21/12/2010 08:40 GMT+7

Nhớ bác Sáu Giàu

NGUYỄN VIỄN SỰ ghi
NGUYỄN VIỄN SỰ ghi

TT - “Không ai dạy ông làm cách mạng, làm thầy giáo hay làm khoa học. Nhưng suốt trăm năm tuổi đời, ông đã làm những việc ấy với một thái độ chuyên nghiệp, sự cương quyết đến tận cùng” - PGS.TS Phan Xuân Biên, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - tổng thư ký Hội đồng khoa học xã hội TP.HCM, đã nhận định như vậy về giáo sư Trần Văn Giàu.

Trăm năm trọn một con đườngVĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Giàu!Gíáo sư Trần Văn Giàu: Tận hiến cho đời

B294A7qQ.jpgPhóng to
Cả cuộc đời của giáo sư Trần Văn Giàu luôn cống hiến hết cho cách mạng Việt Nam - Ảnh: GIẢN THANH SƠN

“Tôi biết giáo sư Trần Văn Giàu từ năm 1966 khi bước vào Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và bác Sáu Giàu là chủ nhiệm khoa. Tính chuyên nghiệp đầu tiên của bác Giàu mà tôi ấn tượng nhất chính là những tài liệu về lịch sử Việt Nam cận đại do ông soạn. Một cậu sinh viên như tôi lúc ấy không thể mường tượng nổi ông đã làm gì để có được những kiến thức đồ sộ trao cho chúng tôi. Mãi sau này khi về TP.HCM công tác, được gần gũi ông, tôi mới biết để có bài giảng trong một buổi, bác Sáu Giàu đã phải tập hợp, nghiên cứu tài liệu mất năm ngày.

Lòng đầy cảm phục, tôi học ở ông không chỉ kiến thức uyên thâm và ý chí của một người thầy lớn, một nhà cách mạng lớn mà cả tính chuyên nghiệp trong mỗi việc ông làm.

Phần thưởng lớn

Hơn 30 năm sau, khi tôi làm giám đốc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào năm 1997, khi làm công việc trợ lý cho bác Giàu thì cảm nhận về sự chuyên nghiệp ấy càng tăng thêm.

Con của bác Sáu Giàu là những công trình nghiên cứu

Ông bà Sáu Giàu có một người con nhưng không may mất từ nhỏ, từ những ngày trước cách mạng.

Ông cũng thường nói: “Tôi không có con. Con tôi là những công trình khoa học, tôi thai nghén, mang nặng đẻ đau. Tôi có tới hơn 150 công trình như thế”.

Rất nhiều lần đến nhà, tôi gặp nhiều người xưng con và ông cũng gọi lại là con - đó là những học trò, hậu sinh gọi ông bằng sự trìu mến. Nhưng những danh xưng ấy với ông chỉ là một cách nói gần gũi của người dân Nam bộ. Cho đến ngày cuối đời, ông bà Sáu Giàu vẫn không có một người con nào được khai trong lý lịch...

Nhớ có lần anh Dương Trung Quốc tới thăm nhà, đã ngạc nhiên thấy bác Sáu Giàu đang nhễ nhại mồ hôi xếp từng phiếu nghiên cứu (thời đó chưa lưu trữ thông tin bằng máy tính) mà không dám bật quạt vì sợ bay mất.

Sau này, nhiều lần nữa tôi và những người khác cũng thấy ông vất vả như vậy, liền đánh bạo hỏi sao không có thư ký để phụ việc thì ông quệt mồ hôi trả lời thẳng: “Ý tưởng của mình, đầu óc của mình thì mình phải viết ra. Không thể để người khác viết mà mình lại đứng tên được”.

Sau này khi phụ việc cho ông, tôi vẫn thấy ông cần mẫn viết tay từng trang bản thảo với nét chữ rất đẹp chứ nhất định không kêu ai, dù khi đó ông đã gần 90 tuổi.

Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh tới tính chuyên nghiệp là bởi trong hồi ký chính bác Sáu Giàu cũng tự nhận mình là một “nhà cách mạng chuyên nghiệp”. Một nhà cách mạng chuyên nghiệp Trần Văn Giàu đã có trước, phôi thai cho một nhà giáo chuyên nghiệp, nhà khoa học chuyên nghiệp trong ông sau này.

Chọn con đường đấu tranh cho dân tộc từ khi còn là cậu sinh viên bên trời Tây, có nghĩa ông đã khước từ mong ước của đôi bên gia đình tấm bằng luật. Biết là đã phụ lòng mong mỏi của mẹ cha, nhưng vì nghĩa lớn, vì con đường cách mạng đã dấn thân mà không lung lạc.

Bị trục xuất về nước, ông tham gia Xứ ủy Nam Kỳ rồi tiếp tục con đường học vấn nhưng không phải để thành một luật sư mà sang Liên Xô học Trường ĐH Phương Đông về vấn đề ruộng đất ở Đông Dương để trở thành một lãnh đạo cách mạng ở Nam kỳ những năm sau đó.

Tính chuyên nghiệp trong con người ông còn thể hiện ở sự kiên trung. Đã có những quãng thời gian ông lặng lẽ, làm việc với những luồng ý kiến khác nhau về mình. Nhưng thời gian gần gũi ông, tuyệt nhiên không thấy những điều đó làm ông phân tâm trong công việc.

Lòng ông chắc cũng có những ưu tư nhưng lý tưởng đã chọn, công việc đã chọn ông không bao giờ từ bỏ.

Bởi thế, tôi nghĩ những phần thưởng cao quý nhất mà Đảng và Nhà nước, nhân dân trao tặng cho ông về sau, không chỉ tưởng thưởng cho cống hiến của ông mà có lẽ còn cho cả sự kiên trung, cho tính chuyên nghiệp trong ông.

Về quê yên nghỉ

Hồi ký của mình, ông Giàu từng ưu tư rằng: “Nếu Đảng Cộng sản được quy chế hợp pháp hay nửa hợp pháp, tôi sẽ xin làm nhà cách mạng chuyên nghiệp mà không thoát ly gia đình(...). Hết ngày công tác, đợt tuyên truyền thì được về nhà tìm yên tĩnh, âu yếm cha mẹ, vợ con. Chẳng hơn là đất khách quê người... nghe chó sủa đã phải đề phòng hay sao?”.

Có lẽ vì luôn đau đáu với cha mẹ, vợ con nên dường như ông không bao giờ tự nhận mình là một người chồng, một đứa con trọn vẹn - “chuyên nghiệp”.

Và phải chăng cũng vì thế mà những năm cuối đời của bà Sáu Giàu, khi đến thăm ông lúc nào tôi cũng thấy phòng làm việc của ông có một lối cửa thông vào nơi bà đang nằm. Qua cánh cửa ấy, ông bà lúc nào cũng nhìn thấy nhau. Ông móm mém cười, bảo rằng ông muốn thấy hình bóng của vợ mình, bất kể là đang làm gì.

Và sự thật từ những năm 1950, khi ông ra Bắc công tác, ông bà đã không rời nhau một phút nào cho đến ngày bà ra đi năm 2004. Như một sự bù đắp cho bà khi ông vì nghĩa lớn mà đi biền biệt hết tuổi xuân, không kịp có một đứa con khôn lớn với bà.

Hơn nửa thế kỷ không rời nhau nửa bước, trọn nghĩa đến bách niên nhưng dường như với ông chừng đó là không đủ trở thành một người chồng vẹn nghĩa mà ông mong mỏi.

Tôi được lãnh đạo TP phân công gần gũi, phục vụ nhu cầu nghiên cứu và ghi nhận cả những ý nguyện của ông khi cuối đời. Từ năm 1990 đã thấy ông cho xây hai ngôi mộ bằng đá rửa ở quê nhà An Lục Long (Châu Thành, Long An) phòng khi hậu sự.

Nhưng trước ngày mất, bà Sáu Giàu trăng trối muốn được ở bên cạnh ông khi qua đời. Bởi thế, thi hài của bà chưa được đưa về an nghỉ trong ngôi mộ đã xây sẵn mà đem thiêu, đặt tại nhà, để ông vẫn được ở cạnh bà như ý nguyện.

Bác Sáu Giàu đã mất, TP muốn giữ ông nằm lại ở nghĩa trang nhưng ý nguyện của gia đình và của ông trước lúc mất là được an táng về quê nhà An Lục Long (Long An). Bởi thế mai này sẽ đưa ông và tro cốt của bà về An Lục Long yên nghỉ. Để ông bà được cạnh nhau, trên mảnh đất tổ tiên mà những ngày làm một nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà giáo và nhà khoa học chuyên nghiệp ông đã không có nhiều thời gian lui tới.

Tổ chức lễ tang GS Trần Văn Giàu

TT - Ngày 20-12, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã phát tin buồn về sự ra đi về cõi vĩnh hằng của giáo sư, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động Trần Văn Giàu.

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 11-9-1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An), thường trú tại nhà số 245/3 Lý Thường Kiệt, P.15, Q.11, TP.HCM.

Ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8-1930 và sau đó được cử đi học tại Trường ĐH Phương Đông ở Matxcơva, Liên Xô (cũ). Tháng 6-1935, Tòa án Pháp tại Sài Gòn kết án ông 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Tháng 4-1940, ông ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi lại bị địch bắt đưa đi giam ở Tà Lài và sau đó vượt ngục trở về, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 4-1943, ông được bầu làm bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam năm 1945 và được cử làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ. Từ năm 1949, ông được cử làm tổng giám đốc Nha Thông tin trước khi chuyển sang công tác ở Bộ Giáo dục, tham gia xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp.

Ông từng giữ các chức vụ bí thư Đảng ủy Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, chủ nhiệm khoa lịch sử. Từ năm 1962-1975, ông công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học lịch sử VN và nghỉ hưu từ năm 1978. Ông là chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử VN, chủ tịch Hội Khoa học xã hội TP.HCM.

Giáo sư Trần Văn Giàu là tác giả của nhiều tác phẩm lớn như Triết học phổ thông, Biện chứng pháp, Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử, Sự phát triển của tư tưởng VN từ thế kỷ XIX đến Cách mạng VN, Giá trị truyền thống của dân tộc VN, Lịch sử chống xâm lăng, Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858, Giai cấp công nhân VN, Lịch sử cận đại VN, Miền Nam giữ vững thành đồng...

Với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, giáo sư Trần Văn Giàu đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Anh hùng lao động, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Lễ tang giáo sư Trần Văn Giàu được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước. Ban lễ tang đã được thành lập gồm 14 người, do ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - làm trưởng ban.

Linh cữu giáo sư Trần Văn Giàu được quàn tại Hội trường TP.HCM, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3.

Lễ viếng được bắt đầu từ 10g ngày 23-12-2010. Lễ truy điệu tổ chức lúc 7g30 ngày 25-12-2010.

Linh cữu giáo sư Trần Văn Giàu được đưa về an táng tại quê nhà, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

NGUYỄN VIỄN SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên