Phóng to |
Ông Phan Chí Hiếu Ảnh: T.Minh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TSPhan Chí Hiếu - giám đốc Học viện Tư pháp - cho biết:
- Chúng tôi có kiến nghị với Nhà nước là phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý thật chặt chẽ về lĩnh vực này. Cần thiết thì ban hành một đạo luật riêng quy định về việc bán đấu giá tài sản phục vụ mục đích từ thiện, vì nó có nhiều cái đặc thù, nếu áp dụng thủ tục chung đôi khi chẳng xử lý được.
Thứ hai là đối với đơn vị tổ chức bán đấu giá, chúng tôi cũng nhận định là vừa qua có hàng loạt sai sót, ví dụ như không xây dựng nội quy bán đấu giá, không công bố nội quy bán đấu giá. Rồi có sự lẫn lộn giữa bán đấu giá và làm từ thiện, ví dụ như trong cuộc này có thỏa thuận là thu được giá trị tài sản chênh lệch bao nhiêu thì mới làm từ thiện.
Học viện Tư pháp có kiến nghị đã làm từ thiện thì không làm chuyện đó được, phải tách bạch để tránh bị lợi dụng. Sai sót tiếp theo là người điều hành phiên đấu giá cũng không thể hiện tính chuyên nghiệp. Thứ ba là trách nhiệm pháp lý của người trúng đấu giá, chúng tôi cho rằng về nguyên tắc khi anh đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá thì nó đã hình thành một hợp đồng mua - bán giữa hai bên. Một khi hợp đồng mua bán đã hình thành, người trúng đấu giá phải trả tiền để nhận tài sản.
Nhưng riêng vụ 47,9 tỉ đồng bộ tứ linh, các thông tin mà chúng tôi nhận được không đầy đủ nên tôi thấy có một số vấn đề ở đây: nếu hợp đồng này có hiệu lực thì Công ty gốm sứ Bảo Long phải thanh toán đầy đủ tiền, không thanh toán sẽ bị kiện.
Đó là một hợp đồng dân sự có giá trị pháp lý ràng buộc các bên với nhau, chứ không thể nói rằng tôi tham gia đấu giá nhưng tôi không đặt cọc nên không phải chịu một trách nhiệm gì.
Trong buổi tọa đàm với chúng tôi, các lãnh đạo trung tâm bán đấu giá của Nhà nước nói rằng họ sẵn sàng đứng ra tư vấn miễn phí cho các cơ quan tổ chức từ thiện để làm sao có các phiên đấu giá thật chặt chẽ.
Thiếu hành lang pháp lý Ngày 11-12, ông Trần Quốc Hùng, chánh văn phòng Hội Chữ thập đỏ VN, đã bày tỏ sự bức xúc trước hàng loạt vụ việc từ thiện “đấu giá ảo”, hay tặng đồ dùng cho người nghèo khó mà không thể dùng trong thời gian gần đây. Xảy ra những sự việc như đấu giá ảo vừa qua, theo ông Hùng, do thiếu hành lang pháp lý cần thiết, chưa có những cơ chế rõ ràng cho các hoạt động đấu giá vì mục đích từ thiện. Mặc dù có Bộ luật dân sự và các chế định pháp lý liên quan điều chỉnh, nhưng đó chỉ là hoạt động đấu giá tài sản thông thường, còn với đấu giá vì mục đích từ thiện, các quy định vẫn còn bỏ ngỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận