Ngư dân Long Hải lại hứng chịu đau thương sau vụ 21 ngư dân mất tích cách đây hơn một tháng…
Phóng to |
Chị Nguyễn Thu Tâm, vợ ngư dân Nguyễn Văn Long, xót xa khóc chồng - Ảnh Đông Hà |
Năm ngư dân mất tích đều ngụ tại ấp Hải Phong 1, thị trấn Long Hải gồm: ba anh em ruột Đặng Vinh Quang (35 tuổi), Đặng Thế Quang (31 tuổi), Đặng Tuấn Hải (29 tuổi) và anh Kim Thanh Tâm (22 tuổi), anh Nguyễn Văn Long (40 tuổi).
Người duy nhất được cứu sống là anh Phạm Văn Trừ, 21 tuổi. Lúc 21g ngày 25-1, anh Trừ đã về đến nhà sau khi được một ghe cào ở Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cứu vớt.
Một gia đình có ba con trai mất tích
Phóng to |
Ông Đặng Văn Thanh thắp nén nhang cho các con - Ảnh Đông Hà |
Sáng 26-1, khi chúng tôi đến ấp Hải Hà 1, bàn thờ cầu vong đã được lập trước nhà ông Đặng Văn Thanh - bà Lê Thị Cải. Ngồi trước bàn thờ, bà Cải với vẻ mặt thất thần không thể ngờ được ba người con trai của mình đã không trở về. Hàng xóm, láng giềng vây quanh ông bà để hỏi thăm và động viên. Được một lát, bà Cải vào nhà trong, khóc ngất: “Trời ơi! Ba đứa con tôi đã bỏ nhà mà đi! Sao ba con bỏ mẹ mà đi"...
Nhà hai ngư dân mất tích khác là anh Kim Thanh Tâm và Nguyễn Văn Long ở gần bên nhà bà Cải. Bố mẹ và vợ anh Tâm cũng đã lập bàn thờ cho anh. Chị Nguyễn Thu Tâm (vợ anh Long) dùng tay áo lau hàng nước mắt nói: “Hi vọng anh ấy được cứu sống nhưng do chưa tỉnh nên chưa gọi điện về được”. Bởi vậy, cứ khi chuông điện thoại đổ, chị lại hi vọng đó là tiếng của chồng. Nhưng đến trưa 26-1, chị vẫn chưa nghe được tiếng của anh.
“Mấy tháng nay biển động nên anh ấy chỉ ở nhà. Nhưng mới đây vì cận tết không có tiền nên anh ấy nói với tôi ráng đi một chuyến để có tiền mua cho ba đứa con bộ áo quần, đôi dép ngày tết và còn tiền lì xì cho mấy đứa. Vậy mà…”, giọng chị Tâm đứt quãng.
Cả năm ngư dân mất tích đều là lao động nghèo. Căn nhà mà bố mẹ, vợ con anh Tâm đang cư ngụ là nhà đại đoàn kết, vừa được Nhà nước xây cho năm ngoái. Anh Long là lao động chính của gia đình, mỗi mình anh phải lo cho vợ và ba con đang ăn học. Chiếc ghe xấu số của gia đình ông Thanh, bà Cải là loại ghe nhỏ, dùng để câu mực. Cả gia đình ông bà và các con dành dụm mãi, cách đây sáu tháng mới có được 40 triệu đồng để mua lại chiếc ghe cũ.
“Ghe cứu không tới mà người đi kêu cũng không về”
Phóng to |
Anh Phạm Văn Trừ, ngư dân duy nhất trở về - Ảnh Đông Hà |
Khi đến nhà anh Phạm Văn Trừ, anh đang nằm bẹp trên chiếc giường xếp. Người anh nhỏ thó, chỉ nặng chừng 40-50kg. Anh Trừ cho biết khoảng 9g sáng 24-1, khi đang trên đường vào bờ, lúc còn cách nhà mình chừng 60 hải lý thì bất ngờ có một cơn sóng lớn đánh ngang hông làm chìm ghe. Cả sáu người trên ghe đều nhảy ra ngoài và bơi quần bên nhau.
Ban đầu, anh Đặng Tuấn Hải thấy xa xa có một chiếc ghe nên rời nhóm, bơi đến để kêu cứu nhưng ghe không tới cứu mà anh Hải cũng không quay lại. Tiếp đến, có một ghe khác chạy ngang, anh Kim Thanh Tâm cũng tình nguyện bơi đi nhưng rồi cả ghe và người đều bặt tăm.
Còn bốn người tiếp tục bơi bên nhau và động viên nhau. Nhưng chỉ được một lúc, anh Đặng Thế Quang bị sùi bọt mép, tắt thở rồi chìm xuống biển. Sau đó, anh Đặng Quang Vinh và anh Nguyễn Văn Long cũng không chịu nổi sóng lớn, nước lạnh và chìm. Đến 9g sáng hôm sau, anh Trừ được một ghe cào cứu vớt khi đã bất tỉnh…
“Khi bơi bên nhau, anh em chúng tôi nói nhau rằng vái trời phật cho sống trở về cùng gia đình, chúng tôi sẽ cạo đầu đi tu. Anh Hải, anh Tâm đã tình nguyện bơi đi tìm ghe cứu vớt nhưng ghe cứu không đến mà người đi kêu cứu cũng không trở về!”, anh Trừ đau buồn nói.
Một lần nữa, ngư dân Long Hải lại hứng chịu nỗi đau cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con thơ mất cha…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận