01/01/2011 03:05 GMT+7

Quản chặt chi tiêu công

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 31-12, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua việc quản chặt chi tiêu công, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp.

Nhìn lại những gì yếu kém, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng công nhận giá tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất ngân hàng vẫn cao... là điểm yếu của VN năm 2010.

Điều hành chưa nhất quán

Phân tích lý do, Phó thủ tướng cho rằng có nguyên nhân chủ quan và nhấn mạnh chi phí sản xuất tại VN cao do công nghệ và yếu tố thị trường. “Ngành ngân hàng trì trệ mãi. Các nước họ huy động một đồng từ ngân hàng thì cũng huy động được một đồng ở thị trường chứng khoán. Còn VN ba đồng doanh nghiệp đều phải vay ngân hàng. Và ngân hàng một mình một chợ, năm nào cũng lãi lớn. Dù thống đốc hò hét nhưng cũng chẳng ăn thua gì” - Phó thủ tướng bộc bạch. Ngoài yếu tố thị trường tài chính chưa đảm bảo giá tốt cho doanh nghiệp, Phó thủ tướng còn cho rằng một trong những yếu kém nữa của năm qua là điều hành của Chính phủ và thống đốc chưa thật nhất quán.

Nói khá kỹ về những yếu kém, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận chủ trương, điều hành là quyết liệt nhưng chưa thật thông suốt, hiệu quả. “Nói Chính phủ giỏi cũng đúng, yếu cũng đúng. Sáng nay tôi có nói đùa với Thủ tướng rằng đi họp lúc nào cũng chúc nhau sức khỏe. Nhưng Thủ tướng họp từ sáng đến trưa, từ trưa đến tận đêm, còn đâu mà khỏe được” - Phó thủ tướng trần tình.

Nói một cách tổng quát, ông Hùng ví von: “2010 là năm bứt phá về ngoại giao và quốc phòng, kinh tế chỉ là trườn lên”. Lý do là năm 2010 VN vẫn còn những yếu kém về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chuyển đổi chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa tốt. Giải quyết môi trường, sức cạnh tranh, lựa chọn danh mục dự án để đầu tư cũng chưa tốt. Yếu kém nữa là bức xúc xã hội, cuộc sống người dân chưa thật yên tâm...

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Đề cập triển vọng năm 2011, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết Chính phủ đã đề ra tám nhóm giải pháp, trong đó ông Hùng nhấn mạnh: năm 2011 phải điều hành tốt hơn, phải đảm bảo ổn định vĩ mô. “Không có chuyện đầu năm nói khác, cuối năm nói khác nữa”. Mục tiêu năm 2011 của Chính phủ, Phó thủ tướng cho rằng: “Coi tăng trưởng nhanh là số 1 là không được, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát phải là số 1. Tăng trưởng năm 2011 có thấp hơn mức đề ra một chút cũng vẫn phải đảm bảo mục tiêu số 1”.

Đặc biệt, Phó thủ tướng cho biết năm 2011 sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch một bước mô hình kinh tế, tạo năng suất, hiệu quả mới... Nói kỹ hai giải pháp này, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: năm 2011 sẽ quản chặt chi tiêu ngân sách, chi tiêu công, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp theo hướng quản trị hiệu quả, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp các thành phần phát triển, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết năm 2011 cần siết chặt quản lý các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI. “Có 7.000 doanh nghiệp FDI mà nhiều doanh nghiệp toàn báo lỗ”. Danh mục đầu tư của doanh nghiệp cũng phải kiểm soát khoa học hơn, vì theo ông Hùng: “Lâu nay VN nghèo nên cứ gọi vốn, được 10-20 tỉ USD thì rất mừng. Nhưng thà hút được 10 tỉ vào cái tốt còn hơn 30 tỉ vào mà phá hoại môi trường. Phải rà soát danh mục đầu tư, mở ngành gì, dù ngân hàng, chứng khoán cũng phải được kiểm soát”.

____________

BmCSCn3X.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: VIỆT DŨNG

“Sắp tới phải hạ lãi suất để có tăng trưởng, đảm bảo công ăn việc làm, an sinh xã hội...”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận như trên tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngày làm việc thứ hai (31-12).

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm vụ ngân hàng không chỉ bám theo lãi suất dương để có lợi nhuận, mà phải tìm cách điều hành để kéo lãi suất xuống. “Tôi được báo cáo năm nay gần như các ngân hàng đều lợi nhuận cao hơn, trong khi với nền kinh tế thì lãi suất như thế này là rất gay go. Ngành ngân hàng có nhiệm vụ dùng công cụ lãi suất để kéo giá cả xuống, chứ không phải coi giá cả thế nào để ngân hàng hoạt động, ví dụ như lạm phát tăng 12% thì tôi phải huy động 14% và cho vay ra 17-18%” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Từ ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2011 để sớm ban hành nhằm có các cơ chế, chính sách điều hành nhất quán ngay từ đầu năm”.

Thủ tướng nói chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý đất đai, khoáng sản, quản lý doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng... “Tôi đơn cử vấn đề quản lý đầu tư, phân cấp là cần thiết, nhưng phân cấp rồi thì dẫn đến đầu tư trùng lắp, đầu tư vào những ngành tiêu tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng. Năm nay thép xuất khẩu gần 1 tỉ USD, với số liệu đó tưởng nước ta là nước công nghiệp, nhưng thực chất người ta đầu tư vào đây tranh thủ đất đai còn rộng, tranh thủ giá điện còn rẻ... Dẫn đến việc có nhà máy thép dùng điện bằng nửa sản lượng điện của một tỉnh. Do vậy, chúng ta khuyến khích đầu tư nhưng phải có chính sách cho phù hợp” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách một cách đồng bộ ngay từ đầu năm 2011, nhưng phải có trọng tâm trong từng thời gian, từng lĩnh vực, ví dụ trong kinh tế hiện nay và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là vấn đề kiểm soát giá cả, đảm bảo cung cầu cân đối hàng hóa.

qsjvOFsf.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: V.DŨNG

Thủ tướng cho rằng lãi suất còn cao, nhưng đặc thù hoạt động ngân hàng nguồn vốn chủ yếu huy động ngoài xã hội, nếu lãi suất không dương thì không huy động được. Nhìn vào lạm phát công bố hiện nay là 11,75%, bình quân lãi suất đầu vào 12,44%, như vậy thực dương 0,7%. Nếu điều chỉnh lãi suất xuống thì chúng tôi cũng có cơ sở, nhưng e rằng sẽ tạo ra biến động khác. Do vậy, chúng tôi theo dõi sát để điều chỉnh thế nào cho hài hòa. Định hướng lãi suất là khi có tín hiệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp để tác động giảm lãi suất thị trường, đặc biệt là lãi suất cho vay.

pMSFaAhq.jpgPhóng to
Tỉ lệ lạm phát cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Trong ảnh: chọn mua hàng tươi sống tại Co.op Mart Rạch Miễu, Phú Nhuận, TP.HCM chiều 31-12 - Ảnh: GIA TIẾN

“Rõ ràng trong nền kinh tế, tiền và hàng luôn song hành với nhau. Nếu có lạm phát tức là có biểu hiện của tiền lớn hơn hàng chứ không còn một giải thích nào khác” - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Đỗ Thức nói tại cuộc họp báo công bố các chỉ số thống kê ngày 31-12 tại Hà Nội. Theo ông Thức, tâm lý chỉ là một trong các yếu tố và mang tính nhất thời, chứ không kéo dài mãi và một nền kinh tế ổn định, phát triển tốt, vững chắc thì không có hiện tượng tiền lớn hơn hàng.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - phó tổng cục trưởng TCTK, trong tỉ lệ lạm phát năm 2010, yếu tố tiền tệ đóng góp 4,65%, còn lại là các yếu tố khác. Ông Lâm nói: “Tôi đồng cảm với điều hành kinh tế thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước đứng ở thế tiến thoái lưỡng nan: lượng ngoại tệ đổ vào nhiều, kêu gọi FDI lớn mà lại cần duy trì tỉ giá để kích thích xuất khẩu, nên tôi đánh giá cao kết quả như vừa qua”.

Năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 11,75%. Theo bà Lê Thị Minh Thủy - vụ trưởng Vụ Thương mại - dịch vụ và giá cả của TCTK, mặc dù Chính phủ đã liên tục đưa ra các chính sách và biện pháp để kiềm chế lạm phát nhưng tỉ lệ lạm phát khá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.

Cũng tại buổi họp báo, ông Hà Quang Tuyến, vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, cho biết những năm gần đây, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, song do cơ cấu về tiêu dùng tăng cao nên tiết kiệm ngày càng giảm. Năm 2006 tiết kiệm khoảng 36,3%, năm 2009 là 29,2% và 2010 là 28,5%. Trong khi đó vốn đầu tư chiếm 41-42% GDP. “Để có đầu tư trong bối cảnh để dành, tiết kiệm ngày càng giảm thì nguồn chủ yếu là phải đi vay, cụ thể đi vay nước ngoài” - ông Tuyến nói. Theo TCTK, năm 2006 tỉ lệ đi vay nước ngoài, kể cả chuyển nhượng, là 5,3% và giai đoạn 2009-2010 tăng lên 13, 14%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đọc (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) cho biết phía Trung Quốc đã và đang tập trung đầu tư cho Đông Hưng (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) giáp biên giới Việt Nam thành khu vực kinh tế mở tương tự như Thâm Quyến, do vậy Chính phủ cần có sự chỉ đạo tập trung đầu tư mang tầm quốc gia cho một số địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh, trong đó có thành phố Móng Cái để đối ứng với Trung Quốc, nhằm cùng phát triển. “Ở Quảng Ninh, khi ta tổ chức một số điểm vui chơi có thưởng nhỏ thì họ phản ứng, nhưng gần đây họ công bố cho xây dựng casino lớn tại Đông Hưng” - ông Đọc nói.

Ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch UBND TP.HCM - nêu vấn đề: “Năm 2011, Quốc hội và Chính phủ quyết định tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương còn 23%, như vậy không thể nào thành phố duy trì được tốc độ tăng trưởng, cũng như đầu tư cho hạ tầng và cho sự ổn định phát triển của thành phố. Chúng tôi thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho thành phố giữ tỉ lệ điều tiết 26%. Nếu không thì tối ngày kẹt xe, ngập nước..., họp HĐND thành phố nóng không kém họp Quốc hội”.

Lãnh đạo UBND nhiều tỉnh thành cho rằng thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng. Ông Lê Thanh Cung, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nói: “Hiện nay mời gọi đầu tư nước ngoài, sợ nhất là họ hỏi về thiếu điện, mình cứ phải né. Để góp phần cải thiện tình hình, chúng tôi đề nghị cho một số tỉnh, trong đó có Bình Dương, được đầu tư xây dựng nhà máy điện”. Ông Cung cho rằng: “Vấn đề mang tính quyết định cho thu hút đầu tư là điện, nhưng tôi xin nói thật là giải pháp cho vấn đề này trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ chưa sáng lắm”. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương nêu kiến nghị: do năm 2011 còn khó khăn, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp lớn có giá trị xuất khẩu cao được miễn thuế nhập khẩu máy phát điện. Cho doanh nghiệp được tạm hoãn nộp 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm 2011 để sử dụng đầu tư cho máy phát điện, số thuế này sẽ được doanh nghiệp nộp vào sáu tháng đầu năm 2012”.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên