13/01/2011 05:04 GMT+7

Rét kỷ lục: -3,6 độ C

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TT - Ngày 12-1, nhiệt độ nhiều nơi tại vùng núi phía Bắc tiếp tục giảm thấp. Ở đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), vào thời điểm gần sáng nhiệt độ đã xuống mức kỷ lục -3,6OC, băng giá phủ khắp nơi một màu trắng muốt.

lrPpTE4d.jpgPhóng to
Ly Giá Pa gùi rơm về đắp cho nghé trong cái rét cắt da cắt thịt - Ảnh: T.Hoàng

Khốn khổ vì rétĐỉnh Mẫu Sơn - 3,6 độ C, băng tuyết bao phủ

Ông Hà Văn Tiên, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lạng Sơn, cho biết đến 11g ngày 12-1, do trời có nắng nên nhiệt độ tại Mẫu Sơn đã tăng lên mức -0,6OC và băng giá bắt đầu tan chảy. Theo ông Tiên, nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn được ghi nhận vào mùa đông năm 1973 (-3OC). Nhưng sáng sớm nay mức kỷ lục đó đã bị vượt qua khi nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống -3,6OC. Tuy nhiên, ông Tiên nhận định do trời không còn mưa, có hửng nắng nên khó có khả năng tiếp tục xuất hiện băng tuyết trên Mẫu Sơn.

Tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, sáng 12-1 nhiệt độ vẫn duy trì mức thấp 9-10OC dù không còn mưa. Tuy nhiên đến trưa, trời hửng nắng, nhiệt độ đã nhích lên. Đến 13g, nhiệt độ tại Hà Nội lên mức 13OC. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh do không khí lạnh tiếp tục tràn xuống nên nhiệt độ giảm thấp hơn một ngày trước đó, thấp nhất phổ biến ở mức 9-11OC.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hôm nay (13-1) không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các nơi khác thuộc Trung Trung bộ và một số nơi ở Nam Trung bộ. Ở các tỉnh Trung Trung bộ trời rét, phía Bắc rét đậm, rét hại. Dự báo ngày 14, 15-1 và 17, 18-1 sẽ có thêm hai đợt không khí lạnh tăng cường liên tiếp.

Hàng ngàn trâu, bò chết vì rét

Chiều tối 12-1, ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết đã có trên 3.900 trâu, bò chết vì rét, tăng gần 1.500 con so với một ngày trước đó.

Ngày 12-1, chúng tôi đã đến xã Y Tý nằm trên những đỉnh núi cao của huyện Bát Xát, Lào Cai. Gần tám giờ chạy xe máy bò từng mét đường ngược dốc, sương mù trắng muốt, đặc quánh với cái lạnh 2-3OC, chúng tôi mới lên đến bản Chỏn Thèn - một trong những đỉnh cao nhất của Y Tý. Đầu bản, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cậu bé Ly Giá Pa (6 tuổi) người nhỏ thó, mặc chiếc áo mỏng, chân đất đang đi gùi rơm về đắp cho nghé trong cái rét cắt da cắt thịt. Anh Ly Giá Mừ, bố của Pa, mếu máo kể: “Nhà có ba con trâu thì chết mất một, hai con cũng sắp quỵ vì rét rồi chú ạ. Khổ thân thằng bé cả đêm hôm qua cứ ngồi khóc trâu, sáng nay lạnh thế vẫn chạy đi xin rơm về buộc chắn gió cho con nghé”.

Anh Mừ cho biết thêm số tiền mua trâu là gia đình vay lãi từ năm 2000, giờ vốn chưa trả hết thì trâu lăn ra chết. “Lấy đâu ra trâu mà cày nương bây giờ hả chú. Không có trâu sang năm lại đói dài” - anh Mừ vừa nói vừa bần thần nhìn ra phía cửa nơi hai đứa con nhỏ nhà anh đang đốt lửa sưởi trong cái lạnh buốt giá.

Trong khi nỗi lo trâu chết vì rét chưa qua thì người dân Y Tý lại phải đối mặt với nguy cơ trời rét kéo dài đến khi ấm lên trâu cũng dễ chết do mỡ trong cơ thể tan nhanh. Ông Chu Lý Si (bản Lao Chải) với kinh nghiệm gần 40 năm nuôi trâu cho biết: “Trâu nhà nuôi mới chết một con, mấy con còn lại yếu lắm. Giờ rét thêm trâu cũng chết, mà nắng lên chắc cũng phải khóc trâu thôi”.

6cUdHxCb.jpgPhóng to
Gia đình ông Phu Giáo Sư có hai con trâu bị chết rét phải mổ để bán vớt vát tiền vốn - Ảnh: T.Hoàng

Đào, quất lo không có tết

Đợt rét đậm, rét hại này đã gây thiệt hại cho những vườn đào, quất ở Hà Nội đang gần đến vụ thu hoạch. “Trước Tết dương lịch, chủ quan vì thấy thời tiết ấm, lại nghe đài báo năm nay trời cũng ít lạnh nên nhà tôi tuốt lá muộn. Nhưng giờ còn chưa đầy tháng nữa là tết thì trời lại rét đậm, đào, quất không chịu nhú lộc. Cứ thế này thì năm nay mất ăn tết. Chỉ có hơn 200 gốc thôi mà cả nhà tôi dạo này lúc nào cũng như có con mọn, trông ngóng thời tiết từng ngày, từng giờ” - ông Nguyễn Lương Sơn, chủ một vườn đào ở cụm 3, P.Nhật Tân (Q.Tây Hồ, Hà Nội), than vãn. Đây cũng là tâm trạng chung của người dân Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên (Q.Tây Hồ) trong những ngày này.

Nhiều hoạt động được bà con ở khu vực này tích cực làm từ sau Tết dương lịch để cứu cánh đồng đào, quất phục vụ tết như: ngày nào cũng gánh nước, gánh phân tưới các gốc đào để giữ ẩm và làm ấm cho cây. Thậm chí, họ còn dùng lưới phủ quanh ruộng rồi thắp đèn điện vào buổi tối cho cây đỡ rét nhưng nỗi lo về một vụ đào, quất thất thu vẫn không nguôi ngoai. Bởi nếu giờ tưới nước nhiều quá, đến mấy ngày nữa mà có nắng thì đào, quất cũng hỏng.

Thêm nhiều tỉnh thành cho học sinh nghỉ học

Trước tình hình rét đậm kéo dài, ngày 12-1 Sở GD-ĐT Ninh Bình đã quyết định cho trên 100.000 học sinh của hơn 300 trường mầm non, tiểu học nghỉ học. Tại Hải Phòng, theo ông Đỗ Văn Lợi - chánh văn phòng Sở GD-ĐT, hầu hết các trường mầm non, tiểu học ở Hải Phòng đã cho học sinh nghỉ học. Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng cho biết có khoảng 17.000 học sinh của trên 30 trường phải nghỉ học trong mấy ngày qua...

Theo lãnh đạo các sở GD-ĐT, với việc tựu trường sớm hai tuần của năm học 2010-2011, các trường tạm thời không bị xáo trộn việc học khi phải cho học sinh nghỉ học tránh rét kéo dài. Tuy nhiên, nếu đợt rét đậm tiếp tục đến giáp tết thì các trường sẽ phải bố trí kế hoạch dạy bù để đảm bảo không cắt xén chương trình.

Chiều 12-1, UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi các quận huyện, thị xã yêu cầu tập trung rà soát, kiểm tra điều kiện phòng chống rét tại những gia đình thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn..., nhất quyết không để sót các đối tượng không có nơi cư trú chịu đói rét ngoài đường.

Vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra đêm 11-1 làm bà Nguyễn Thị Phương (thường gọi là Lự, 70 tuổi, quê ở Yên Định, Thanh Hóa) và cháu nội Nguyễn Văn Hải (12 tuổi) sống tại xóm bè ở bãi giữa sông Hồng (thuộc P.Phúc Xá, Q.Ba Đình, Hà Nội) tử vong.

Xóm thuyền ở bãi giữa sông Hồng, nơi hai bà cháu sinh sống đến chiều tối 12-1 vẫn còn bàng hoàng. Ông Nguyễn Trung Quang - hàng xóm của bà Lự, người trực tiếp vớt thi thể hai bà cháu - đau xót kể: tối 11-1 trời rất lạnh, cả xóm không ai dám ra ngoài, đến 19g khi lửa cháy phừng phừng sáng cả một khoảng trời thì mọi người mới biết và hô hoán. Ông Quang đã bơi thuyền sang phía bè của bà Lự, nhưng cách bè bà Lự khoảng 10m thì lửa quá rát, thùng phuy nổ làm ông không dám đến gần. Đến tận 23g, khi cả xóm thuyền và cơ quan chức năng P.Phúc Xá tích cực dập lửa, đám cháy mới tàn dần. “Tôi đã vớt thi thể hai bà cháu, cả hai người cháy đen, sáng 12-1 tôi mới vớt được cánh tay và chân của cháu bé dưới nước lạnh. Tội nghiệp cháu Hải, nó rất ngoan” - ông Quang đau xót nói.

Ông Hoàng Mạnh Cường, cũng người xóm bè, cho biết mấy hôm nay trời rét, ở xóm bè càng rét khiến ông không dám về bè ngủ, phải đi thuê trọ ở ngoài. Nhưng gia đình bà Lự nào dám thế. Bà Lự già yếu, sống nhờ trợ cấp. Con trai bà - anh Hoàng (bố cháu Hải) - mới bị đi tù, còn cháu Hải được một tổ chức quốc tế tặng gạo và cho đi học ở lớp học tình thương.

Thời điểm xảy ra tai nạn, cả xóm không hề nghe thấy tiếng kêu cứu của hai bà cháu, có thể do bè bà Lự ở xa nhất, không gian bãi giữa sông lại rộng. Ông Quang cũng cho rằng có thể do hai bà cháu đốt lửa sưởi và bị cháy không kịp kêu. Sáng 12-1, một người cháu của bà Lự làm việc ở Thanh Xuân đã đến nhận người thân và đưa thi thể về quê.

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên