Phóng to |
Bà Lê Thị Gái vá lưới cho chồng đi đánh cá - Ảnh: Đông Hà |
Bà Nguyễn Thị Hậu (55 tuổi, ấp An Hòa, xã An Thới Đông, Cần Giờ) nói gia đình bà trước đây làm đầm nuôi tôm nhưng sau đó do bị ô nhiễm, tôm cá chết hết phải bỏ hoang và chuyển sang làm nghề đốn lá dừa nước. “Hồi đó tới giờ mắc nợ ngân hàng, nợ bên ngoài hơn 50 triệu đồng. Tiền bồi thường nhận về trả nợ gần hết, còn dư chút ít mới sửa sang đầm lại để nuôi tôm tiếp” - bà Hậu kể.
Cần Giờ chi trả tiền Vedan bồi thường đợt 2 Ngày 23-2, Kho bạc Nhà nước huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã giải quyết chi trả đợt 2 cho người dân trong danh sách 197 hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản (làm đầm, đập). Ông Phan Văn Phận, chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, cho biết tổng số hộ được chi trả là 915 hộ, trong đó có 128 trường hợp được xem xét chi hỗ trợ 8-20 triệu đồng tùy trường hợp. Riêng 498 hộ làm nghề đánh bắt thủy sản ở xã Thạnh An, thống nhất phương án chia làm ba nhóm với tổng số tiền được chia tương ứng cho từng hộ ở nhóm A là 43,9 triệu đồng, nhóm B là 38,9 triệu đồng và nhóm C là 33,9 triệu đồng. N.TRIỀU |
Bà Trần Thị Liên (ấp An Phú, xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ) cho biết nhà bà có 10ha đầm nhưng do ô nhiễm nên thua lỗ, bằng khoán thế chấp cho ngân hàng mấy năm trời chưa trả nổi, đó là chưa kể phải vay tiền khắp nơi. Bà từng cạo đầu vái trời mong được Vedan bồi thường để có tiền trả nợ. “Bây giờ nhận được tiền rồi, phải trả nợ và lấy bằng khoán về trước, còn chuyện sửa sang bờ, cải tạo đầm nếu còn tiền thì sẽ tính”.
Hơn chục hộ khác, như hộ ông Phạm Phát Đạt, ông Nguyễn Văn Sơn, bà Nguyễn Thị Hết (xã An Thới Đông) hay hộ ông Nguyễn Văn Tới, Lê Văn Mịnh, Đoàn Văn Giỏi (xã Tam Thôn Hiệp)... đều có chung kế hoạch xài tiền tương tự. Duy chỉ có bà Nguyễn Ngọc Giang (ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp) cho hay khi nuôi thủy sản thua lỗ, gia đình bà đã chuyển sang nghề chở vật liệu xây dựng về bán lại.
Theo ông Đoàn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, do biết phần lớn người dân làm ăn thua lỗ lâm cảnh nợ nần nên từ đầu huyện đã chủ trương không cấn trừ những khoản nợ vay xóa đói giảm nghèo, chi trả đủ tiền bồi thường cho người dân. Huyện cũng triển khai cho các tổ chức đoàn thể, UBND các xã có định hướng, tư vấn cho bà con việc chi dùng tiền bồi thường một cách có hiệu quả. “Chúng tôi giao đài truyền thanh huyện thực hiện và phát những cuộc phỏng vấn, hỏi đáp nhằm gợi mở cho người dân phương thức sử dụng tiền bồi thường, những mô hình làm ăn tích cực” - ông Sơn nói.
Trở lại với nghề
Trở lại ấp Bến Đình, xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi gặp gia đình ông Đỗ Văn Kỳ và Trịnh Hữu Lợi (hai nhân vật trong bài “Sông chết, người ly tán” Tuổi Trẻ tháng 8-2010). Cả hai hộ dân này là những người đánh bắt hải sản bị thiệt hại do sông Thị Vải ô nhiễm và đều được nhận tiền bồi thường của Vedan. Trưa 22-2, khi chúng tôi đến cả hai ông đang ngược xuôi dòng Thị Vải để đánh bắt cá tôm.
Bà Lê Thị Gái, vợ ông Kỳ, vui vẻ: “Tuy chỉ nhận được gần 15 triệu đồng tiền bồi thường của Vedan nhưng đối với tôi đó là một khoản tiền lớn”. Có tiền, ông Kỳ đã mua vật liệu để gia cố chiếc ghe nhỏ và mua thêm được vài tay lưới. Ông bà còn dùng số tiền bồi thường để trang trải ít nợ nần.
Còn ông Trịnh Hữu Lợi dùng số tiền hơn 13 triệu đồng để sửa máy ghe, mua thêm sáu tay lưới. Bà Đỗ Thị Liên, vợ ông Lợi, hồ hởi: “Có thêm lưới, máy ghe được tu sửa, ông ấy cũng đánh bắt được nhiều cá, ghẹ hơn”.
Chúng tôi đến ấp Phú Thạnh (xã Mỹ Xuân), nơi có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, thấy bờ đùng ở đây đã được đắp cao, mới, gọn gàng. Ông Nguyễn Văn Đen (50 tuổi), có ba sào thả tôm sú, cho biết ông nhận được hơn 20 triệu đồng tiền bồi thường và dùng toàn bộ số tiền này thuê người đắp bờ, nạo vét, làm sạch lòng đùng. Ngoài nuôi tôm, ông Đen còn dùng tiền bồi thường mua lưới, sửa lại ghe để làm thêm nghề đánh bắt.
Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phụng (49 tuổi) nói: “Vậy là nghề của bà con chúng tôi sống lại rồi”. Số tiền 29 triệu đồng bồi thường nhận được, bà Phụng dùng hết để nạo vét, tu bổ sáu sào đùng. Khi chúng tôi đến, đùng trước mặt nhà bà đã thả tôm giống, một số đùng khác đang thuê xe xúc nạo vét.
Bà Nguyễn Thị Khuê, người nuôi tôm công nghiệp ở ấp Phú Thạnh (xã Mỹ Xuân), cho biết gia đình bà nhận được 220 triệu đồng bồi thường thì dùng 100 triệu đồng mua sắm vật liệu, con giống, làm mới đùng, còn hơn 100 triệu đồng dùng để trang trải nợ do tôm chết trước đây.
Ông Lê Xuân Danh, chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Xuân, cho biết toàn xã đã có 60% số hộ nuôi trồng và 40% số hộ đánh bắt quay lại với nghề. Tại xã Tân Phước (Tân Thành), ông Nguyễn Ngọc Sáng, phó chủ tịch Hội Nông dân, cũng nói bà con ở đây quay lại với nghề cá khá nhiều. Theo ông Sáng, có 50-60% số hộ của xã này được Vedan bồi thường đã quay lại với nghề.
Trong khi đó, tại thị trấn Phú Mỹ (Tân Thành), chỉ có 20% số hộ đánh bắt quay lại với nghề, đa số các hộ nuôi trồng thủy sản không trở lại nghề, dùng số tiền bồi thường để làm các nghề khác. Ông Lê Quý Phương, chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Mỹ, lý giải: “Số đùng của bà con Phú Mỹ đã bị thu hồi để làm khu công nghiệp, cảng biển nên nhiều người dùng tiền để mở cửa hàng tạp hóa, xây phòng trọ, làm dịch vụ”. Còn ông Trần Văn Hòa, chủ tịch UBND xã Phước Hòa (Tân Thành), cho hay diện tích đùng của xã giảm 80-90% do bị lấy để làm khu công nghiệp và cảng biển. Do đó, bà con nuôi trồng đã chuyển đổi nghề nghiệp.
Dân nghèo vẫn chạy ăn từng bữa Nghe nhắc đến tiền bồi thường của Vedan, ông Đỗ Văn Truyền (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) nói: “14 năm thiệt hại, tôi nhận được hơn 2,7 triệu đồng mang về trả nợ tiền gạo và mấy cái nợ lặt vặt ra hết”. Còn bây giờ, ông Truyền bảo mình bắt đầu dắt hai con nhỏ xuống sông đi móc cua và làm lại nghề mà nhiều năm ông từng gắn bó. Cũng là người sống nhiều năm ở xã Phước An, ông Trần Văn Quang thổ lộ: “Dân có tiền, có đất đai mới nuôi trồng, nay nhận được số tiền bồi thường lớn thì phải tính toán làm ăn. Chứ dân đánh bắt như chúng tôi được bồi thường không bao nhiêu nên phải quay lại với cái nghề bắt chem chép, móc cua để chạy ăn từng bữa”. Khác với ông Truyền, anh Trần Hồng Đang (ấp Bà Trường) được xác nhận làm nghề đóng đáy, nhận tiền bồi thường hơn 11,3 triệu đồng đã mua lưới trở lại sông Lồ Ô (một nhánh sông Thị Vải) để hi vọng chờ con nước, cất được những mẻ lưới cá tôm. Anh Đang nói: “Làm hai miệng đáy, phải sắm sửa thêm ghe và các ngư cụ, số tiền được đền bù cũng không đủ để tái đầu tư”. Ông Lưu Văn Nghề, chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Có một số người nhận được tiền kha khá tranh thủ lo đắp đập, be bờ để nuôi tôm trở lại. Nhưng cũng có hộ không còn tiền vì phải trả nợ”. Còn ông Võ Văn Tắc, chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước (huyện Long Thành), kể: “Có 85 hộ nằm trong danh sách nhận tiền bồi thường nhưng đa số là dân đánh bắt nên tiền nhận được không đáng kể. Bình quân mỗi hộ nhận được 1-3 triệu đồng, giờ đây sống tạm bợ qua ngày”. Đ.HÀ - H.MI - M.LUẬN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận