Hàn Quốc cũng không khác người Việt Nam, đó là gả con gái thì phải biết gốc tích, quê hương của chàng rễ. Vì thế, chúng tôi nổ lực tổ chức các chuyến đi thăm thông gia cho các vị cha mẹ Việt Nam có con lấy chồng Hàn Quốc" Ông Lee Kwang Hi |
Ở tuổi ngoài 70, việc đi lại khắp nơi với ông Lee có vẻ không thuận tiện lắm. Nhưng công việc lại “bắt” ông đi khắp nơi.
“Tỉnh Chong Buk chúng tôi có rất nhiều gia đình đa văn hóa, ví dụ như gia đình Hàn - Nhật, gia đình Hàn - Trung, Hàn - Mông Cổ, Hàn - Campuchia, trong đó có khoảng 1.500 gia đình Hàn - Việt. Tỉnh chúng tôi là tỉnh nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc không giống như trong phim” - ông Lee kể.
Do chỉ cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 300km nên tỉnh Chong Buk phát triển về nông nghiệp đã không đủ sức giữ chân nữ thanh niên. Họ đã đi theo tiếng gọi của thủ đô Seoul hoa lệ. Vì thế, cô dâu nước ngoài đến Chong Buk đông lên rất nhanh.
Một câu chuyện rất chung của các gia đình đa văn hóa là rất nhiều cô dâu không nói được tiếng Hàn, người chồng lại không biết ngôn ngữ của vợ, thành ra thời gian đầu hai vợ chồng hầu như không giao tiếp với nhau được.
“Các cô dâu nước ngoài cũng không biết văn hóa và đời sống gia đình ở Hàn Quốc, cuộc sống nhiều khó khăn, nhất là gia đình nghèo, người chồng còn đang mắc nợ tiền đi hỏi vợ” - ông Lee nói.
Đó là lý do để Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp” ra đời cách đây sáu năm và ông Lee Kwang Hi đảm đương chức vụ chủ tịch hội. Lúc ấy ông vừa rời chiếc ghế chủ tịch của một doanh nghiệp lớn, nhưng thay vì nghỉ hưu và yên hưởng tuổi già an nhàn như nhiều người khác, ông Lee đã đảm nhận vị trí chủ tịch Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp”, một tổ chức có tới 600.000 thành viên sinh sống rải rác khắp Hàn Quốc.
Đầu tiên, ông Lee và các bạn bè thành lập ở mỗi huyện (tỉnh Chong Buk có 14 huyện - PV) một trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa. Ở đấy, các cô dâu nước ngoài được hướng dẫn về ngôn ngữ và đặc trưng gia đình Hàn Quốc, học nấu ăn món Hàn, được chỉ dẫn đường sá và giúp họ tìm việc làm.
Trong khi các cô dâu học tiếng Hàn, thì những chàng rể cũng được trung tâm hỗ trợ học ngôn ngữ của vợ - “nhưng họ còn lười” - ông Lee ngại ngần cho hay.
Trong quá trình thăm nom các cô dâu nước ngoài đến đất nước xa lạ lập gia đình, ông Lee và các tình nguyện viên trong tổ chức thấy một điều là họ rất nhớ quê hương, mà cha mẹ hai bên đều nghèo, không thể tổ chức thăm nhau.
Thế là từ năm 2008, Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp” đã trích ngân quỹ từ tiền đóng góp của các thành viên, trong đó phần đóng góp lớn nhất chính là của vị chủ tịch - ông Lee Kwang Hi, để đưa cha mẹ cô dâu sang thăm con cháu và gia đình thông gia.
Như một mối duyên tiền định, cũng vì tài chính của một tổ chức vốn duy trì hoạt động bằng tiền túi các thành viên chưa nhiều, nên “Vì cuộc sống tươi đẹp” quyết định chọn đưa các gia đình Việt Nam đi đầu tiên để thăm con gái, con rể và cháu ở Hàn Quốc.
Nếu tính cả chuyến đi vào tháng 10-2011, đã có bốn chuyến đi như vậy được thực hiện, chi phí mỗi chuyến đi lên tới 43.000 USD.
“Điều làm tôi xúc động là khi cha mẹ cô dâu Việt gặp con gái và cháu. Ở nhà, họ không biết nhiều về cuộc sống của con gái, nay thấy con có cuộc sống như ở Việt Nam, có chồng con, có công việc, một số cô dâu chăm chỉ và thông minh, viết tiếng Hàn còn đẹp hơn cả chồng, được tham gia ban lãnh đạo xã, họ rất mừng” - ông Han Jang Hoon, tình nguyện viên của “Vì cuộc sống tươi đẹp”, tâm sự.
Hãy cùng nhau cố gắng nhé”!
“Đúng như báo chí nói, các chàng rể Hàn Quốc đều khá lớn tuổi, cô dâu lại còn trẻ. Nhưng trước khi sang Hàn Quốc, rất ít cô dâu biết về văn hóa, gia đình Hàn Quốc và ngược lại. Họ vẫn nghĩ đời sống Hàn Quốc như trong phim, trong khi thực tế nông thôn Hàn Quốc còn khá khó khăn, mọi người đều phải làm việc. Những gia đình đa văn hóa hạnh phúc nhất khi cả hai bên chăm chỉ, hiểu biết về văn hóa của nhau và cùng xây dựng cuộc sống chung. Sắp tới khi mời các gia đình cô dâu sang thăm con, chúng tôi chỉ chọn các gia đình đã sống hạnh phúc cùng nhau trên ba năm, chàng rể biết nói tiếng Việt để có thể nói chuyện với bố mẹ vợ. Đó cũng là một cách để kích thích mấy ông rể siêng năng học tiếng nhà vợ hơn” - ông Lee hóm hỉnh nói.
Chị Thúy Nga, một người Việt Nam từng tháp tùng chuyến thăm con cháu của 14 gia đình Việt Nam cuối năm 2010, cho biết đã rất xúc động trước thịnh tình của ông Lee và các tình nguyện viên trong Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp”.
“Tất cả đều làm việc không lương, chưa kể phải đóng góp kinh phí cho các hoạt động chung, như duy trì các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa hay đưa cha mẹ cô dâu đến thăm con. Các cô dâu lấy chồng qua mai mối, họ không hề biết trước cuộc sống gia đình của mình, còn cha mẹ các cô thì đã mấy năm ròng không được gặp con mình. Tôi đã đi cùng 10 gia đình Việt Nam thăm con gái tháng 10-2010, hầu hết họ đều là nông dân nghèo lần đầu được đi máy bay, có người mang tương, mang củ sả làm quà cho con gái mà không biết thủ tục không cho phép và bị thu mất món quà quê quý giá, có người còn bị giữ ở sân bay” - chị Nga cho hay.
Cuối năm 2011, ông Lee sẽ rời vị trí chủ tịch Tổ chức thiện nguyện “Vì cuộc sống tươi đẹp” do tuổi tác. Ở tuổi ngoài 70, tóc đã bạc trắng, ông đã vất vả nhiều vì những cô dâu xa lạ đến Hàn Quốc. Nhưng những người đồng sự như ông Han Jang Hoon sẽ kế tiếp công việc hỗ trợ cô dâu nước ngoài.
“Điều tôi mong mỏi nhất là cả cô dâu lẫn chàng rể phải cùng nhau cố gắng, cô dâu hiểu biết về Hàn Quốc, chàng rể hiểu biết về Việt Nam, còn con cái họ phải hiểu biết về cả hai nền văn hóa, họ là gia đình quốc tế và phải nỗ lực hơn” - ông Lee chia sẻ.
Điều làm ông Lee mừng nhất là hầu hết cô dâu Việt Nam đều chăm chỉ, thông minh, tỉ lệ ly hôn trong gia đình Hàn - Việt thấp hơn so với nhóm các gia đình đa văn hóa khác. Tính về chỉ số gia đình hạnh phúc, tỉ lệ gia đình Hàn - Việt hạnh phúc đứng thứ hai sau các gia đình Nhật - Hàn. Năm 2010, khi tổ chức ký kết xây dựng gia đình không bạo lực, nhiều cô dâu Việt Nam viết tiếng Hàn còn đẹp hơn người chồng Hàn Quốc.
Năm nay, những gia đình chàng rể biết nói tiếng Việt sẽ được chọn để Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp” hỗ trợ mời bố mẹ Việt Nam sang chơi, để con rể có thể thăm hỏi bố mẹ vợ và chia sẻ những gì các con đang cố gắng, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.
“Có con gái chắc chắn không ai muốn gả con xa xôi, nhưng rồi run rủi con gái họ thế nào lại đi lấy chồng tận Hàn Quốc. Con mình sinh ra mà không được gặp, tôi là người cha, tôi biết tâm sự của người cha và chúng tôi đang cùng cố gắng để nối nhịp cầu quê hương cho các cô dâu. Khó khăn và phải nỗ lực lắm, nhưng hãy cùng nhau cố gắng nhé”- ông Lee nói khi chia tay chúng tôi.
“Vì cuộc sống tươi đẹp” đã giúp chúng tôi hội nhập Tôi lấy chồng và sang Hàn Quốc sinh sống năm 2008. Từ đó đến nay chưa được gặp cha mẹ, gia đình, nhiều lần muốn thu xếp về thăm mà không đủ điều kiện, rồi lại mang bầu và nuôi con nhỏ. Nhờ sự sắp xếp của Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp” do ông Lee Kwang Hi đứng đầu, đưa cha mẹ sang thăm con ở Hàn Quốc, tôi đã được gặp cha mẹ già. Gia đình nhỏ của chúng tôi đang cố gắng tổ chức cuộc sống mới hạnh phúc, tôi cũng đi học tiếng Hàn Quốc tại trung tâm của Tổ chức “Vì cuộc sống tươi đẹp” và học nấu món ăn Hàn ở đây. Thông qua trung tâm, nhiều chị đã tìm được việc làm như làm phiên dịch tại trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa. Chúng tôi cũng sẽ chăm chỉ làm ăn để có thể đưa chồng con về Việt Nam thăm cha mẹ, thăm quê hương. Chị NGUYỄN THỊ VÂN (cô dâu Việt Nam ở tỉnh Chong Buk) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận