16/07/2004 08:31 GMT+7

Đất khu công nghiệp: Ai hưởng lợi?

ĐOAN TRANG - HUY GIANG
ĐOAN TRANG - HUY GIANG

TT - Hàng ngàn hecta trên địa bàn TP.HCM được qui hoạch xây dựng khu công nghiệp (KCN) đã, đang và sắp chuyển đổi công năng thành đất ở.

hB2de9p4.jpgPhóng to
Nền đất trong KCN Bình Hòa (được chuyển công năng thành khu dân cư) đang rao bán giá hơn 10 triệu đồng/m2
TT - Hàng ngàn hecta trên địa bàn TP.HCM được qui hoạch xây dựng khu công nghiệp (KCN) đã, đang và sắp chuyển đổi công năng thành đất ở.

Và sự “chuyển đổi công năng sử dụng đất” này đã khiến những doanh nghiệp với danh nghĩa xin giao đất làm KCN trước đây trở thành các nhà kinh doanh bất động sản - phân lô bán nền. Còn người dân có đất lại phải đi mua lại với giá “cắt cổ” trên chính mảnh đất của mình. ai hưởng lợi?

KCN Tân Bình: đền một, bán lại… tám

Vào thời điểm hiện nay, ngay tại trên 155ha hiện hữu của KCN Tân Bình (phường 15, 16, quận Tân Bình và khu vực ấp 2, xã Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh cũ), đất đai vẫn chưa được sử dụng hết công năng. Không phải hoàn toàn là các xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất như quyết định ban đầu, mà phần lớn đã chuyển sang hình thức khác: kho bãi, dịch vụ, văn phòng làm việc...

“Tương lai KCN Tân Bình sẽ là khu vực dịch vụ công nghiệp, là trạm trung chuyển chứ không phải là nơi sản xuất” - ông Lê Trọng Lập, phó giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh XNK và đầu tư Tân Bình (Tanimex), nói. Và tương lai xa hơn nữa sẽ là khu dân cư? Những người được Nhà nước giao đất chắc chắn sẽ... ẵm gọn khoản lợi nhuận thu được từ đất ở ngay trong khu vực nội thành TP. Chỉ những người có đất trong khu vực này là chịu thiệt.

dQC174EE.jpgPhóng to
Nhà mọc lên nhưng đường sá chưa hoàn chỉnh, lầy lội. Ảnh chụp tại KCN Tân Bình mở rộng (đã được chuyển đổi công năng thành khu dân cư)

Hơn ba năm trước, những người đang sống trong khu vực qui hoạch này đã phải mua đất với giá từ 1,5-2,5 triệu đồng/m2. Vậy mà, tháng 6-2002, khi Công ty Tanimex thực hiện mở rộng KCN, người dân chỉ được đền bù với giá 90.000 đồng - 110.000 đồng/m2.

Một số hộ được tái định cư ngay trong khu vực qui hoạch phải mua với giá 950.000 đồng/m2 (!). Số hộ được duyệt mua nhà chung cư cũng không đủ tiền để mua căn hộ mới khi số tiền đền bù chỉ khoảng 30-40 triệu đồng.

KCN Cát Lái: đền giá đất nông nghiệp, bán giá đất ở

Trong qui hoạch tổng thể quận 2 được phê duyệt năm 1998 khoảng 850ha thuộc địa bàn phường Cát Lái và một phần phường Thạnh Mỹ Lợi được bố trí xây dựng KCN Cát Lái.Theo bản thuyết minh của UBND TP trình tại kỳ họp cuối HĐND TP khóa VI, KCN Cát Lái được dự kiến chuyển thành khu đô thị cảng, trong đó qui mô công nghiệp, cảng, dịch vụ chiếm khoảng 310ha, hơn 500ha còn lại là khu đô thị.

Chính vì vậy, trong hơn sáu năm qua, nhiều đơn vị... chạy đua để được giao đất trong khu vực qui hoạch KCN. Thậm chí dù không có chức năng đầu tư xây dựng KCN nhưng một số công ty kinh doanh nhà đất vẫn được giao đất để “chuẩn bị đưa vào sử dụng với mục đích cụ thể theo chỉ đạo của UBND TP”.

Từ tháng 4-2002 đến nay, 850ha đất qui hoạch KCN Cát Lái đã được “băm” nhỏ để giao cho các đơn vị, trong đó đáng kể là Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 2 (120ha), Công ty Đầu tư và dịch vụ TP (165ha), Tổng công ty Bến Thành (gần 99ha), Công ty cổ phần xây dựng Sài Gòn (36,6ha)...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Thái Thị Hạnh, phó chủ tịch UBND quận 2, thừa nhận mức đền bù cho người dân bị thu hồi đất rất thấp: 70.000-80.000 đồng/m2 vào những năm 1999-2000, hiện nay khoảng 150.000 đồng/m2, còn nơi để người dân tái định cư sau khi bị thu hồi đất lại chưa thấy đâu.

Trong khi đó, quận 2 là nơi có giá nhà đất cao nhất so với các quận mới thành lập, thấp nhất từ 4-5 triệu đồng/m2, cao nhất 25 triệu đồng/m2. Hầu như toàn bộ khu vực qui hoạch KCN Cát Lái hiện hữu là đất ruộng, đây chính là điều thuận lợi để những đơn vị được giao đất thu được món lợi khổng lồ: đền theo giá đất nông nghiệp, bán theo giá đất ở.

Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý dự án KCN Bình Hòa (đổi mục tiêu dự án nhưng tên ban quản lý chưa đổi), hiện toàn khu qui hoạch dân cư Bình Hòa có đến 26 dự án thành phần với tổng diện tích giải tỏa 125ha và 1.633 hộ phải giải tỏa di dời.

Một chuyên viên ngành xây dựng khi trao đổi với chúng tôi về khu vực này đã tỏ ra băn khoăn về việc kết nối hạ tầng của từng dự án thành phần trong toàn bộ khu vực và với hệ thống chung của TP.

Ai làm “biến mất” Khu công nghiệp Bình Hòa?

Khoan nói tới việc chưa thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng mà đã phân lô rao bán nền nhà trên giấy tại KCN Bình Hòa, thực tế hiện ra ngay trước mắt cho thấy mục đích ban đầu của dự án đã bị thay đổi gần như hoàn toàn, từ việc sử dụng đất phục vụ phát triển công nghiệp đã biến thành kinh doanh đất đai, cơ sở hạ tầng.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, ngày 27-4-1994 Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng 125,13ha đất thuộc phường 13, quận Bình Thạnh để tổ chức xây dựng KCN Bình Hòa. Thế nhưng ngày 2-6-1995, một lá thư tay có đóng dấu treo của Viện Nghiên cứu qui hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị được gửi tới chủ tịch UBND quận Bình Thạnh với trích yếu xem xét điều chỉnh lại qui hoạch KCN - dân cư Bình Hòa, trong đó có nội dung: “…

Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo rà soát, tính toán lại qui hoạch, vì khu này ngay trong nội thành, cự ly quá gần và qui mô, tính chất, mối quan hệ xem ra chưa hội đủ điều kiện xây dựng một KCN. Chủ tịch yêu cầu làm rõ “bài toán” này lại trong tình hình đất có giá - là thị trường. Trên cơ sở tính toán có thể rút nhỏ diện tích đất công nghiệp và tăng diện tích cho khu dân cư…”.

Và sau đó, qua nhiều trình tự thủ tục khác nhau, ngày 7-6-2001 UBND TP có công văn thay đổi chức năng qui hoạch KCN này sang khu dân cư. Bắt đầu từ đây toàn bộ khu vực này trở thành dự án khu dân cư với rất nhiều công ty, đơn vị tham gia dự án thành phần.

Sau khi dự án KCN trở thành dự án khu dân cư Bình Hòa với qui mô lớn nhất trong khu vực nội thành, các hoạt động kêu gọi đầu tư thành phần diễn ra khá nhộn nhịp trong giới kinh doanh địa ốc. Trong khi đó thì hầu hết những người dân trong khu vực đều cứ đinh ninh rằng việc giải tỏa, đền bù đang nhằm mục đích xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong khu vực.

Trước qui hoạch phân lô, làm hạ tầng người dân đều lầm tưởng dành cho tái định cư hoặc nhà ở cho công nhân, người lao động trong KCN. Cho đến khi việc rao bán nền nhà được thông báo rộng rãi, các nhà đầu tư thành phần đua nhau trương bảng quảng cáo dự án, cạnh tranh về giá qua việc rao công khai giá bán từng mét vuông, từng khu vực… thì nhiều người dân mới té ngửa và vác đơn đi kiện hàng loạt.

ĐOAN TRANG - HUY GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên