17/12/2010 07:47 GMT+7

Bài học hậu Vedan

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Như vậy là sau hơn bốn tháng kể từ khi Vedan chịu bồi thường trong vụ xả nước thải gây ô nhiễm, người dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức nhận được tiền. Trong khi đó, người dân ở TP.HCM và Đồng Nai vẫn chưa nhận được tiền bồi thường vì việc chia tiền còn dùng dằng, ách tắc.

XznMT2Xe.jpgPhóng to
Những nạn nhân của Vedan ở Bà Rịa Vũng Tàu - Ảnh Minh Luận

Lý do chính là giữa người có quyền nhận tiền bồi thường và người đứng ra tổ chức việc chi trả không có được tiếng nói chung về mức bồi thường cụ thể cho từng trường hợp.

Chuyện những người đối mặt với nhau trong quá trình trao đổi lợi ích không đạt được sự đồng thuận là chuyện rất bình thường trong cuộc sống dân sự. Đơn giản ai cũng muốn đòi phần tốt nhất theo ý mình. Điều không bình thường chính là việc không ai dự kiến về cuộc đôi co này trước khi nó xảy ra để có biện pháp ngăn chặn thích hợp, tránh những chuyện lùm xùm về tranh giành lợi ích có thể khiến người ta phát ngượng khi chuyện trở thành đề tài bàn luận rộng rãi trong dư luận xã hội.

Trong vụ Vedan, các bên đã chọn con đường thỏa thuận: sau thời gian đàm phán giằng co, hai bên đã đi đến thống nhất ý chí về mức bồi thường cụ thể. Mọi chuyện rất tốt đẹp và suôn sẻ cho đến khi bên đại diện những người bị thiệt hại trở về với số tiền bồi thường chung. Bây giờ mới lộ ra các câu hỏi hóc búa: Ai được nhận? Nhận bao nhiêu?

Đáng lý ra, trong điều kiện việc đòi bồi thường mang tính chất tập thể thì trước khi đi gặp bên kia, những người bị thiệt hại cần được tổ chức lại và nhóm họp để kê khai, đánh giá thiệt hại của từng người. Trên cơ sở tổng hợp các bản kê khai đã được thẩm định, đại hội những người bị thiệt hại ấn định mức bồi thường mà họ sẽ đưa ra đối với bên kia, đồng thời xác định luôn tỉ lệ tính toán mức bồi thường mà mỗi người nhận được trên con số gộp. Bản nghị quyết về yêu sách bồi thường một khi được ký sẽ trở thành luật ràng buộc từng người một, không thể tranh cãi.

Bên đại diện các nông dân bị thiệt hại trong vụ Vedan đã không làm như thế. Hậu quả là bây giờ không có cơ sở để phân chia số tiền bồi thường cho các nạn nhân. Người ta có thể tự hỏi trong thời gian nói chuyện với Vedan về bồi thường, chẳng lẽ các đại diện những người bị thiệt hại không hề có ý tưởng gì cụ thể về việc phân chia số tiền có thể nhận được?

Đến nước này thì chỉ còn hai lối ra khả dĩ: hoặc tổ chức thẩm định các bản kê khai thiệt hại và thương lượng với từng người một để thỏa thuận về mức bồi thường; hoặc để bà con kiện ra tòa để được bồi thường theo một bản án.

Cần nhấn mạnh rằng không nên gọi Vedan đến để trả tiền lại trong trường hợp bà con không chịu nhận. Bởi cứ hình dung: khi gặp Vedan để thương lượng, người nhận tiền mang tư cách đại diện của bà con và cũng từ sự thừa nhận tư cách đó mà Vedan đã ngồi vào bàn thương thảo, rồi sau đó đã giao tiền; bây giờ để trả tiền lại cho họ, người nhận trước đây sẽ lấy danh nghĩa và lý do gì trong khi bà con không hề muốn trả?

Dù chọn giải pháp nào, điều quan trọng là phải nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm từ vụ này để tránh lặp lại những chuyện đáng tiếc tương tự về sau.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên