Phóng to |
Người nghèo kiếm sống ở đô thị (ảnh chụp trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM sáng 19-12) - Ảnh: N.C.T. |
Bà Linh nói:
- Nếu chỉ đánh giá dựa trên thu nhập thì tỉ lệ nghèo ở hai TP rất thấp. Nếu sử dụng chuẩn nghèo quốc gia năm 2006 (điều chỉnh theo tỉ giá cho năm 2009), tỉ lệ nghèo thu nhập năm 2009 chỉ bằng 1,27% ở Hà Nội và 0,31% ở TP.HCM.
Với tốc độ phát triển kinh tế cao ở hai TP, trong thời gian tới nếu sử dụng chuẩn nghèo thu nhập chung của quốc gia thì khả năng xóa nghèo vật chất là hoàn toàn có thể. Việc đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với tăng trưởng phúc lợi xã hội cùng việc tạo các cơ hội công bằng cho các bộ phận dân cư khác nhau trở nên vấn đề đáng quan tâm.
* Vậy bức tranh toàn diện sẽ như thế nào khi nhìn vào tình trạng sống nói chung của dân cư hai TP mà không đơn thuần dựa vào thu nhập?
Phóng to |
- Có thể thấy rõ các bức tranh khác nhau về cuộc sống đô thị. Bên cạnh đường phố sầm uất và hào nhoáng ở hai TP là cuộc sống tạm bợ và thiếu thốn của một bộ phận người dân.
Ở Hà Nội, nếu về khu vực Đông Anh (nơi có nhiều khu công nghiệp) hay quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì, có thể thấy rất nhiều người di cư không hộ khẩu đang sống trong những điều kiện hạn chế.
Còn ở TP.HCM, tại những quận như Bình Tân, Gò Vấp hay Tân Bình, dân di cư tập trung rất đông. Ngay cả những quận lớn, sầm uất như quận 1, 2 hay 4, khu vực dọc sông Sài Gòn có rất nhiều khu trọ, người dân đang sống trong những điều kiện rất thiếu thốn về điện, nước, diện tích nhà ở, an ninh...
Chỉ số nghèo đa chiều tổng hợp (MPI) của người dân di cư không hộ khẩu luôn cao hơn người dân có hộ khẩu.
Có thể thấy ba thiếu hụt nhiều nhất mà người dân hai TP đang phải chịu là tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ nhà (điện, nước, rác/nước thải) có chất lượng và chất lượng/diện tích nhà phù hợp. Vấn đề phổ cập giáo dục trung học cơ sở và huy động trẻ em đi học cũng quan trọng, đặc biệt ở TP.HCM.
Ngoài ra, vẫn tồn tại các thiếu hụt khác, tuy ở mức độ thấp hơn là thiếu hụt về y tế (không có bảo hiểm y tế), an ninh và tham gia các hoạt động xã hội (đặc biệt với người di cư). Hà Nội tuy nghèo hơn TP.HCM về thu nhập, nhưng lại “giàu” hơn nếu nhìn theo góc độ đa chiều.
* Như vậy tỉ trọng nghèo rơi vào dân di cư nhiều hơn ở hai TP này, vậy nhóm dân cư này đang phải đối mặt với vấn đề gì?
Bà Lê thị Thanh Loan (cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM): Tiếp cận vấn đề nghèo một cách đa chiều Tham gia cuộc khảo sát “Hỗ trợ đánh giá sâu về tình trạng nghèo đô thị ở Hà Nội và TP.HCM”, vai trò của Cục Thống kê là tổ chức cuộc khảo sát, thu thập và phân tích, đánh giá thông tin. Đây là cuộc khảo sát đầu tiên tiếp cận vấn đề nghèo một cách đa chiều, không chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập và chi tiêu mà đánh giá mức độ nghèo qua khía cạnh xã hội của đời sống dân cư với tám chiều: thu nhập bình quân đầu người; giáo dục; y tế; tiếp cận hệ thống an sinh xã hội; chất lượng và diện tích nhà ở; dịch vụ nhà ở; tham gia các hoạt động xã hội; an toàn xã hội. Từ trước đến nay, TP.HCM đều có những chương trình xóa đói giảm nghèo nhưng chủ yếu dựa trên tiêu chí thu nhập và chi tiêu. Vì vậy kết quả cuộc khảo sát sẽ giúp cơ quan chức năng đưa ra những chính sách toàn diện hơn trong công tác nâng chất lượng sống, cũng như tìm ra các biện pháp giải quyết những mặt thiếu hụt xóa đói giảm nghèo cho người dân. |
- Tỉ trọng dân di cư không có hộ khẩu nghèo về thu nhập không khác biệt lắm với dân thường trú có hộ khẩu ở cả hai TP. Nhưng người di cư lại có tỉ trọng cao hơn, nếu xét theo các thiếu hụt về xã hội.
Ví dụ, nếu xét theo khía cạnh an sinh xã hội, ở Hà Nội có tới 59,4% dân di cư không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì từ nơi làm việc như trợ cấp thôi việc, chế độ thai sản/nghỉ ốm, lương hưu, bảo hiểm tai nạn, tiền tuất hoặc không được hưởng lương hưu, trợ cấp chế độ xã hội thường xuyên, tỉ lệ này là 36,1% ở nhóm dân có hộ khẩu.
Tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội là bảo hiểm cho người dân khi họ gặp các cú sốc trong cuộc sống.
Dân di cư cũng đang chịu thiếu thốn về tiếp cận nhà ở có chất lượng và có diện tích phù hợp. 47% dân di cư ở Hà Nội và 57% dân di cư ở TP.HCM đang sống trong những nhà tạm bợ hoặc diện tích quá nhỏ để đảm bảo sinh hoạt. 67,8% dân di cư đang ở nhà thuê, mượn và hơn 1/2 hộ dân di cư ở chung nhà, ở trọ hoặc lều tạm, trong khi với hộ dân thường trú tỉ lệ này là 3,1%.
Một phát hiện thú vị nữa, mặc dù là hai đô thị lớn nhất nước nhưng vẫn còn nhiều người dân, đặc biệt là dân di cư, chưa được dùng nước máy.
Họ có thể được dùng điện lưới quốc gia nhưng không được kết nối trực tiếp. 31,5% hộ di cư không hộ khẩu không kết nối trực tiếp, dùng điện thông qua hộ khác và thường phải trả tiền điện với giá cao hơn so với hộ có kết nối trực tiếp, trong khi đó chỉ có 2% hộ có hộ khẩu dùng điện thông qua hộ khác.
Đáng chú ý là có sự chênh lệch rất lớn về tham gia các tổ chức và hoạt động xã hội của người dân di cư. 37,1% dân di cư Hà Nội và 38,7% dân di cư TP.HCM không hề tham gia bất kỳ tổ chức xã hội hay hoạt động xã hội nào tại địa bàn sinh sống.
Trong khi tỉ lệ không tham gia này rất thấp, khoảng vài phần trăm ở nhóm dân có hộ khẩu. Đây là vấn đề cần được quan tâm khi báo cáo cũng chỉ ra rằng yếu tố tham gia xã hội có tương quan nhiều với các chiều nghèo đói khác.
* Vậy một bộ phận dân di cư nằm ngoài các hoạt động xã hội tại hai TP này?
- Theo điều tra, có tỉ lệ lớn dân di cư không tham gia các tổ chức và hoạt động xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân cho hiện tượng này, tuy nhiên những lý do chủ yếu là họ thấy không liên quan, không được tham gia, không có hộ khẩu và không có thời gian.
Trong đánh giá đa chiều, giác độ tham gia hoạt động xã hội rất quan trọng vì đó là đời sống tinh thần của người dân, cho họ cảm giác được xã hội coi trọng và được công nhận là một bộ phận tại nơi sinh sống.
Hơn nữa, tham gia các hoạt động tại khu vực sinh sống tạo điều kiện cho dân di cư được tiếp cận các dịch vụ/phúc lợi xã hội và được phổ biến các thông tin chính sách, chăm sóc y tế, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Dường như tại nhiều nơi, dân di cư chưa được coi là bộ phận của tổ dân phố nơi họ sinh sống và chưa được quan tâm. Mỗi khi có hoạt động của địa phương, người ta thường thông báo cho những người có hộ khẩu, chủ hộ chứ không quan tâm tới người ở trọ.
* Theo bà, cần làm gì để sự tăng trưởng về thu nhập mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân di cư?
- Luồng dân di cư sẽ đổ dồn về những khu kinh tế phát triển, nơi họ có cơ hội kiếm sống tốt hơn. Dân di cư cũng là một lực lượng đóng góp vào sự phát triển của các đô thị. Do vậy, không nên coi dân di cư là gánh nặng mà nên có cách tiếp cận tích cực hơn, trong đó coi vấn đề di cư là tất yếu và cần giải quyết hiệu quả để đảm bảo phát triển và công bằng xã hội.
Báo cáo ban đầu cho thấy một số lĩnh vực mà hai TP cần quan tâm như hệ thống an sinh xã hội, lĩnh vực nhà ở và dịch vụ nhà ở, giáo dục, y tế và tham gia các hoạt động xã hội của dân di cư.
Thời gian tới, dự án sẽ tiến hành các nghiên cứu sâu và hỗ trợ cùng hai TP đưa ra những kế hoạch hành động giảm nghèo toàn diện hơn về các lĩnh vực cuộc sống cũng như cho các nhóm dân cư khác nhau, trong đó có dân di cư.
Tuy nhiên, có một số lĩnh vực không những cần quyết định của hai TP mà còn cần các quy định pháp luật thể chế từ cấp quốc gia. UNDP sẽ cùng nỗ lực, hỗ trợ hai TP và quốc gia xây dựng các chính sách giảm nghèo mang tính hệ thống, toàn diện và hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận