24/12/2010 05:48 GMT+7

Viết tiếp pho sử Trần Văn Giàu

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - 10g ngày 23-12, lễ viếng GS Trần Văn Giàu mới bắt đầu nhưng từ sớm nhiều lão đồng chí, đồng nghiệp, học trò... đã chống gậy đến Hội trường TP.HCM (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM).

Họ đến không chỉ để thắp nén nhang tưởng nhớ, mà nói như ông Tô Bửu Giám - chủ tịch quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu: “Một đời viết sử, dạy sử, cả cuộc đời GS Giàu là một pho sử”.

g4BqdW9w.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viếng giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh: T.THẮNG

Những đàn em, học trò ấy của GS Trần Văn Giàu giờ tuổi cũng đã ngoài thất thập. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đến từ đầu buổi sáng, GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm bay từ Hà Nội vào từ đêm trước.

GS Nguyễn Công Bình - nguyên viện trưởng Viện KHXH TP.HCM - nay đã 80 tuổi, là một trong những hạt giống đầu tiên của ngành sử mà GS Trần Văn Giàu gieo xuống. Ông kể: “Mảnh đất mà chúng tôi được thầy Giàu chăm bón là Trường ĐH Dự bị ở Thanh Hóa năm 1952. 60 năm trôi đi quá nhanh và quá bất ngờ. Bất ngờ là bởi khi gặp thầy, chúng tôi không nghĩ có thể lĩnh hội được từ thầy Giàu nhiều đến vậy để trở thành trụ cột của công việc nghiên cứu sử nước nhà”.

Riêng với GS Phan Huy Lê, câu chuyện mà ông chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhắc mãi đó là trước khi gặp GS Trần Văn Giàu ông không hề yêu mến môn sử. Bị phân vào khoa sử, ông từng coi đó là một điều kém may mắn. “Nhưng thầy Giàu đã làm thay đổi suy nghĩ ấy trong tôi. Tôi không chỉ lĩnh hội những kiến thức và phương pháp nghiên cứu sử ở thầy, mà hơn cả ở thầy còn là một con người của lịch sử, một pho sử cuốn hút chúng tôi”.

Hai cụ già Nguyễn Thống Nhứt và Trần Thanh Phan, một người là chiến sĩ đặc công đầu tiên ở miền Nam, một người là chiến sĩ Thanh niên tiền phong. Ông Nhứt góp chuyện về GS Giàu bằng hình ảnh ngày 2-9-1945, GS Giàu làm nức lòng dân Nam bộ khi thay mặt Chính phủ ra phát biểu trước đồng bào. Còn ông Phan nhớ mãi năm 17 tuổi được nằm trong lực lượng bảo vệ GS Trần Văn Giàu khi ông về Ninh Bình diễn thuyết trong lần đầu tiên ra Bắc.

Đã là những ông già 80 tuổi, lọ mọ chống gậy đến thắp nhang nhưng hai ông đều tự nhận mình chỉ là những “cậu thiếu niên” trong mắt GS Trần Văn Giàu. Nhưng ông Nguyễn Thống Nhứt nói rằng với GS Giàu, ông thấy mình được xem như một người bạn. “Hồi ở miền Bắc, biết tôi là thương binh hạng đặc biệt từ miền Nam ra, lâu lâu ông Sáu Giàu lại đạp xe tới thăm. Sau này hòa bình, ông Sáu cũng y vậy, lâu lâu lại đạp xe từ nhà lên phường Cô Giang (TP.HCM) thăm. Không thấy nề hà, cách trở gì hết” - ông Nhứt bồi hồi.

Còn GS Tô Bửu Giám, người đang giữ tâm nguyện của GS Trần Văn Giàu với cương vị chủ tịch giải thưởng mang tên ông, nhắc về câu chuyện khi ông Sáu Giàu bán nhà lập giải thưởng mang tên mình, GS Giàu căn dặn: “Đã làm khoa học thì phải vượt khó, không được than khổ. Trao giải là phải trao cho đáng, cho công trình đã có kết quả, xứng tầm, chứ giải thưởng không phải để đem đi hỗ trợ khó khăn”. Và có lẽ vì quan điểm này mà theo lời GS Giám, những năm đã ngoài 90 tuổi mỗi ngày GS Trần Văn Giàu vẫn tự đặt ra cho mình phải viết tay được 10 trang bản thảo.

Những kỷ niệm ấy về mình, sinh thời GS Trần Văn Giàu chắc đã không thể nhớ hết, biết hết. Nhưng giờ những lão đồng chí, học trò ấy... đang ráng kể lại, viết lại. Vì không ai muốn bỏ sót một chi tiết nào về pho sử Trần Văn Giàu.

Sáng 23-12, lễ tang giáo sư, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động Trần Văn Giàu đã được cử hành trọng thể theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước. Tính đến chiều cùng ngày đã có gần 150 đoàn khách trong và ngoài nước đến viếng. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt Bộ Chính trị vào viếng đầu tiên, ngay sau khi linh cữu giáo sư Trần Văn Giàu được an vị tại lễ đường. Tiếp đó, các đoàn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ... đã lần lượt vào viếng linh cữu giáo sư Trần Văn Giàu. Viện Khoa học xã hội VN, Hội đồng khoa học xã hội TP.HCM, Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu cũng cử đoàn đến viếng nhà khoa học bậc thầy. Tổng lãnh sự Cộng hòa liên bang Nga tại TP.HCM cũng đến viếng và chia buồn cùng gia đình giáo sư Trần Văn Giàu.

Trong sổ tang, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Kính viếng đồng chí Trần Văn Giàu - người con ưu tú của Nam bộ thành đồng, người lãnh đạo tài năng, người trí thức, nhà khoa học uyên bác, người đảng viên cộng sản kiên trung. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí thật to lớn và mãi mãi ngời sáng!”.

Cũng trong sổ tang, ông Trương Tấn Sang - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - đã viết: “Kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng chí Trần Văn Giàu, một chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết của đất nước và của miền Nam thành đồng Tổ quốc, một nhà khoa học lớn”. Ông Trương Tấn Sang khẳng định: “Đảng Cộng sản VN, Nhà nước và nhân dân VN mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí!”.

Nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ví giáo sư Trần Văn Giàu như cây đại thụ trên vùng đất Nam bộ. “Chú đi xa như cây đại thụ Nam bộ không còn, nhưng bóng cây đại thụ vẫn lan tỏa bóng mát cho đời” - bà Trương Mỹ Hoa viết.

______________

Vợ chồng ông Sáu Giàu không có con, nhưng sáng qua ở lễ tang ông vẫn có những người đàn ông trung niên chít khăn tang, chống gậy. Hàng sau, cháu chắt đến cả trăm cũng chít khăn đứng hàng dài. Đó là những cháu nội ngoại của anh chị ruột của cả bên ông và bên vợ, kêu ông bà bằng ông và cố.

Bà Nguyễn Thị Vân, cháu ngoại của chị thứ ba GS Trần Văn Giàu, nhớ hồi gần 80 tuổi, thương chị có gia đình ở Sài Gòn mà phải về tận Long An dạy học. Dù là cháu xa, gọi bằng ông ngoại thứ nhưng ông tới kêu đưa hồ sơ cho ông, rồi tự mang hồ sơ đạp xe gõ cửa khắp nơi để xin cho chị về dạy gần nhà. “Mình thấy ông già rồi, lại bận bịu mà chỗ bà con xa nên không dám nhờ. Nhưng ông nói xưa ông không gần gũi được ông bà cố, nên giờ làm gì được cho con cháu để báo đáp cho ông bà cố thì để ông ráng” - bà Vân bồi hồi.

Nhớ bác Sáu GiàuTrăm năm trọn một con đườngVĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Giàu!Cử hành trọng thể lễ tang giáo sư Trần Văn Giàu

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên