12/12/2010 08:46 GMT+7

Coi chừng xung đột môi trường

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên nói nguy cơ xảy ra xung đột môi trường giữa các địa phương dọc sông Đồng Nai là rất lớn.

ixWCCjSZ.jpgPhóng to
Xả nước thải công nghiệp chưa xử lý ra sông Đồng Nai Ảnh: T.T.D.

Đó là cảnh báo mới nhất được đưa ra tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai) diễn ra ngày 11-12 ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tại phiên họp, Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết tình hình ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vẫn ở mức báo động, nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, rạch trên địa bàn.

Ô nhiễm sông ngòi - “tại anh, tại ả”

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã tổ chức rà soát các cơ sở sản xuất khu vực giáp ranh với TP.HCM, lập danh sách 160 doanh nghiệp gây ô nhiễm và quy định lộ trình buộc các doanh nghiệp này phải khắc phục, di dời.

Theo ông Nguyên, kết quả quan trắc cho thấy sông Cần Giuộc và kênh Thầy Cai ô nhiễm trầm trọng, trong đó có một lượng nước thải rất lớn từ TP.HCM đổ ra. “Sông Cần Giuộc ô nhiễm ngày càng tệ hại, đến con còng còn chết nên nhiều vùng người dân không thể nuôi tôm được. Mà nước thải từ đâu? Chủ yếu từ TP.HCM. Biết là vậy nhưng chẳng lẽ bây giờ Long An đi kiện TP.HCM!” - ông Nguyên nói.

Một ngày xả hơn 1,8 triệu m3 nước thải công nghiệp

Theo thống kê, hiện tổng lượng nước thải công nghiệp thải vào lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hơn 1,8 triệu m3/ngày đêm. Trong khi đó, việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được coi trọng, chỉ 1/3 số khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải nhưng công tác vận hành chưa tốt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Ngọc Thới cho rằng tình hình ô nhiễm môi trường diễn biến rất phức tạp và hiện không còn con sông, con kênh nào là “con kênh xanh xanh” mà chỉ toàn thấy “con kênh đen đen”.

Ông Thới đề nghị Ủy ban sông Đồng Nai tổ chức điều tra cơ bản trên toàn lưu vực, xác định nguồn phát thải thuộc địa phương nào thì địa phương đó phải có trách nhiệm xử lý triệt để. “Tình hình này nếu không khéo tỉnh này thải tỉnh kia hứng, xung đột vì môi trường khó tránh khỏi” - ông Thới cảnh báo. Theo ông Thới, tỉnh đã kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận không cấp phép đầu tư các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như xi mạ, nhuộm, thuộc da...

Tự nhận là địa phương nằm lọt giữa lưu vực, ông Trần Văn Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay tỉnh này đã xác định không cấp phép đầu tư ngoài khu công nghiệp đối với các ngành nghề tương tự.

Ông Nam đề nghị các tỉnh thành trong lưu vực phải thống nhất từ chối các dự án gây ô nhiễm, tránh tình trạng tỉnh này từ chối nhưng tỉnh khác cấp phép để rồi tất cả cùng gánh hậu quả. Riêng vấn đề ô nhiễm thượng nguồn kênh Ba Bò, ông Nam cho biết sẽ giải tỏa nhanh hai hộ còn lại trong phạm vi dự án để phối hợp cùng TP.HCM thực hiện tốt dự án cải tạo con kênh này.

f1oSLxW8.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chư (Long An) đánh lờ, lưới cá, bắt tôm... trên sông Đồng Nai cho biết họ bắt được ít cá hơn vì ô nhiễm môi trường (ảnh chụp ngày 11-12) - Ảnh: T.T.D.

Chất thải độc hại về đâu?

Một số đại biểu cho rằng báo cáo chính thức của Ủy ban sông Đồng Nai tại phiên họp này có cập nhật tình hình, song chỉ mới tập trung vào chất lượng, ô nhiễm nguồn nước. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, quyền viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, đề nghị cần có đánh giá tổng thể tình hình môi trường cả về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm do dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên, điều đáng lo ngại nhất là hiện nay lượng chất thải nguy hại phát sinh rất lớn nhưng trong vùng chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại đạt tiêu chuẩn. “Như tỉnh tôi, các doanh nghiệp thu gom chất thải nguy hại lên xe rồi chạy đi đổ ở đâu, xử lý ở đâu không thể biết được” - ông Nguyên nói. Ông kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường cùng Ủy ban sông Đồng Nai cần nghiên cứu xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại tập trung cho toàn vùng.

Đại tá Phan Hữu Vinh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B - Bộ Công an), cho biết hiện toàn lưu vực có hơn 90 doanh nghiệp có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng chức năng được cấp phép để ký hợp đồng với nhiều đơn vị chủ nguồn thải với lượng chất thải vượt công suất của nhà máy dẫn đến quá tải, xử lý không đúng quy định, thậm chí đem đổ nơi khác.

Trong khi đó có những doanh nghiệp tìm cách đưa chất thải từ nước ngoài vào VN bất chấp pháp luật nghiêm cấm. Vừa qua C49B đã phát hiện hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhập hàng trăm tấn chất thải nguy hại với tờ khai là nhập methanol. Đó là chưa kể tình trạng nhiều doanh nghiệp thay vì xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh lại đem đấu giá thanh lý tài sản.

Khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ

Tại phiên họp, đại diện tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Ủy ban sông Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ đối với các dự án thủy điện, thủy lợi trên toàn lưu vực. Vì hiện nay trên hệ thống sông Đồng Nai có rất nhiều dự án thủy điện, nếu không có quy trình vận hành đồng bộ sẽ có nguy cơ gây hạn hán trong mùa khô và lũ lụt trong mùa mưa như bài học từng xảy ra ở khu vực miền Trung.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột môi trường cục bộ giữa các địa phương là rất lớn nên các tỉnh cần thống nhất cơ chế hành động, tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược hoặc ỷ lại, đùn đẩy lẫn nhau. “Về phần Bộ Tài nguyên và môi trường, tôi kiểm điểm là mình làm chưa hết trách nhiệm” - ông Nguyên thẳng thắn.

Ông Nguyên cũng lưu ý vì bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nên các thành viên Ủy ban sông Đồng Nai dù kiêm nhiệm, bận bịu cũng cần có mặt đầy đủ. Riêng một số thứ trưởng là thành viên ủy ban vắng họp, ông Nguyên cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên