05/12/2010 08:47 GMT+7

Khoáng sản không là "của trời cho"

Ông Phạm Thế Duyệt
Ông Phạm Thế Duyệt

TT - Tài nguyên khoáng sản không là “của trời cho” và không phải là vô tận, cho nên phải biết sử dụng thông minh, khôn ngoan để không lãng phí, thất thoát, nhất là không để các quốc gia khác lợi dụng khai thác...

P9s079Xg.jpgPhóng to
Các mẫu vật khoáng sản ở Bảo tàng Địa chất Việt Nam - Ảnh: QUỐC THANH

Đó là những nội dung ông PHẠM THẾ DUYỆT - nguyên thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN - nhấn mạnh khi trao đổi với Tuổi Trẻ dưới góc độ là người có chuyên môn về mỏ và khai khoáng. Ông Duyệt nhận định:

- Nước ta có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản và đây là nguồn lực có thể làm giàu, tạo vị thế mới cho đất nước. Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản không phải là vô tận, kể cả than, dầu khí hay các loại quặng quý hiếm. Do đó chúng ta phải biết cách sử dụng, khai thác hợp lý để đảm bảo hiệu quả nhất, tránh kiểu làm tràn lan, ai cũng muốn xí phần nhưng không đủ năng lực, làm không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Không khôn ngoan sẽ bị lợi dụng

"Nhất định không được xem tài nguyên nói chung và các loại khoáng sản nói riêng, đặc biệt đối với các loại hiếm, là “của trời cho”. Tất cả phải có ý thức sử dụng tiết kiệm và cần biết cái gì phải giữ gìn cho đời sau. Muốn làm được điều này, Chính phủ cần có lộ trình thăm dò xác định trữ lượng tài nguyên, có kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng thật rõ ràng"

* Theo ông, chúng ta cần lưu ý điều gì khi hợp tác quốc tế về thăm dò, khai thác các loại khoáng sản, nhất là một số loại quý hiếm?

- Theo tôi, trong lĩnh vực khai thác tài nguyên quý hiếm mà VN chưa có kinh nghiệm thì cần làm từ quy mô nhỏ đến lớn chứ không được ồ ạt, vội vã. Trong tình hình thế giới đang nóng lên với vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản thì việc hợp tác cần hết sức thận trọng, đảm bảo lợi ích quốc gia. Nếu không tỉnh táo lựa chọn đối tác và phương thức làm ăn hiệu quả, chúng ta dễ bị “tận dụng” tài nguyên.

Một vấn đề khác khi hợp tác là phải cảnh giác tình trạng đưa công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm vào trong nước. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn tận dụng tài nguyên và lao động giá rẻ ở những quốc gia nghèo, trong đó có việc khai thác tối đa tài nguyên thô mà ít quan tâm việc đầu tư và chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản.

* Như vậy theo ông, nước ta có đủ khả năng để đặt điều kiện tiên quyết là phải đầu tư, chuyển công nghệ mới được “đụng” tới những khoáng sản có giá trị của Việt Nam?

- Đối với vấn đề khai khoáng, bất kỳ quốc gia nào cũng phải hướng đến bán sản phẩm tinh chứ không chỉ xuất khẩu thô tài nguyên. Trước đây, việc khai thác quặng thiếc ở Cao Bằng, Liên Xô đã giúp ta làm rất tốt, tinh luyện ra thiếc thành phẩm. Tôi cho rằng với các loại khoáng sản đều phải làm như thế.

Tuy nhiên không nên đặt quy định ràng buộc cứng nhắc mà cần làm từng bước, có lộ trình để chuyển giao công nghệ. Về lâu dài, phải đặt yêu cầu tối đa là làm sao chuyển giao được công nghệ, cần hướng đến việc sử dụng nguồn khoáng sản của nước ta để làm ra các sản phẩm phục vụ các ngành sản xuất, cho người dân ở trong nước, sau đó mới xuất khẩu.

Tôi nhấn mạnh đến điều này: khai thác là tốt nhưng làm sao phải tuyển quặng, tinh chế được sản phẩm. Bán sản phẩm được chế biến từ quặng là tốt nhất, tốt vừa là xuất quặng tinh và nên hạn chế xuất thô. Vì thế, trong hợp tác chuyển giao công nghệ phải nghĩ đến chuyện đào tạo nguồn nhân lực trong nước để dần dần nguồn nhân lực của chúng ta có thể đảm đương được các yêu cầu tự chủ trong các lĩnh vực.

L2Cf0wI7.jpgPhóng to
Ông Phạm Thế Duyệt - Ảnh: Q.T.

Không khai thác bằng mọi giá

Dự án bôxit: phải chịu trách nhiệm với mai sau

Đối với việc khai thác bôxit hay xử lý bùn đỏ ở Tây nguyên, tôi cho rằng cần giải quyết vấn đề bước đi và cách làm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nói rõ mọi điều kiện khai thác bôxit ở đó đều đảm bảo an toàn thì cứ nên làm. Nếu đã khẳng định mức độ an toàn như thế thì nhất định bộ trưởng sẽ có trách nhiệm. Nhưng cũng cần nói thêm là không phải chỉ chịu trách nhiệm bây giờ mà còn phải chịu trách nhiệm cả trong tương lai. Những người đã thẩm định, phê duyệt đều phải chịu trách nhiệm với hiện tại và mai sau.

* Hiện nay trên thế giới có xu hướng một số quốc gia dù giàu có về khoáng sản nhưng vẫn đi tìm kiếm, khai thác tài nguyên ở những quốc gia khác về sử dụng. Ông đánh giá thế nào về việc này và VN có nên xuất khẩu quặng thô?

- Có những loại khoáng sản với trữ lượng lớn, có thể bán được giá cao thì chúng ta nên bán để tạo thêm nguồn lực cho đất nước khi chúng ta còn nghèo. Không được có suy nghĩ rằng mình có tài nguyên khoáng sản lớn thì muốn khai thác, muốn bán bao nhiêu cũng được.

Phải đánh giá cho được trữ lượng và giá trị của tài nguyên ấy ở hiện tại cũng như ở tương lai để có lộ trình, mức độ khai thác hợp lý. Trong làm ăn quốc tế, ai cũng tìm cách để mình có lợi nhất. Ai đi khai thác được của cải của người khác để phục vụ lợi ích của mình thì tội gì lại không làm. Cái này chúng ta phải nhận thức rõ mới có thể tránh được những bất lợi, thiệt thòi.

* Với một số loại khoáng sản - đặc biệt là những khoáng sản quý hiếm - liệu có cần hạn chế khai thác, thậm chí tạm thời đóng cửa để chờ thời cơ tốt hơn?

- Theo tôi, một số loại khoáng sản mà trữ lượng ở nước ta không nhiều, song rất có giá trị về mặt kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu cho nhiều ngành công nghiệp thì nên sớm khai thác phục vụ nhu cầu trong nước. Chúng ta phải nghĩ rằng hãy đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu, phải kiểm soát được việc khai thác, sử dụng, tránh lãng phí, mất mát tài nguyên quốc gia và nhất là những tiêu cực ở lĩnh vực này.

Để làm được những điều như vậy, nhất định không được xem tài nguyên khoáng sản là “của trời cho” rồi muốn giao cho ai và khai thác kiểu gì cũng được, không tính đến lợi ích trước mắt và lâu dài. Tất cả phải có ý thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, biết cái gì cần gìn giữ cho đời sau.

Nhưng nói như thế không có nghĩa với bất kỳ loại khoáng sản nào cũng chủ trương để dành, hạn chế khai thác thì cũng không đúng, có khi lại mất cơ hội tham gia thị trường khoáng sản thế giới.

* Trong khai khoáng, vấn đề được xã hội quan tâm nhất hiện nay là bảo vệ môi trường. Nhiều dự án khai khoáng hiện nay dường như chưa đặt vấn đề môi trường lên trước?

- Môi trường dứt khoát phải là vấn đề được quan tâm đúng mức, làm nghiêm túc. Cho dù khai thác khoáng sản có đóng góp lớn cho ngân sách mà môi trường sống của người dân bị ô nhiễm, sức khỏe bị đe dọa... thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí cái mất mát còn nhiều hơn cái được. Việc khai thác than, sắt, bôxit... cũng phải được làm với tinh thần như vậy, không phải lấy tài nguyên rồi để môi trường bị ô nhiễm, bị tàn phá!

* Xin cảm ơn ông.

Ông Phạm Thế Duyệt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên