05/01/2011 07:24 GMT+7

Đổi mới cơ chế bầu cử Quốc hội

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Ngày 4-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã có ý kiến về báo cáo sơ kết triển khai kế hoạch của QH thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật VN đến 2010, định hướng 2020”.

Trong đó có định hướng nghiên cứu sửa hiến pháp, chuyển viện kiểm sát nhân dân thành viện công tố...

vcB8onKD.jpgPhóng to
Chủ tịch HĐND TP.HCM, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP khóa XII Phạm Phương Thảo (bìa phải) tặng hoa cho bà Ngô Thị Huệ tại buổi họp mặt sáng 4-1 - Ảnh: MINH ĐỨC

Báo cáo cho biết trong giai đoạn 2005-2009, hoạt động xây dựng pháp luật đã có tiến bộ vượt bậc. QH và Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành được 70% số lượng các văn bản mà kế hoạch giai đoạn 2005-2012 đặt ra. Tỉ lệ văn bản pháp luật thuộc về tổ chức, hoạt động bộ máy, bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân chiếm 23% trong tổng số 124 (29 văn bản) luật, pháp lệnh được thông qua trong năm năm qua cùng 38 văn bản (30,7%) về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa...

Không ít quy định thiếu minh bạch

Dự luật Kiểm toán Độc lập: Bộ Tài chính nên giao bớt quyền

Thảo luận về dự án Luật kiểm toán độc lập, nhiều đại biểu đề nghị không nên để Bộ Tài chính cấp phép từ chứng chỉ kiểm toán viên đến giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán. Ông Phùng Quốc Hiển (chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách) và ông Nguyễn Văn Phúc (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) đều đề nghị Bộ Tài chính nên để việc đó cho các hội nghề nghiệp làm.

Theo báo cáo sơ kết, VN đã giảm bớt một số văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mỗi cơ quan hành pháp chỉ được ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật (như bộ trưởng chỉ được ban hành thông tư).

Tuy nhiên, báo cáo sơ kết cũng nêu rõ việc kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh của một số cơ quan chưa đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn. Một số trường hợp mắc bệnh hình thức, không hiệu quả khi đưa dự thảo luật ra lấy ý kiến nhân dân. Một số quy định pháp luật còn chưa sát thực tiễn, không ít quy định còn thiếu minh bạch, có thể gây hiểu lầm và áp dụng không thống nhất.

Đáng lưu ý, báo cáo nêu rõ tình trạng pháp luật không được thực thi đầy đủ vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực như quản lý đất đai, vệ sinh thực phẩm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ở nhiều bộ, số lượng thứ trưởng, phó vụ trưởng tăng quá quy định của Chính phủ. Chính những nhược điểm này đã gây tác động xấu đến hiệu quả quản lý nhà nước, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Cũng theo báo cáo, nhiều quyền cơ bản của công dân được hiến pháp quy định nhưng chưa được cụ thể hóa thành luật như quyền biểu tình, lập hội, quyền được thông tin, các luật về dân chủ trực tiếp như trưng cầu ý dân, tham vấn, phản biện xã hội cũng chậm ban hành...

Mở rộng quyền chất vấn

Với mục tiêu thể chế hóa nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, theo báo cáo sơ kết, định hướng thời gian tới sẽ phải nghiên cứu sửa đổi hiến pháp 1992 theo hướng tổ chức lại chính quyền địa phương có tính đến đặc thù vùng miền; bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ, gắn với quyền và lợi ích dân tộc...

Ban chỉ đạo thực hiện báo cáo này định hướng khá cụ thể về việc tổ chức QH thành cơ quan quyền lực tối cao, tiếp tục đổi mới cơ chế bầu cử để cử tri có thể lựa chọn được người thật sự có uy tín, khả năng bầu vào QH; tiếp tục chia tách một số ủy ban của QH có phạm vi phụ trách rộng, công việc nhiều, thành lập thêm một số ủy ban để phụ trách công tác dân nguyện, phục vụ đại biểu... Sắp tới, ngoài đại biểu QH được chất vấn, sẽ nghiên cứu trao quyền chất vấn cho Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH nhằm bảo đảm tất cả vấn đề khi đem ra QH được xem xét kỹ.

Báo cáo cũng định hướng đổi mới để tinh gọn, tăng dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ. Để làm điều này, Ban chỉ đạo sơ kết đã xác định phải làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Viện kiểm sát nhân dân sẽ được nghiên cứu chuyển thành viện công tố để tăng kiểm soát các hoạt động tư pháp, tăng quyền công tố ngay trong giai đoạn điều tra.

Báo cáo cũng nêu rõ việc phải bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp của nông dân, Nhà nước sẽ chỉ thu hồi đất cho mục đích công cộng để phục vụ an ninh quốc phòng, giao thông... Tất cả dự án có tính thương mại khác, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận giá đền bù với dân theo thời giá thị trường.

Thảo luận về báo cáo, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH tập trung vào chính sách bảo vệ đất nông nghiệp, khả năng các ủy ban QH cũng có quyền chất vấn và đặc biệt là việc phình bộ máy Chính phủ với nhiều cục, tổng cục... Ông Trần Thế Vượng, trưởng Ban dân nguyện, cho rằng nên xét kỹ việc đền bù cho nông dân vì theo hiến pháp, ngay cả khi Nhà nước thu hồi đất của họ cho mục đích an ninh, giao thông cũng phải đền bù theo thời giá thị trường.

Không ai giám sát biên chế

Đặc biệt, ông Vượng cho rằng cơ chế hiện nay “buông” kiểm soát biên chế khiến Chính phủ rất khó cân đối tiền để tăng lương. Việc sáp nhập bộ chỉ giảm đầu mối về danh nghĩa. “Bây giờ đi đến đâu cũng thấy đòi tăng biên chế, tăng lương. Cứ tăng thế thì tiền đâu nuôi nổi bộ máy?”.

Ông Phạm Minh Tuyên, trưởng ban công tác đại biểu, nhấn mạnh: “Hiện không ai quản tổng biên chế. Biên chế của Chính phủ thì Chính phủ quyết, của Đảng thì Đảng quyết, của QH thì QH quyết... Không có ai giám sát, kiểm tra”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng từ chuyện biên chế cho thấy VN đang thiếu tổng công trình sư có chức năng tham mưu để xây dựng bộ máy nhà nước. Ông Cường cũng đề nghị đổi mới tư duy hệ thống tòa án. Ông nói: “Tòa không chỉ xét xử mà còn phải làm án lệ, lấy đó làm chuẩn để các bộ không cần ban hành thông tư nữa. Nếu cứ như hiện nay sẽ không thể chấm dứt tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư chờ quyết định chủ tịch tỉnh”...

Họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội

Sáng 4-1, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt đại biểu Quốc hội các thời kỳ nhân kỷ niệm 65 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội VN (6-1-1946 - 6-1-2010).

Tham dự họp mặt có nguyên thủ tướng Phan Văn Khải (đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI), nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (đại biểu khóa IX, X, XI), chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình (đại biểu khóa X, XI, XII), phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Huỳnh Thị Nhân (đại biểu khóa IX) và đông đảo các đại biểu khác hiện đang sống tại TP.HCM. Đặc biệt, bà Ngô Thị Huệ - phu nhân cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV - mặc dù tuổi cao vẫn có mặt cùng các đại biểu để ôn lại những chặng đường hoạt động của Quốc hội suốt 65 năm qua.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Huỳnh Thành Lập, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, khẳng định 65 năm qua Quốc hội VN đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân. Trong sự nghiệp đổi mới, Quốc hội ngày càng nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên