08/03/2011 07:30 GMT+7

"Chúng ta không được im lặng"

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam STAFFAN HERRSTRÖM
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam STAFFAN HERRSTRÖM

TTO - "Hôm này là ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Thường đây là ngày để mọi người kỷ niệm, tặng hoa cho nhau. Vâng, những việc làm như vậy không có gì là sai cả", Đại sứ Thụy Điển tại VN Staffan Herrstrom viết cho Tuổi Trẻ.

Read this on Tuoitrenews.vn

69HqMXDj.jpgPhóng to
Đại sứ Staffan Herrström phát biểu khai mạc khóa học dành cho các lãnh đạo báo chí VN tại TP.HCM năm 2010 - Ảnh: T.L.

Nhưng quan trọng hơn cả, một ngày như thế này cần dành cho những vấn đề then chốt như bạo lực gia đình và quan hệ quyền lực chỉ có lợi cho nam giới.

Hình mẫu này không phải là hiếm ở các xã hội khác nhau, chỉ có điều mức độ ít nhiều thì tùy từng nơi. Một ví dụ đơn giản về biểu hiện của bất bình đẳng là các em gái thường không có cơ hội đi học ngang bằng như các em trai.

Vậy điều gì đang thực sự xảy ra với phụ nữ trên thế giới mặc dù chúng ta đã cùng nhau tổ chức kỉ niệm ngày này hàng trăm năm nay rồi? Tôi được biết khoảng 1/3 phụ nữ trên toàn cầu là nạn nhân của bạo hành, mà thường là trong tình huống khủng khiếp như cưỡng hiếp một cách có hệ thống trong các cuộc xung đột có vũ trang.

Khi viết những dòng chữ này, tôi lại nhớ đến câu chuyện của tôi với những em gái ở Zanzibar (Tanzania) cách đây một năm. Họ chia sẻ với tôi nỗi sợ hãi vị bi ép tảo hôn, đôi khi đó là do truyền thống, nhưng đôi khi bởi hậu quả của lạm dụng tình dục.

Tôi vừa đọc một nghiên cứu về bạo hành gia đình tại Việt Nam do Tổng Cục thống kê và Liên Hiệp quốc đưa ra tháng 11 năm ngoái. Một vài con số đáng lưu ý:

- 34% phụ nữ từng lập gia đình nói họ từng là nạn nhân của bạo hành thể xác và/hoặc bạo hành tình dục trong cuộc sống của họ

- Nếu bạn tính cả những trường hợp bạo hành tinh thần thì con số này lên tới 58%

- Nhưng những thực trạng như thế này lại đang được giấu kín: Một nửa những phụ nữ bị bạn đời của mình bạo hành về thể xác hay tình dục đều không bao giờ kể cho ai hết.

Và thậm chí còn tồi tệ hơn: nhiều phụ nữ, ở đây cũng như ở Tanzania, tin rằng bạo hành trong gia đình là bình thường và chấp nhận được hay ít nhất đây là điều cần phải chịu đựng để gìn giữ gia đình của mình.

Tên của báo cáo nghiên cứu này có thể là câu trả lời cho suy nghĩ này: Im lặng là chết.

Tựa đề này lấy từ lời nói của một phụ nữ sống ở Hà Nội. Cô ấy đã nói đại ý là: Tôi nghĩ rằng phụ nữ, nạn nhân của bạo hành phải lên tiếng và kêu gọi sự giúp đỡ và tư vấn... Chúng ta không nên im lặng. Im lặng là chết.

Khi đọc đến câu nói này, tôi nghĩ đến một người đàn ông dũng cảm mà tôi đã gặp trong một chuyến công tác ở Việt Nam. Anh đã lên tiếng phản đối bạo hành gia đình, phản đối những người đàn ông, thủ phạm của bạo hành gia đình, phản đối chính quyền địa phương không tham gia và hành động chống bạo hành gia đình như lẽ ra họ phải làm. Cần phải có nhiều nam giới hành động giống như anh ấy. Và ví dụ điển hình là nhóm nam giới chống bạo hành gia đình, một sáng kiến của tổ chức phi chính phủ CSAGA.

Hôm này là một trong số 365 ngày. Cái cần quan tâm thật sự là điều gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau trong cuộc sống của 34% phụ nữ bị lạm dụng thân thể.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam STAFFAN HERRSTRÖM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên