14/02/2011 08:20 GMT+7

Thu phí bảo trì đường: Chưa thuyết phục

NGỌC ẨN ghi
NGỌC ẨN ghi

TT - Phương án thu phí bảo trì đường do Bộ Giao thông vận tải đề xuất ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến băn khoăn và không đồng tình. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc và bạn đọc về vấn đề này.

zdKX0hFZ.jpgPhóng to
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội, quận 9, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Xe máy, ôtô sẽ nộp phí bảo trì đường?

* Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai (khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM):

Không nên thu phí xe gắn máy

Tôi cho rằng khi đưa ra quy định thu phí bảo trì đường, cơ quan thẩm quyền cần bảo đảm chất lượng đường bộ tốt mới thuyết phục người nộp phí. Ngược lại chất lượng đường hiện nay rất xấu, chưa đạt yêu cầu mà thu phí là không hợp lý. Đi trên nhiều tuyến đường tôi nhận thấy có những con đường do thi công ẩu, thi công chưa đúng chất lượng nên đường xuống cấp nhanh.

Có thể nói, tác động làm cho đường hư hỏng xuống cấp là do xe tải chở quá tải và chỉ có ôtô mới tác động nhiều đến mặt đường. Còn các loại xe gắn máy không tạo áp lực trên mặt đường vì tải trọng xe quá nhỏ và bánh xe nhỏ không gây ảnh hưởng đến bề mặt đường. Ngược lại, chính đường sá xuống cấp đã làm cho xe máy mau hư hỏng. Vì vậy, việc thu phí bảo trì đường với xe gắn máy là không hợp lý và không thuyết phục người nộp phí.

* Ông Nguyễn Văn Dũng (chủ nhiệm HTX vận tải dịch vụ du lịch Sài Gòn):

Gánh nặng của chủ xe

Hàng chục năm qua các xe đã nộp phí cầu đường thông qua xăng dầu, nay nộp thêm khoản phí bảo trì đường sẽ là một gánh nặng đối với chủ xe. Bởi vì xe đò đi từ TP.HCM đến Hà Nội phải qua gần 20 trạm thu phí cầu đường, từ TP.HCM đi Tây nguyên có đến bảy trạm thu phí và đường về miền Tây có ba trạm thu phí. Rõ ràng nếu phải nộp thu phí bảo trì đường thì các xe đò đội phí và giá cước vận tải hành khách tăng thêm.

Tôi cho rằng phương án tổ chức thu phí bảo trì đường rất phức tạp vì cơ quan chức năng sẽ lập ra bộ máy hành thu và liệu có giải quyết cho những xe bị hư hỏng đang sửa chữa (không lăn bánh trên đường) không nộp phí. Tại sao không thu phí qua xăng dầu như hiện nay vì nó rất ổn định và không gây ảnh hưởng nhiều đến giá cước vận tải hành khách? Điều bất hợp lý nhất là ở các nước người ta làm đường sá tốt mới thu phí, còn ở nước ta thì làm ngược lại, đường sá hư hỏng mà tổ chức thu phí.

* Luật sư Thái Văn Chung (tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Cước phí vận tải cao nhất thế giới

Hiện nay cước phí vận tải hàng hóa ở VN thuộc loại cao nhất thế giới. Vì vậy, việc đặt thêm loại phí bảo trì đường bộ này sẽ đẩy giá cước vận tải hàng hóa tăng cao. Tôi cho rằng nếu thực hiện phương án thu phí này thì nên dẹp bỏ việc thu phí qua xăng dầu và bãi bỏ các trạm thu phí của Nhà nước để tránh tình trạng phí chồng phí. Việc thu phí thông qua đăng kiểm xe cũng không hợp lý vì có những xe chỉ hoạt động trong bến bãi, cảng, không lưu thông trên đường.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải thì mức thu phí bảo trì đường đối với xe tải, container là quá nặng: gần 17 triệu đồng/xe/năm. Hiện cơ cấu giá thành cước vận tải đang chịu nhiều tác động như giá vật tư phụ tùng tăng và các doanh nghiệp vận tải đầu tư xe mới đang gánh chịu lãi suất vay ngân hàng rất cao, việc đưa thêm phí bảo trì đường sẽ làm tăng giá cước - nghĩa là sẽ tác động lớn đến giá cả hàng hóa.

Bên cạnh đó, Luật thuế môi trường có hiệu lực sẽ tính thuế môi trường trong mặt hàng xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít xăng hoặc dầu. Điều này càng tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải vì xăng dầu chiếm tỉ lệ 45% trong cơ cấu giá thành cước vận tải. Chúng tôi đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét và cho dừng phương án thu phí bảo trì đường để các doanh nghiệp vận tải không bị nhiều gánh nặng phí.

Không nhầm đối tượng nhưng không công bằng

Tôi là giáo viên, đi dạy một tuần bốn buổi cách nhà 4km, một tháng đi tổng cộng khoảng 130km, nếu tính tiền xăng sẽ khoảng 3 lít xăng x 16.400 đồng ≈ 50.000 đồng mà phải đóng phí bảo trì đường bộ tới 100.000 đồng/tháng thì thật vô lý và không công bằng so với những người chạy xe nhiều có thể cả ngàn kilômet mỗi tháng.

Nếu Bộ Giao thông vận tải cho rằng cần thiết phải thu phí bảo trì đường bộ thì cần đưa ra mức phí hợp lý và đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng phương tiện trên đường (có thể qua việc ghi lại số kilômet đã chạy thực tế trên xe mỗi năm để quy ra số tiền phải đóng, còn nếu tính bình quân thì mức phí phải thấp hơn nhiều, khoảng 100.000 đồng/năm là hợp lý). Với mức phí từ 80.000-100.000 đồng/tháng, trong khi lương giáo viên hay công nhân chỉ từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, khoản phí này sẽ khiến cuộc sống của người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp đã khó khăn càng khó khăn thêm khi giá cả mọi thứ đều tăng chóng mặt như hiện nay.

Nguyễn Thị Dung (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM)

NGỌC ẨN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên